Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện nghề của những 'bóng hồng' livestream tại Việt Nam

Khó ai có thể ngờ một cô gái tuổi đôi mươi có thể kiếm vài chục triệu, thậm chí trăm triệu mỗi tháng bằng công việc trò chuyện trực tuyến qua ứng dụng di động.

Nghề livestream đã có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ trước cả thời kỳ bùng nổ của ứng dụng di động. Ở buổi ban đầu, những ứng dụng livestream phát triển rầm rộ thông qua các trang web. Cả người livestream và người xem đều phải sử dụng máy tính để có thể tương tác với nhau.

Giờ đây, hằng hà sa số các ứng dụng livestream trên di động thu hút hàng triệu người dùng. Nó khiến cho nhu cầu nhân lực tăng nhanh và bất kỳ ai cũng có thể làm công việc này. Các bạn trẻ đa phần là nữ khi làm công việc này sẽ được mọi người gọi là idol (thần tượng).

Bắt đầu từ sở thích

Công việc livestream khá nhẹ nhàng, không quá tốn sức lực cũng như thoải mái về thời gian. Vì thế nó được nhiều bạn sinh viên lựa chọn để kiếm thêm thu nhập. "Với những người đi học cả ngày như em thì tìm một công việc làm thêm buổi tối không phải dễ dàng nên nghề này quá lý tưởng với em", Thu Nguyệt, sinh viên năm nhất tại TP.HCM chia sẻ lý do lựa chọn công việc livestream, một nghề không quá mới nhưng ít người hiểu rõ về nó.

Dang sau nhung "bong hong" livestream tai VN anh 1
 Thời gian làm việc linh động, thu nhập tốt khiến công việc livestream được nhiều sinh viên lựa chọn để kiếm thêm thu nhập, thỏa mãn đam mê.

Ngoài yếu tố thời gian linh động và kiếm thêm thu nhập, nhiều bạn tìm đến nghề này chỉ để thỏa mãn đam mê sở thích của bản thân mình. Có bạn thích tư vấn tâm lý cho người khác, có bạn thích ca hát và có bạn chỉ livestream để có người nói chuyện cho vơi bớt muộn phiền của cuộc sống.

"Vui nhất với nghề là được nhiều người biết đến, tự do đam mê ca hát. Có nhiều người tặng quà thông qua ứng dụng vì thích giọng hát của mình. Ngoài ra khi buồn vui mình cũng có thể tâm sự được với nhiều bạn bè mới", Chy Huỳnh, có ba năm kinh nghiệm trong nghề livestream chia sẻ niềm vui với nghề.

Với một số bạn, đây không chỉ là công việc mà còn là một gia đình nhỏ thứ hai của mình. "Hàng ngày chỉ mong đến lúc rảnh để có thể mở ứng dụng lên, nói chuyện với các fan của mình. Ngoài những người bạn mới thì lượng fan ruột của mình quá dễ thương luôn", Mỹ Duyên sinh viên đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ.

Livestream tháng 2-50 triệu

Đây là con số khó tin nhưng hoàn toàn có thật mà một cô gái tuổi đôi mươi có thể kiếm được từ nghề livestream. "Mình may mắn được mọi người yêu mến nên làm bất kỳ ứng dụng nào mình cũng có thu nhập khá cao, khoảng 50 triệu một tháng", Chy Huỳnh cho biết.

"Những bạn có khuôn mặt ưa nhìn, ăn nói dễ thương kiếm vài chục triệu, thậm chí trăm triệu một tháng là chuyện có thật"- Thu Nguyệt, sinh viên năm nhất tại TP. HCM.

Chỉ với 2 giờ trò chuyện mỗi ngày, Thu Nguyệt đã có thể kiếm được 2-8 triệu đồng mỗi tháng từ việc hát cho người hâm mộ mình nghe trên ứng dụng.

Bên cạnh thu nhập hữu hình, việc được nhiều người biết đến cũng là nguồn thu nhập vô hình về lâu về dài, tăng lượt theo dõi trên Facebook cá nhân của idol.

Dang sau nhung "bong hong" livestream tai VN anh 2
Với 2 giờ livestream mỗi ngày, idol có thể kiếm 2-8 triệu đồng thu nhập mỗi tháng.

Thế nhưng rất hiếm idol giữ được "phong độ" trong thời gian dài. Đa phần người xem sẽ cảm thấy nhàm chán khi ngày nào phải cùng nhìn thấy một gương mặt. "Nghề này đào thải nhanh lắm, được tầm một hai tháng là họ chán mình, thu nhập vì vậy cũng giảm dần. Idol thường thay đổi ứng dụng là do vậy", Hồng Hạnh, 25 tuổi ngụ Tân Bình, TP. HCM ngậm ngùi khi nói về tính ổn định của công việc này.

Việc thay đổi ứng dụng liên tục của các idol phần nhiều cũng nằm ở chính sách về lương thưởng. Ở giai đoạn ra mắt, các ứng dụng thường thiếu nhân lực nên có ưu đãi rầm rộ lương thưởng để thu hút idol. "Khi hệ thống đã ổn định, họ sẽ tối ưu chi phí, cắt giảm lương đến mức tối thiểu. Ai trụ được thì tiếp tục làm, nhiều idol vì quá chán nản phải bỏ ngang", Nguyệt nói thêm.

Bên cạnh đó, cách tính lương cho idol cũng phụ thuộc nhiều yếu tố như quy định về số giờ, chia sẻ video lên trang cá nhân, số quà được fan tặng. "Chưa có cái lương nào tính phức tạp như lương của idol. Bọn em cũng chỉ ước lượng thôi chứ mấy số lẻ tẻ không kiểm soát nổi", Phương Thảo, 23 tuổi, ngụ Đồng Nai đã từng làm idol trong thời gian dài nói về sự phức tạp trong công thức tính lương.

Không chỉ có vậy, một số nền tảng còn có biểu hiện "ăn chặn" tiền thưởng của idol. "Tụi em nhận lương theo chỉ tiêu quà tặng từ fan, càng nhiều quà lương tụi em càng cao. Nhưng đôi khi cao đột xuất lại bị trừ tiền. Bên ứng dụng bảo là tăng bất thường do hack rồi cứ thế mà trừ. Không công khai số liệu gì cả. Bọn em tiếc đứt cả ruột", Hồng Hạnh nói.

Dang sau nhung "bong hong" livestream tai VN anh 3
Không phải bình luận nào của người xem cũng lịch sự, nhã nhặn.

"Mình rất bất bình trước việc bị trừ tiền thưởng vô lý như vậy lắm. Họ không quản lý được hệ thống nhưng bắt idol phải chịu hết. Đồng ý có nhiều fan gian lận bằng thẻ VISA lậu. Nhưng phải công bố fan nào để idol còn thống kê chứ", Hồng Hạnh cũng gặp tình huống tương tự Thu Nguyệt.

"Sau khi mình bức xúc về vụ trừ kim cương thì chủ ứng dụng lấy lại tài khoản idol và không trả lương tháng 9. Công sức bỏ ra 7 tháng trước coi như mất hết sạch. Cũng chẳng biết kiện đâu, chỉ biết nói trên mạng xã hội", Chy Huỳnh chia sẻ về việc cô lên tiếng cho những bất công của mình, thay vì giải quyết thỏa đáng, các ứng dụng này lại khóa tài khoản của cô. 

Bị gán mác "show hàng" online

Nghĩ tới nghề livestream, một số người sẽ nghĩ đến hình ảnh những cô gái trong trang phục hở hang, nhảy múa, uốn éo trước ống kính cho nhiều người. Trong lúc xem một số người sẽ buông những bình luận khiếm nhã, dung tục.

Thực tế những "idol trá hình" này chỉ tồn tại ở một thời gian rất ngắn tuy nhiên mang lại ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của nghề livestream. "Một số idol bị sức ép doanh số, một số lại muốn nổi tiếng nên đã livestream với nội dung phản cảm, điều này làm người khác nhìn vào nghề này càng ngày càng tồi tệ hơn", Mỹ Duyên nói.

Dang sau nhung "bong hong" livestream tai VN anh 4
Trước đây idol phải có máy tính mới có thể làm công việc này. Ngày nay, chỉ cần một chiếc smartphone, bất kỳ ai cũng có thể trở thành idol.

"Khó khăn trong nghề mình không ngại, nhưng buồn nhất là việc bị gia đình và xã hội gắn cho cái mác 'show hàng online'. Số đông lại nhìn vào một vài cá nhân rồi khinh thường công việc này dù nó chẳng có gì xấu cả", Thanh Vân trải lòng khi nói về khó khăn lớn nhất của cô với nghề.

Bên cạnh một số "idol trá hình", lỗi cũng đến từ nhà cung cấp ứng dụng. Ban đầu ai cũng có chính sách nghiêm cấm nội dung đồi trụy, "mát mẻ". Thế nhưng thực tế, các ứng dụng gần như bất lực, không thể kiểm soát xuể những nội dung này. "Người xem thì lấy vài trường hợp khoe thân để đánh đồng tất cả idol, từ đó có lời lẽ khiếm nhã, dung tục khi xem livestream khiến idol rất khó chịu", Mỹ Duyên chia sẻ về văn hóa của một bộ phận người xem.

CEO Umbala: 'Tôi có niềm tin bất diệt với tiền điện tử'

Vừa gọi được 6 tỷ đồng tiền vốn từ chương trình Shark Tank, Minh Thảo, CEO Umbala tỏ ra hào hứng với công nghệ blockchain và dự định phát hành tiền số cho ứng dụng của mình.




Xuân Tiến

Bạn có thể quan tâm