Đón chúng tôi trong căn nhà khang trang ở xứ trồng tiêu nổi tiếng Đồng Nai, “vua tiêu, người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” Trần Hữu Thắng tươi cười cho biết, so với những người trồng tiêu ở đây thì diện tích vườn tiêu của ông không là bao, chỉ có 2,8 ha. Điều ông Thắng tự hào là vườn tiêu của ông cho năng suất rất cao và ổn định từ 8 đến 11 tấn hạt/ha. Chính vì điều này mà Hiệp hội Trồng tiêu thế giới mới tặng ông cái danh hiệu người trồng tiêu giỏi nhất thế giới.
Ông kể, không có cuộc thi, cũng không có ai đặt ra tiêu chí nào, chỉ biết khoảng tháng 10/2010 (thời điểm chuẩn bị thu hoạch tiêu), một nhóm người nước ngoài giới thiệu là đại diện của Hiệp hội Tiêu thế giới đến thăm vườn tiêu của ông Thắng. Họ chăm chú ghi chép số liệu, chụp hình những gốc tiêu, thăm hỏi ông Thắng về kỹ thuật chăm sóc tiêu.
Liên tiếp hai năm sau cũng vào thời điểm tháng 10, nhóm người nước ngoài này tiếp tục thăm vườn tiêu của ông Thắng. “Ba năm liền họ đến thăm vườn tiêu của tôi. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần họ đến tham quan nghiên cứu gì đó. Đến năm 2013, khi được mời đi nhận danh hiệu Người trồng tiêu giỏi nhất Việt Nam, tôi mới biết việc họ làm”. Ông cho rằng, danh hiệu này không chỉ đem lại niềm tự hào cho riêng ông mà qua đó sản phẩm hồ tiêu Việt Nam sẽ được biết nhiều hơn trên thế giới.
Vườn tiêu được áp dụng mô hình tưới tiết kiệm của ông Thắng. |
Quê ở tỉnh Hưng Yên, năm 1982, khi mới 15 tuổi, ông theo anh trai vào đất Xuân Lộc lập nghiệp. Ở vùng đất mới, ông làm thuê làm mướn, rồi mua được đất làm rẫy. Ban đầu cũng trồng bắp, trồng đậu theo mùa nhưng cuộc sống nghề nông bấp bênh khi mùa được, mùa mất. Năm 1995, thấy nhiều người dân trong vùng trồng tiêu, ông chuyển đổi sang trồng tiêu, ban đầu chỉ trồng khoảng 2.000 m2 để thử nghiệm.
Cây tiêu phù hợp với vùng đất này, phát triển tốt, mang lại lợi ích kinh tế cao. Dần dần ông phát triển vườn tiêu lên 2,8 ha như hiện nay. Trồng được tiêu, nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 2 – 3 tấn/ ha, mỗi mùa vụ trừ chi phí thì lợi nhuận không mang lại nhiều. Theo ông Thắng, diện tích lớn chưa phải là tốt, mà làm sao với diện tích nhỏ nhưng mang lại năng suất cao mới là điều quyết định, trong đó yêu cầu đặt ra là làm sao để cây tiêu phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, tiết giảm chi phí đầu tư.
Năm 2006, được sự hỗ trợ của trung tâm khuyến nông huyện, ông Thắng là người đầu tiên ở huyện Xuân Lộc mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu. Toàn bộ vườn tiêu được lắp đặt hệ thống tưới đi ngầm dưới đất, mỗi gốc tiêu được gắn một ống dẫn nước nhỏ phun tia, chỉ cần mở van bồn chứa nước toàn bộ vườn tiêu sẽ được tưới đồng loạt.
Ông Thắng cho biết, chỉ đầu tư khoảng 50 triệu đồng/ha để lắp đặt hệ thống tưới tự động và tiết kiệm, nhưng kỹ thuật này giúp ông giảm được chi phí lớn về công tưới, tiền nước, điện. Phân, thuốc cũng được ông hòa tan trong nước bón theo đường ống kết hợp theo quy trình tưới. Nhờ tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống, ông Thắng không phải đánh bồn để giữ nước, cây tiêu không bị đứt rễ khi đánh bồn và không bị úng nước vào mùa mưa. Lượng phân, thuốc cũng không bị hao hụt so với cách chăm bón cũ.
Áp dụng kỹ thuật tưới, chăm sóc theo cách thức mới, vườn tiêu của ông Thắng đã đạt đến ổn định, cho năng suất 8 tấn/ha, thời điểm cây sung sức còn đạt đến 12 tấn/ha. Cũng từ đây, mô hình tưới tiết kiệm và bón phân qua ống đã được các hộ trồng tiêu trong vùng và nhiều nơi khác áp dụng. Không chỉ đợi đến khi đạt danh hiệu “Người trồng tiêu giỏi nhất thế giới” mà trước đó mô hình trồng tiêu của ông Thắng được xem là điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Xuân Lộc. Nông dân ở nhiều nơi đã đến tham quan, được ông Thắng chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Hồ Đăng Văn, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thọ cho biết không chỉ là nông dân sản xuất giỏi, ông Thắng còn là một mạnh thường quân ở địa phương khi hàng năm trao xe đạp và hàng ngàn cuốn vở cho học sinh nghèo. Nông dân Trần Hữu Thắng đã được đề nghị Nhà nước tặng Huân chương Lao động.