Đến đầu tuần này, hai đối tác triển khai đề án, công ty Cổ phần Him Lam và LienVietPostBank, cho biết đã khảo sát và có thể mở rộng quy mô đầu tư phát triển mắc-ca, với số vốn dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), người có ý tưởng và trực tiếp xây dựng đề án, vừa có cuộc trao đổi với VnEconomy.
Muốn cho dân vay để trồng loại cây này
- Thưa ông, từ năm ngoái, khi có thông tin về kế hoạch đầu tư nói trên, cũng đã có những hoài nghi... Nói một cách dân dã thì có phải là “chém gió” không?
- Cũng dễ hiểu thôi. Trước đây nếu là tôi, nghe ai đó nói một kế hoạch như vậy thì tôi cũng nghĩ là “chém gió”. Vì nó còn mới quá, và chưa thấy thực tiễn tại Việt Nam. Ngay cả khi triển khai thì cũng phải mất 5-7 năm mới chứng minh được.
Năm ngoái, sau khi có kế hoạch trên, LienVietPostBank và Him Lam đã tổ chức nghiên cứu, thuê chuyên gia nước ngoài cùng làm, xây dựng quy trình cụ thể. Chúng tôi đã đề xuất với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức một hội thảo chuyên đề về phát triển loại cây này vào ngày 7/2 tới tại Đà Lạt, để cùng thảo luận sâu hơn.
- Vậy ý tưởng phát triển cây mắc-ca quy mô lớn tại Việt Nam có từ khi nào và bắt đầu như thế nào, thưa ông? Hay vì sao đến lúc này mới “nhìn thấy” loại cây này?
- Cá nhân tôi đi công tác nước ngoài, thấy người ta dùng nhiều loại hạt này. Tìm hiểu kỹ thì thấy giá trị của nó và nhận thấy thực tế ở ta đã thí điểm thành công rồi, nhất là tại Tây Nguyên.
Tôi cũng đã gặp các đối tác là doanh nghiệp ngành thực phẩm bánh kẹo, dược mỹ phẩm. Họ lại đang đi tìm loại nguyên liệu này. Cung trong nước rất hạn chế, mà chủ yếu là nhập khẩu. Trong khi đó, đất và điều kiện tự nhiên phù hợp với mắc-ca thì Việt Nam có. Cứ như trời cho vậy. Cho nên nếu không ai làm thì tôi cũng tự trồng. Ngay cá nhân tôi cũng đã đi tìm đất để tự mình làm.
Ý tưởng đó có cách đây hai năm rồi.
- Là người làm ngân hàng, có vẻ như ngoại đạo khi ông và LienVietPostBank tập trung vào phát triển cây mắc-ca với quy mô dự kiến lớn như vậy?
- Từ trước đến giờ chúng tôi luôn xác định nông dân là đối tượng khách hàng rất tốt cho ngân hàng. Chúng tôi đang cho vay trồng lúa, chăn nuôi, kể cả trồng cà phê. Nên với chúng tôi, làm mắc-ca là đúng việc.
Chúng tôi muốn mọi người quan tâm hơn đến nó. Vì nó còn rất mới, làm sao để người dân đến với nó nhanh hơn, thành công đến nhanh hơn và họ đỡ vất vả hơn.
- Ở khía cạnh sự tham gia của ngân hàng, tiềm năng như thế nào, thưa ông?
- Mục tiêu của đề án là tạo công ăn việc làm, đổi mới cách làm, tạo hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân. Như tôi nói ở trên, họ là các khách hàng gần gũi của LienVietPostBank. Họ làm ăn hiệu quả thì hoạt động cho vay của ngân hàng sẽ thuận lợi.
Chúng tôi sẽ tiên phong đứng ra xin đất làm giống, đầu tư giống, qua quy hoạch của địa phương, rồi hỗ trợ vốn trung dài hạn cho các hộ dân trồng loại cây này. Nếu có đất đai tốt, chúng tôi sẽ tổ chức trồng tập trung riêng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). |
Chúng tôi muốn cho dân vay để trồng loại cây này, cho vay trung dài hạn 7-10 năm. Theo tính toán thì đến năm thứ 7 là nông dân đã có thể thu hồi xong vốn và có lãi. Nó bền vững và điều này cần cho ngân hàng.
- Còn tiềm năng của cây mắc-ca tại Việt Nam, hay tính khả thi của đề án, rồi vấn đề đầu ra nữa?
- Việt Nam gần như chưa có sản phẩm mắc-ca để bán. Bởi, các hãng thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm đã mua sạch nguyên liệu rồi. Trên thế giới, các thống kê cho thấy, nhiều năm rồi cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Với chúng tôi, trước mắt chưa tính đến xuất khẩu, chỉ riêng đáp ứng trong nước đã đủ rồi.
Ở Việt Nam, có ba địa phương phù hợp nhất cho cây mắc-ca, với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, là Đà Lạt, Đắc Nông và Kon Tum. Khu vực Tây Bắc cũng có thể, nhưng mưa hơi nhiều và sương muối… và vẫn phải thí điểm tiếp. Còn Tây Nguyên thì triển khai được rồi.
Tây Nguyên hiện có cây cà phê là chủ lực, nhưng phần lớn đã già cỗi, khoảng 60-70% đang đứng trước yêu cầu tái canh. Tuy nhiên, hiện nay chủ trương, quy hoạch và nguồn vốn cho tái canh cây cà phê vẫn nhiều vướng mắc.
Cây mắc-ca có thể thay thế cây cà phê hoặc trồng xen cũng được. Đưa mắc-ca vào, vẫn trồng cà phê bình thường, hai cây bổ trợ cho nhau. Cũng lưu ý là cây mắc-ca có thể cho khai thác tới 60 năm.
Dù cũng có những khó khăn nhất định. Tâm lý người dân, bỏ cây cà phê già cỗi dù vẫn đang cho thu hoạch, thay cây mới và chờ 4-5 năm nữa mới thu hoạch thì người ta khó làm. Nhưng nếu cứ thế này thì 4-5 năm nữa cây cà phê thoái hóa là trắng tay không có gì.
Tây Nguyên có khoảng 5 triệu ha cây công nghiệp, có thể trồng xen 1 triệu ha mắc-ca. Có thể trồng ngay được 250.000 ha, mà chừng đó thì cũng mới chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước, thay thế hàng nhập khẩu, phục vụ cho các ngành chế biến thực phẩm, bánh kẹo, mỹ phẩm…
Trong hội thảo tới, chúng tôi sẽ mời các doanh nghiệp, chuyên gia Nhật Bản. Trong các đợt tham khảo ở nước ngoài, khi đặt vấn đề hợp tác khép kín từ trồng vùng nguyên liệu đến bao tiêu sản phẩm, thì họ đồng ý làm ngay.
Lợi thế trời cho
- Triển vọng là vậy, nhưng liệu có tình huống nào đó ngoài mong muốn trong tương lai, tương tự như chuyện người dân đốt mía, chặt sắn, cao su, đổ sữa… không, thưa ông?
- Chúng tôi đã tính toán, từ bây giờ cho đến khi tạo được vùng nguyên liệu 500 đến 1 triệu ha thì mới chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước thôi. Nếu trồng được quy mô đó, Tây Nguyên sẽ trở thành thủ phủ mắc ca của Đông Nam Á.
Trên thế giới cũng mới chỉ có một số vùng chủ yếu như Hawaii, Úc, một phần Vân Nam Trung Quốc… Thế giới vẫn mất cân đối cung - cầu, mà các khu vực có điều kiện tự nhiên để trồng và có được chất lượng hạt mắc-ca tốt không nhiều. Loại cây này kén thổ nhưỡng, khí hậu, chứ không phải muốn đại trà là được. Như tôi nói, Tây Nguyên có được điều kiện tự nhiên rất phù hợp. Đó là lợi thế trời cho.
- Còn về quy mô vốn, ông nói gì về năng lực của Him Lam và LienVietPostBank?
- Khi có ý tưởng và xây dựng đề án, chúng tôi dự tính quy mô vốn cần cho đề án khoảng 10.000 tỷ đồng. Bởi lượng vốn đầu tư ban đầu cũng không quá nhiều. Qua quá trình khảo sát, đánh giá tiềm năng của loại cây này, khi nó thu hút được sự tham gia của người dân, chúng tôi có thể đầu tư khoảng 20.000 - 25.000 tỷ đồng, trải ra trong khoảng 5 năm. Quy mô đó là bình thường. Chúng tôi làm rồi. Không tổ chức nào tham gia thì cá nhân chúng tôi cũng vẫn làm.
- Liệu có sự đặt cược hay mạo hiểm ở đây không?
- Tất nhiên khi bỏ tiền ra thì phải đánh giá trước những dấu hiệu tiền quay trở lại. Nếu xem đó là đặt cược hay có mạo hiểm thì chúng tôi sẵn sàng. Nhưng tôi xem không có đặt cược ở đây, mà là cơ hội cần nắm lấy.
- Còn với người dân, khi khảo sát và đi vào thực tế, ông có thấy họ e ngại hoặc hoài nghi không?
- Tôi nhận thấy họ đang háo hức, vì thời gian thử nghiệm đã qua rồi. Người ta thấy các mô hình thành công rồi, nhưng chưa có ai đứng ra hô để làm, để có quy hoạch và tổ chức thực sự, mà đang tự phát.
Đúng ra chúng ta phải có chiến lược để hỗ trợ nông dân trước thực tế cây công nghiệp đang già cỗi. Trong khi đó, Tây Nguyên có được điều kiện tự nhiên trời cho, phải nắm lấy lợi thế đó.