Minh họa: Tita. |
“Ham muốn giống như nước biển, càng uống thì càng khát”. Ham muốn quá nhiều mà không tiết chế sẽ biến thành lòng tham, chúng sẽ từng bước khống chế tâm trí ta, trói chặt tâm hồn, khiến chúng ta dần rơi vào cái bẫy mà ham muốn giăng sẵn. Trên một phố cổ hẻo lánh, có một thợ rèn già sống trong tiệm rèn cũ kĩ.
Ngày nay, không còn ai rèn sắt nữa, lão thợ rèn đành bán đồ gia dụng bằng sắt như nồi và rìu để kiếm miếng cơm. Việc làm ăn ế ẩm, quá nửa ngày cũng không có nổi một vị khách. Thế là người ta thường xuyên thấy ông lão một tay cầm đài radio, một tay cầm ấm trà, ngồi trước cửa tiệm vừa uống trà vừa nghe đài.
Trước nay, ông chưa từng chủ động mời chào khách mua hàng, ông mở hàng chủ yếu để giết thời gian, kiếm tiền chỉ là thứ yếu. Ông già rồi, kiếm đủ tiền để uống trà, ăn cơm là ông đã thấy mãn nguyện.
Rồi một ngày, có một thương nhân đồ cổ đi qua tiệm của ông lão, vô tình nhìn thấy ấm trà trên tay ông. Người thương nhân nọ chỉ nhìn thoáng qua đã biết đó là một ấm trà cổ hiếm có. Sau một hồi quan sát tỉ mỉ, thương nhân nhận định, đây chính là tác phẩm của Đới Chấn Công - nhà chế tác ấm trà nổi tiếng thời nhà Thanh, có tiếng là “Nặn bùn thành vàng”.
Thương nhân được biết tác phẩm của ông hiện chỉ có ba chiếc còn tồn tại. Không lẽ trên thế gian vẫn còn chiếc thứ tư? Sau khi được sự đồng ý của ông lão, thương nhân liền cầm chiếc ấm lên nhìn một cách kỹ lưỡng, quả nhiên đây chính là tác phẩm của Đới Chấn Công.
Thương nhân dứt khoát ra giá 10 vạn tệ để mua lại ấm trà trên tay ông lão. Ông thợ rèn nghe thấy giá đó liền trừng to mắt ngạc nhiên. Ấm trà này là của cụ ông để lại, trước giờ ông không hề biết ấm trà làm từ bùn lại đáng giá đến vậy. Nhưng ông đã từ chối lời đề nghị của thương nhân. Đây là kỷ vật gia truyền, ông không thể bán nó.
Cuốn sách Nóng giận là bản năng tĩnh lặng là bản lĩnh của tác giả Tống Mặc. Ảnh: Chi. |
Tuy không bán ấm trà, nhưng sau khi thương nhân rời đi, lần đầu tiên trong đời ông lão mất ngủ. Ông cầm ấm trà ngắm nghía hồi lâu, trước đây khi uống trà, ông đặt bừa ấm bên cạnh, muốn uống thì cứ cầm lên mà uống thôi. Bây giờ, ông luôn sợ mình không cẩn thận động vào làm vỡ nó. Ông đặt hết tâm trí vào ấm trà mà quên thưởng thức hương vị của trà, quên nghe tiếng radio, quên cả khung cảnh nhàn nhã bên ngoài.
Những ngày khó chịu hơn vẫn còn ở phía sau. Khi người dân trong thị trấn nghe nói ông lão có một ấm trà quý thì cả ngày lẫn đêm đều có rất nhiều người nườm nượp tìm đến nhà ông. Ông lão sợ chiếc ấm sẽ bị đánh cắp nên không thể không gia cố cửa nẻo.
Cứ như vậy, cuộc sống của ông lão bị đảo lộn hoàn toàn từ sau khi một chiếc ấm trà bình thường biến thành đồ cổ.
Một thời gian sau, thương nhân kia lại đến đem theo 20 vạn tệ tiền mặt, lần này ông lão không thể ngồi yên nữa. Ông gọi bà con hàng xóm láng giềng đến, cầm rìu đập vỡ ấm trà trước mặt mọi người. Kể từ đó, ông trở lại với cuộc sống bình dị thường ngày, vừa uống trà vừa nghe radio, chỉ có chiếc ấm cổ được đổi thành ấm trà bình thường.
Cứ như thế, ông lão sống tới 120 tuổi với ấm trà bình thường này.
Một loạt phản ứng dây chuyền xuất phát từ ấm trà đã làm đảo lộn cuộc sống của ông lão. Ông lão trong câu chuyện nhận ra nguyên nhân khiến mình không vui là do ấm trà, nên ông sẵn sàng đập vỡ ấm trà có giá trị đó, điều mà nhiều người không thể lý giải nổi.
Kỳ thực, tiền dù có nhiều đến mấy cũng chỉ là vật ngoài thân, có tiền hay không thì mỗi bữa chúng ta vẫn ăn một bát cơm. Miễn là tâm trí chúng ta được yên tĩnh, vui vẻ như vậy thì tiền nhiều hay ít đâu còn quan trọng.
Nhà thơ người Ấn Độ Tagore từng nói: “Nếu đôi cánh của con chim được buộc vàng, thì nó sẽ không thể bay cao.” Con người mỗi ngày phải đối mặt với rất nhiều cám dỗ, chúng sử dụng những bộ mặt khác nhau và lý do khác nhau để dẫn dụ ta trở thành tù binh của chúng. Vậy mà con người lại chẳng biết đến nguồn gốc làm cho mình bất hạnh.
[...]