Qua chuyện kể, vị lãnh đạo này là người có chút liều, dám làm và làm cái mới. Nhưng hơn hết, ông là người có niềm tin, quyết tâm và cả sự chịu đựng.
“Nhóm kỳ lạ”
Cuối 2010 đầu 2011, tại huyện Tuy Đức có một nhóm cán bộ “kỳ lạ”. Họ tự trích tiền lương, rủ nông dân cùng mình trồng loài cây mới: mắc-ca. Họ đánh cược uy tín và danh dự, chịu đựng sự hoài nghi và cả khiển trách, mà điểm tựa duy nhất là chuyên môn và niềm tin.
Nhóm do ông Trần Đình Mạnh (khi đó là Chủ tịch UBND huyện) thành lập và chỉ đạo, gồm các kỹ sư địa chất, kỹ sư nông nghiệp, kỹ sư lâm nghiệp. Biết đến cây mắc-ca, họ mời các chuyên gia về tư vấn và thí điểm.
“Muốn nghiên cứu và triển khai cái gì, ngay từ đầu cần có một nhóm có chuyên môn để phân tích các khâu, các điều kiện. Nhóm chúng tôi xác định, điểm quan trọng nhất phải là hiệu quả kinh tế. Thành công hay không thì phải làm đã. Có làm thì mới biết nó có trở thành một hướng đi mới trong xóa đói giảm nghèo cho bà con không”, ông Mạnh, nay là Bí thư Huyện ủy Tuy Đức nhớ lại.
Có đội ngũ chuyên môn, trích lương ra làm, có các chuyên gia tư vấn, điểm xuất phát đầu tiên của “nhóm kỳ lạ” trên là niềm tin vào một loại cây hứa hẹn kinh tế cao, phù hợp với điều kiện địa phương.
Giá trị kinh tế của cây mắc-ca được họ tìm hiểu trên mạng. Còn với thực tế, nó kết với nhóm Trần Đình Mạnh còn từ những lý do có lẽ không có trong sách vở, không thấy trong những tranh luận khoa học nào đó.
Ví như, theo tập quán của bà con dân tộc M’Nông ở Tuy Đức, vừa làm nương vừa thả bò. Bò không ăn lá mắc-ca như các loại cây khác, nên ít nhất về điểm này cũng… phù hợp.
Hay như, ở Tây Nguyên nói chung, nguồn nước hạn chế, mắc-ca không tưới, không bón phân vẫn sống. Bà con nói vui nó là “cây lười”, cứ trồng thử rồi để đấy, nếu ra hoa kết trái thì lại chăm sau. Thành ra cây này hợp với tâm lý ban đầu như vậy, được thì tốt mà không được cũng không phải nặng nề.
Còn ở góc độ khoa học, nhóm ông Mạnh nhận thấy cây mắc-ca có đặc tính chịu hạn, hợp với độ cao từ 700 m, không lấn át cây cà phê nếu trồng xen. Tuy Đức có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp. Họ quyết định trồng, rủ bà con tham gia. Thế nhưng, Chính phủ chưa có chủ trương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa có quy hoạch và định hướng cụ thể, mà chỉ mới ở bước khảo nghiệm.
Ông Trần Đình Mạnh nhớ lại cảm xúc lần đầu tiên chạm dần tới thành công: “Chúng tôi ngồi lặng lẽ bên ly cà phê, mà chưa biết nói gì, dù ai cũng ngầm nghĩ đã bắt đầu có kết quả” . |
Với lý do ấy, Chủ tịch Trần Đình Mạnh khi đó bị Thường vụ Huyện ủy kiểm điểm.
“Khi bị kiểm điểm tôi thấy cũng bình thường. Bởi vì khi đó cây mắc-ca còn quá mới, chưa chứng minh cụ thể giá trị kinh tế và phù hợp với địa phương. Tôi chỉ có niềm tin và quyết tâm, cùng nhóm chuyên môn và các chuyên gia tư vấn”, ông Mạnh kể.
Sau kiểm điểm, nhóm vẫn quyết tâm làm. Rồi lại bị kiểm điểm lần hai.
“Mạnh à, cố gắng”
Đã kiểm điểm rồi mà không rút kinh nghiệm, vẫn bảo thủ làm. Vậy nên lần kiểm điểm thứ hai nặng hơn.
Tối hôm đó, vị chủ tịch gốc nông dân không ngủ được. Ông đấu tranh giữa khả năng có thể bị đưa ra khỏi Đảng, với việc theo đuổi một kết quả chưa định hình. Sáng hôm sau, ông họp nhóm, các thành viên đều quyết tâm và thống nhất vẫn cứ làm.
“Lần kiểm điểm đầu tiên tôi thấy bình thường, vì mắc-ca còn mới quá. Nhưng lần thứ hai thì tôi thấy sợ”, ông Mạnh nhớ lại.
Mặc dù có anh em trong nhóm ủng hộ và quyết tâm, bà con vẫn tin tưởng theo, nhưng không thể lờ đi sự lo lắng lớn dần. Ông Mạnh bèn gọi xin ý kiến của GS. Nguyễn Lân Hùng, người tư vấn chuyên môn thí điểm.
GS. Hùng trấn an: “Em cứ yên chí. Không ra hoa kết quả thầy sẽ làm cho nó ra hoa kết quả bằng được. Thầy hứa với danh dự cá nhân, sẽ hỗ trợ em đến cùng”.
Cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người đầu tiên đưa mắc-ca đến với các hộ dân Tây Nguyên, cũng đã hai lần vào thăm và động viên nhóm.
Nhóm vững tâm hơn để làm. Rồi lên báo cáo lãnh đạo tỉnh. Bất ngờ và là nguồn lực tinh thần lớn, hai lần báo cáo đều được được ủng hộ.
“Bác Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh lúc đó vỗ vai tôi nói, Mạnh ơi, cố gắng đi em. Nếu thành công thì ta có được một bước đi mới xóa đói giảm nghèo với bà con. Nếu thất bại cũng không sao. Lúc đó, mọi khó khăn và áp lực của sự hoài nghi, e sợ của tôi được giải tỏa”, ông Mạnh kể lại.
Nhưng quan trọng nhất vẫn phải dựa vào dân. Vì sao mắc-ca khi đó mới vậy mà người dân đi theo? Trả lời VnEconomy, Bí thư Trần Đình Mạnh cười: “Vì tôi từng làm và thành công với họ ở hai công trình khác”.
Đó là mô hình nhập khẩu giống khoai lang từ Nhật Bản, trồng ở Tuy Đức. Loại nông sản này thành công, trở thành đặc sản của huyện, chủ lực trong xuất khẩu. Khoai lang thương hiệu Đắk Búk So được đăng ký bảo hộ, tạo nguồn thu chủ lực cho nhiều hộ dân. Nay nó được chọn trồng xen, lấy ngắn nuôi dài, với mắc-ca.
Thứ hai là mô hình trồng lúa nước. Ở vùng đồi núi cao nguyên này, bà con dân tộc thiểu số có tập quán du canh, tưởng như không có chỗ cho loại cây ở đồng bằng, trung du. Ông Mạnh xây dựng mô hình, và cũng thành công, góp phần thay đổi tập quán du canh của bà con.
“Có lẽ nhờ hai mô hình đó thành công nên bà con tin, đi theo và ủng hộ nhóm chúng tôi. Vì thế càng phải quyết làm, bị kiểm điểm vẫn làm cho được”. Ông Mạnh nói và cho biết, sự hỗ trợ đó của bà còn là một động lực để làm tiếp sau đêm mất ngủ đó.
Bất ngờ được tính trước
Sau gần bốn năm thí điểm, đấu tranh và đặt cược danh dự, cả sự chịu đựng những hoài nghi nữa, một sáng đầu 2014, bác nông dân Trần Đình Mạnh lặng người khi lần đầu tiên nhìn thấy chùm hoa mắc-ca nở từ cây mình trồng.
Ngay lập tức, cả nhóm họp lại, tỏa đi các vườn kiểm tra, đánh giá. Rồi họ tụ lại.
“Chúng tôi ngồi lặng lẽ bên ly cà phê, mà chưa biết nói gì, dù ai cũng ngầm nghĩ đã bắt đầu có kết quả”. Ông Mạnh long lanh mắt khi nhớ lại khoảnh khắc đó, khoảnh khắc đứa con tinh thần bắt đầu chớm nở.
Họ ngồi lặng lẽ, có lẽ chưa phải nhấm nháp ly cà phê thành công, mà ngẫm lại những khó khăn và thử thách trải qua…
Rồi phần thưởng cuối cùng cũng đến. Cây kết trái và cho thu hoạch. Một số doanh nghiệp chế biến điều tìm đến, vì họ có nhà máy sản xuất tương đồng với chế biến mắc-ca. Tổng công ty Lương thực Vinafood vào ký hợp đồng đặt mua. Một doanh nghiệp ở Bình Dương, chuyên nhập nguyên liệu từ Nam Phi về chế biến rồi tái xuất, cũng tìm đến. Với Tuy Đức, những vụ mùa tới, mắc-ca không lo đầu ra.
Bất ngờ nối tiếp bất ngờ. Từ chùm hoa đầu tiên vào tháng 3, các chuyên gia lại thêm bất ngờ nữa khi có thêm mùa hoa tháng 8. Dù tháng 8, khí hậu không nhiều thuận lợi và năng suất ít hơn, nhưng nó cho khác biệt đáng chú ý.
Ông Martin, chuyên gia Úc, đến thăm Tuy Đức và ngỡ ngàng: “Ở Úc hay một số điểm trên thế giới, lâu nay mắc-ca chỉ cho đúng một mùa. Tuy Đức lại có hai mùa. Chắc chắn sản lượng của các bạn sẽ vượt chúng tôi”.
Thành công bước đầu được kiểm định. UBND tỉnh Đắc Nông lập tức vào cuộc. Đây là tỉnh đầu tiên trong cả nước chính thức quy hoạch vùng mắc-ca, chủ yếu là trồng xen cà phê. Tổng diện tích gần 14.000 ha là mục tiêu đến năm 2020.
Có khảo nghiệm thành công, có chủ trương của tỉnh, nhưng khó khăn vẫn là vốn. Chuyện tự trích lương để làm dĩ nhiên không thể kéo dài và mở rộng.
“Chúng tôi mừng quá khi hay tin Him Lam vào hỗ trợ và ưu đãi nguồn giống, làm nhà máy và bao tiêu. Cái chính nữa là bà con sẽ được vay vốn lãi suất ưu đãi theo cam kết của LienVietPostBank. Tôi rất tâm đắc vì hai nhà đầu tư này sẽ mua bảo hiểm cho bà con. Nếu có rủi ro, vì có thể có vườn không phù hợp để ra hoa kết trái, thì người nông dân không mất tiền của, chỉ mất công lao động thôi”, ông Mạnh nói.
Cụ thể hóa cam kết của mình, được biết LienVietPostBank hiện đã lên kế hoạch mở một phòng giao dịch tại Tuy Đức, tạo đầu mối trực tiếp hỗ trợ các hộ dân vay vốn. Phòng giao dịch này sẽ mang tên: “Phòng giao dịch Mắc-ca”.