Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lá thư viết tay... ngày ấy

Những lá thư viết tay trong chiếc phong bì với con tem và dấu bưu điện từng là nỗi trông ngóng của biết bao nhiêu người.

Tháng năm qua đi, biết bao thứ ta đã quên, gần như một lẽ tự nhiên. Trong lúc nào đó dọn dẹp đồ cũ, bất chợt ta thấy lại lá thư của người bạn gửi cho mình từ lâu rồi, màu giấy đã hoen vàng, nét chữ đã nhòe.

Bức thư của ngày ấy

Lá thư đó là từ ngày ta còn rất trẻ, khi chưa phổ biến điện thoại, mạng Internet, và khái niệm thư điện tử còn xa lạ. Người thân, bạn bè ở xa nhau liên lạc chủ yếu qua những lá thư viết tay.

Chuyen nhung la thu viet tay anh 1

Tình cảm được gửi gắm vào ngòi bút và những trang giấy.

Những lá thư trong chiếc phong bì, với con tem và dấu bưu điện, từng là nỗi trông ngóng của biết bao nhiêu người. Việc chờ thư của đứa con xa nhà, xem nó sống ra sao, học hành, công tác thế nào, hay lại là mong tin của bố mẹ, để xem tình hình “hai cụ”, anh em, hàng xóm ở nhà ra sao... Tất cả đều chỉ có thể biết được, khi nhận được thư.

Hơn thế, là những người yêu nhau, trong nỗi nhớ da diết, lại càng nóng lòng chờ những dòng thư viết tay hơn ai hết. Đó là cảm giác, như một người ngồi đếm từng giây chậm rãi qua đi, để thêm biết bao “lần nhớ”, khi “ra ngóng vào trông”. Đấy là khi người ta càng rõ hơn tình cảm của mình, để tình yêu ngày càng sâu đậm, càng nồng nàn.

Rồi những khi, ta ngồi viết thư, là khi chỉ còn lại mình với trang giấy, đêm yên tĩnh, bên ngọn đèn. Những suy nghĩ, tình cảm hình như trong trẻo và chân thành hơn. Ta cứ tự nhiên mà trải lên giấy, nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nỗi nhớ ai đó... dần hiện ra theo ngòi bút.

Gửi vào những lá thư

Ta viết, nói với ai đó mà như đang tự nói một mình. Ngày thường ở nhà, ta làm mình làm mẩy, rồi muốn bố mẹ chiều cái này cái khác, hay mải chơi đến khi lại thấy khó chịu bởi sự nhắc nhở của người lớn. Lúc đi xa, ta mới hiểu hơn nỗi vất vả, cũng như tất cả những gì tốt nhất bố mẹ đã dành cho mình.

Đêm xa nhà, trước trang giấy, hình ảnh quê nhà hiện về quay quắt. Từng chiều bố ngồi băm rau, rồi nấu một nồi cám lợn thật to, khói bếp cay xè, nhễ nhại mồ hôi giữa tháng sáu. Sáng mùa đông mẹ dậy từ tờ mờ, để sáng ra con đã sẵn cơm ăn đi học, ngoài sân đã có một rành rau lợn to, rồi cửa nhà sân bãi tinh tươm trước khi mẹ đi làm.

Tất cả những điều đó, khi ở nhà ta cứ nghĩ đó là bình thường. Thế mà ngồi một mình, đêm xa nhà ta cứ thế ta viết ra, như đang ngồi nói chuyện với mẹ ngay bên cạnh. Có thể ta yếu đuối, nhưng những dòng chữ vẫn cứ tràn ra, mà khó có thể ghìm lại được.

Chuyen nhung la thu viet tay anh 2
Bây giờ chẳng mấy người còn ngồi viết những lá thư tay nữa.


Đến khi vừa lớn, lúc mới biết để ý tới một ai đó, nhưng còn rụt rè. Mà rụt rè là “đặc sản” của tuổi trẻ chúng tôi bấy giờ, chứ chưa có được mạnh dạn như các bạn teen thời nay. Có khi thích ai đó, cũng chẳng dám tỏ ra một biểu hiện gì, thậm chí đến gần cũng thấy ngài ngại, cứ đứng từ xa nhìn, hay trong lớp chỉ dám để ý, rồi liếc sang mà thôi.

Cứ giữ mãi mối tơ vương trong lòng thì cũng có lúc thấy nặng nề lắm, nên chỉ còn biết nhờ vào trang giấy. Thế mà nghĩ mãi, viết gì để cho người ta hiểu cái cảm tình của mình, chứ nào dám đường đột mà bộc bạch ngay. Nhưng, chọn mãi, ý tứ mãi, viết ra rồi, mà không dám gửi, vẫn có cái gì đó ngài ngại, hay lại sợ, nhỡ “người ta” không hiểu, rồi thì...

Ngóng đợi những lá thư

Mẹ tôi kể, hồi chiến tranh, khi bố vào chiến trường, thì việc ngóng tin bố là một điều có thể nói là đầy căng thẳng và sốt ruột. Hoàn cảnh chiến tranh giao thông chia cắt, bom đạn, nên mỗi bức thư từ chiến trường về, hay gửi được ra tới chiến trường, có khi mất cả nửa năm trời, chuyện thất lạc thư cũng rất nhiều.

Cảm giác chờ đợi, hồi hộp nhận thư dần mất đi, thay vào đó là nỗi lo lắng, phấp phỏng ngóng tin từ chiến trường. Chiến tranh ác liệt, ranh giới giữa cái sống và cái chết mong manh, nên việc được tin của người thân gửi về là điều vô cùng quan trọng.

Những bức thư không chỉ là những thông tin thuần túy, đôi khi nó là tình cảm, tâm huyết, sự yêu thương và trách nhiệm của chúng ta dành cho nhau. Ngày còn học xa nhà, chị gái tôi hay viết thư cho tôi, lúc ấy chị đã ra công tác ở quê. Thư chị viết bao giờ cũng thế, chị hỏi han việc học tập, ăn uống sinh hoạt, đến việc quan hệ, chơi với bạn bè ở trường, ở ký túc... Rồi dặn em những việc phải tự lo, tự giác học hành, hay những ngày lạnh phải mặc ấm, phải đắp chăn ngủ đêm thế nào cho khỏi lạnh... Tất cả thư chị viết cứ như một chỉ dẫn cho tôi vậy.

Chuyen nhung la thu viet tay anh 3

Những lá thư đã úa màu thời gian

Những lá thư viết tay, có khi còn là kỷ niệm, kỷ vật để người ta lưu giữ mãi. Đó là dấu ấn của thời gian, là ký ức không chỉ riêng mỗi cá nhân, mà còn của cả thời đại, qua những con tem, dấu bưu điện trên chiếc bì thư nhỏ bé. Như một đoạn ngắn trong nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm đã viết, sau này in trong sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm, NXB Hội Nhà văn, 2005:

“20.6.68

Thư Đường gửi về, lá thư đẫm nước mắt từ ngục tù lọt qua bàn tay hợp pháp về đây với mình. Đường viết: “Lá thư này đơn sơ, nhưng xin chị hãy giữ làm kỷ niệm, vì nó gói trọn cả tấm chân tình của em trong đó, nếu em không còn nữa thì chị hãy nhớ rằng mãi mãi cho đến lúc chết em vẫn tôn thờ, yêu quý chị...”.

Đó là dòng thư viết vội của một chiến sĩ cách mạng gửi cho Đặng Thùy Trâm, với tất cả lòng kính trọng và yêu quý. Và nếu người con gái Hà Nội ấy không hy sinh trong những ngày ác liệt ở Đức Phổ, chắc hẳn những dòng thư viết vội kia sẽ mãi là một kỷ vật quý giá theo mãi chị, từ khói lửa cuộc chiến.

Bây giờ những lá thư viết tay thưa vắng lắm, chẳng mấy người ngồi viết thư tay, để gửi gắm vào đó bao tình cảm hay nỗi niềm của mình. Tôi không khỏi bâng khuâng khi cầm lá thư cũ úa màu lên, rồi tự hỏi vẩn vơ: Không lẽ, sứ mệnh của những lá thư tay sắp hết rồi sao.

Nhan cach 'oc muon hon' la gi? hinh anh

Nhân cách 'ốc mượn hồn' là gì?

0

Sự trao đổi giữa người với người không thể nào cứ thông thuận mãi được, sẽ có mâu thuẫn, xung đột, không vui, muốn giải quyết những vấn đề này vẫn nên quay về giải quyết từ bản thân chuyện trao đổi.

Bùi Văn Lang

Bạn có thể quan tâm