Phóng viên Eric Talmadge chụp hình trước khách sạn kim tự tháp 105 tầng tại Bình Nhưỡng. Ảnh: AP |
Eric Talmadge là trưởng đại diện của hãng tin AP tại Bình Nhưỡng, đồng thời là phóng viên phương Tây duy nhất thường trú tại Triều Tiên.
Talmadge thường di chuyển qua lại giữa Bình Nhưỡng và Tokyo, nơi ông sống cùng gia đình. Ông chỉ tác nghiệp tại Triều Tiên khoảng 10 ngày trong tháng.
Tại Bình Nhưỡng, một đại diện của chính phủ Triều Tiên liên tục theo sát Talmadge. Người này luôn đi cùng phóng viên mỗi khi ông rời khỏi khách sạn hay văn phòng và kiểm soát mọi giao thiệp của ông. "Không, anh không thể đi tới đó", "không, anh không thể phỏng vấn người đó" hay "không, anh không thể có thông tin ấy" là câu trả lời mặc định cho các câu hỏi của phóng viên tác nghiệp tại Triều Tiên.
Talmadge thoải mái nói chuyện với người nước ngoài, nhưng việc tiếp xúc với người Triều Tiên là không thể. Thậm chí, ông còn chịu sự giám sát liên tục khi tiếp cận các thiết bị điện tử, từ email, Internet cho tới điện thoại.
“Họ ghi âm mọi điều tôi nói với bất kỳ ai. Luôn là như vậy”, Washington Post trích tiết lộ qua email của phóng viên Talmadge.
Các nữ binh sĩ luyện tập diễu binh tại thị trấn Sinuiju, giáp biên giới Trung Quốc, ngày 11/4/2013. Ảnh: AP |
Talmadge chỉ có thể đưa tin trong giới hạn, nhằm tránh bị trục xuất hoặc bỏ tù. Kể từ khi nhận nhiệm vụ công tác tại Bình Nhưỡng năm 2013, ông đã đưa tin về quá trình xây dựng các khu nghỉ mát trượt tuyết đầu tiên của Triều Tiên, sự kiện nhóm nhạc nữ Moranbong nổi tiếng và những nỗ lực lớn của Bình Nhưỡng trong việc đối phó với virus Ebola.
Hồi tháng 5, trong sự kiện sập chung cư ở thủ đô Bình Nhưỡng khiến nhiều gia đình mắc kẹt và thiệt mạng, hãng tin AP đã đưa tin về vụ việc từ văn phòng ở Seoul, dù sự cố xảy ra cách văn phòng của AP tại Bình Nhưỡng chỉ vài phút lái xe. Vào thời điểm đó, Talmadge đang tác nghiệp ở bên ngoài Bình Nhưỡng nên không biết tin. Trong khi đó, truyền thông nước này hoàn toàn không truyền hình trực tiếp hay phát còi báo động khi sự cố xảy ra.