Đây là lần đầu tiên lãnh đạo một nền kinh tế lớn đến thăm Việt Nam kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Theo Nikkei, chuyến công du của Thủ tướng Suga nhiều khả năng sẽ thúc đẩy đầu tư từ các nền kinh tế lớn vào Việt Nam trong thời gian tới.
Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và đang đàm phán một thỏa thuận riêng với Anh. Mỹ cũng đang quan tâm hơn đến thị trường Việt Nam.
Việt Nam khống chế dịch Covid-19 hiệu quả hơn bất kỳ quốc gia nào tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch. Do đó, Chính phủ Việt Nam mong muốn Thủ tướng Suga khuyến khích các doanh ngiệp Nhật Bản đổ thêm vốn vào Việt Nam.
Nhật Bản đứng thứ hai sau Hàn Quốc về tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2019. Nhật Bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc.
Sáng 19/10, tại Phủ Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân chủ trì lễ đón Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga. Ảnh: Hoàng Hà. |
Các công ty sản xuất dẫn đầu dòng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam nhờ chi phí lao động thấp. Dù vậy, giới chuyên gia cho biết việc thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tăng cũng mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dịch vụ Nhật Bản.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt ngưỡng 3.000 USD, mức quan trọng để các nhà bán lẻ mở rộng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp Nhật Bản, hãng thời trang Uniqlo đã mở một số cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Chuỗi nhà thuốc Matsumotokiyoshi Holdings cũng sẽ khai trương tại TP.HCM trong tuần này.
Hiện, các biện pháp hạn chế đi lại đang cản trở hoạt động kinh doanh song phương. Chính phủ hai nước đã đạt thỏa thuận mở cửa theo từng giai đoạn, tuy nhiên doanh nhân Nhật Bản đến Việt Nam vẫn cần cách ly trong 14 ngày. Đây sẽ là một trong những vấn đề hai bên thảo luận để giải quyết.