Nguyễn Thị Lý (thôn 6, xã Quỳnh Giang) kể: “Khoảng 20h ngày 22/6/2015, khi mọi người trong gia đình tôi đang sum họp thì tôi có việc đi ra đầu ngõ, ra đến cổng, chợt nghe tiếng trẻ con khóc. Vừa tò mò vừa sợ hãi, tôi đi thêm mấy bước nữa về phía tiếng trẻ khóc thì thấy một chiếc làn nhựa, bên trong đựng một hài nhi đỏ hỏn. Định vùng chạy vào nhà kêu chồng, nhưng tôi lấy hết can đảm nhấc chiếc làn lên, một tay xách làn nhựa một tay bế cháu bé vào nhà”.
Cuộc vui của gia đình chị Lý đang cao trào bỗng nhiên gián đoạn. Trước khi bỏ đi, người mẹ quấn sơ sài cho con bằng chiếc tã lót, bỏ vào làn nhựa một lốc sữa tươi.
“Ngay lúc đó, gia đình tôi gọi điện báo với chính quyền xã Quỳnh Giang. Xã cho người đến kiểm tra, lập biên bản và giao lại cho nhà tôi chăm sóc cháu bé. Tôi đã có chồng và 2 con trai, nên nhường cháu bé lại cho gia đình chị Nguyễn Thị Phương, anh Mai Xuân Sơn (Phương là chị gái của chồng Lý), nhà ở ngay cạnh. Mấy ngày sau, xã Quỳnh Giang thông báo trên loa nhưng đến giờ vẫn chưa có ai đến nhận lại cháu bé”, chị Lý cho hay.
2 trong 3 bé trai sơ sinh “nhặt” được ở Quỳnh Giang rơi vào gia đình hiếm muộn, hoặc mất con. |
Vợ chồng Mai Xuân Sơn, Nguyễn Thị Phương cưới nhau đã 12 năm, chưa có con. Chồng làm nghề tiếp thị sữa, vợ giáo viên dạy tiếng Anh tại trường PTCS. “Tôi đã đi nhiều nơi chữa chứng vô sinh, tốn tiền nhưng chẳng mang lại kết quả gì. Nếu hết thời hạn xã ra thông báo mà mẹ của bé không đến nhận, vợ chồng tôi sẽ xin nhận cháu bé làm con nuôi”, chị Phương nói.
Nắng nóng khốc liệt, sợ thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe cháu bé nên vợ chồng Phương thuê người lắp máy điều hòa. Hằng ngày Phương đi dạy học ở Quỳnh Lâm, chồng chị đèo sữa đi tiếp thị, chị Lý ở nhà trông “con” cho chị. “Bé ngoan lắm, chẳng mấy khi khóc. Uống sữa xong lại lăn ra ngủ”, chị Lý âu yếm nhìn đứa bé, mỉm cười.
Cách nhà chị Lý vài con ngõ, gia đình ông Phạm Văn Long, bà Nguyễn Thị Tuất (Quỳnh Giang) tháng trước cũng bất thình lình “nhặt” được một trẻ sơ sinh. “Bữa đó trời mưa, con trai tôi là Phạm Bá Thủy nhà bên cạnh nghe tiếng trẻ khóc váng lên ở cổng, nó chạy ra, phát hiện thấy một sinh linh đang giãy đạp trên nền đất đầu ngõ nó ba chân bốn cẳng chạy vào gọi bố. Chồng tôi bèn ra ngõ, bế cháu vào!”, bà Tuất kể.
“Nghe con trai bảo có “cái gì đó” đang trần truồng, khóc thét ở cổng, tôi đang tụng kinh niệm phật vội vàng chạy ra. Dưới trời mưa, tôi thấy một đứa trẻ lấm lem bùn đất đang nằm khóc thảm thiết. Cháu bé tím tái, chỉ mới 2 ngày tuổi, thương quá! Tôi vội vàng bế cháu vào nhà, lấy nước ấm lau người cho cháu rồi ủ nó vào lòng”. Ông Phạm Văn Long nói.
Vợ chồng ông có 5 con, 10 cháu nội ngoại. Quá thời hạn thông báo trên loa xã nhưng chẳng có ai đến nhận lại đứa bé, ông Long bà Tuất quyết định nhận bé làm con nuôi.
“Dân trong xã kéo đến nhiều lắm, có người hiếm muộn bảo ông bà đông con cháu rồi nuôi thêm làm chi nữa, họ xin đứa bé đưa về nuôi nhưng tôi không đồng ý. Có người gạ gẫm tôi... bán lại đứa bé, họ muốn mua về nuôi, tôi mắng cho. Nếu không nuôi được cháu thì tôi nhường cho nhà khác, chứ không bao giờ bán. Với 5 sào ruộng, mỗi vụ gặt 1,5 tấn thóc, con cái đã trưởng thành, vợ chồng tôi thừa sức nuôi bé!”, giọng ông Phạm Văn Long sang sảng.
Vài tuần sau khi ông Long, bà Tuất “nhặt” được trẻ sơ sinh, thì gia đình ông Khôi, bà Thủy (trú tại thôn 9, xã Quỳnh Giang) cũng “bất thình lình” có một đứa trẻ. Một đêm tối trời nghe tiếng chó sủa ầm ĩ, ông Khôi ra mở cổng, phát hiện thấy một hài nhi đựng trong chiếc làn nhựa (y như kịch bản đã diễn ra tại nhà chị Nguyễn Thị Lý tại thôn 6), bên trong chứa hài nhi bọc trong chiếc tã lót.
Ông Khôi làm thợ nề, vợ chồng sinh 2 con (1 gái, 1 trai), nhưng con trai ông đã mất vì bệnh u não. Tự dưng có người lạ mang bé trai đến đặt ở cổng nhà, ông Khôi mừng như bắt được vàng.
Hiện, chính quyền xã Quỳnh Giang (huyện Quỳnh Lưu) đã làm thủ tục nhận con nuôi cho gia đình ông Khôi, ông Long.
“Trường hợp ở chị Nguyễn Thị Phương ở thôn 6, chúng tôi đang chờ xem có ai đến nhận lại cháu bé không, nếu không ai nhận thì làm thủ tục cho gia đình chị nuôi theo quy định của pháp luật.
Ba bé trai bị bỏ rơi trước cổng nhà của 3 gia đình trong một xã, diễn ra ở thời điểm gần kề nhau, đây là một hiện tượng hiếm gặp. Mẹ của các cháu chắc chắn không phải là người sinh sống trong xã Quỳnh Giang”, Chủ tịch UBND xã Lê Xuân Trạch nói.