Gặp Thảo tại một quán cà phê ở Sài Gòn, từ Thảo toát lên chất "điên", sự táo bạo và năng lượng mạnh mẽ, yếu tố cần và phải có của người khởi nghiệp.
Anh tên thật là Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập ứng dụng Umbala. Thảo được nhiều người trong giới start-up Việt Nam biết đến, đặc biệt là sau gameshow truyền hình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) số ngày 6/1.
Thành công từ mạng xã hội
Thảo sinh năm 1982 là chàng trai gốc Đông Hà, Quảng Trị. Anh khởi nghiệp từ năm 2002, sở hữu nhiều công ty với tiềm năng phát triển lớn.
Facebook ra mắt năm 2004 thì 2005 Thảo đã start-up bằng mạng xã hội riêng. "Thời đó MySpace đang nổi tiếng, Facebook chưa được nhiều người biết đến. Nhóm của tôi trở thành nhóm đầu tiên làm mạng xã hội tại Việt Nam", Thảo kể về việc khởi nghiệp giai đoạn mới chớm của mạng xã hội.
"Làm gì mình cũng dốc toàn tâm toàn sức, không thể đang làm Umbala rồi nói mình tâm huyết với nó nhất được"
Nguyễn Minh Thảo, CEO Umbala.
Tiếp đến Thảo phát triển ứng dụng Tim Shot theo hướng mạng xã hội hình ảnh vào năm 2011. Điểm đặc biệt là Tim Shot ra đời sau Instagram chỉ 4 tháng và nằm trong top 20 doanh nghiệp sáng tạo khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Intel tổ chức.
Công ty anh được nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư và liên tục phát triển những sản phẩm khác trong đó có Tim Box vào năm 2012, sản phẩm đầu tiên do một công ty Việt Nam tham dự TechCrunch Disrupt SF 2012. Khoảng năm 2013, anh lập ra uBox đạt 500.000 người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt.
CEO Umbala xuất hiện với áo thun, quần jeans trẻ trung đúng với tinh thần khởi nghiệp. |
Umbala trước đây là ứng dụng nhắn tin video dài tối đa 12 giây, tồn tại trong 12 giờ và sẽ tự mất đi khi người nhận trả lời tin nhắn. Ứng dụng này từng được Apple bình chọn là một trong những ứng dụng mới tốt nhất tại thị trường Đức, Thụy Sĩ và Úc mà không tốn một đồng marketing nào.
Nhưng sau đó, Thảo đã chuyển hướng hoạt động, biến Umbala trở thành ứng dụng giúp người dùng quay clip hát karaoke ngắn, diễn hát nhép vui, trình diễn khả năng hài hước, hoặc biểu diễn tài năng nhảy của mình... Người dùng có thể sử dụng nhiều hiệu ứng hình ảnh khác nhau.
Năm 2015, Thảo đem Umbala đi thi và giành chiến thắng tại cuộc thi Khởi nghiệp Việt Nam của tạp chí Forbes. Ngoài ra trong quá trình khởi nghiệp, anh còn nhận được các giải thưởng lớn khác như top 10 SingTel Accelerator Challenge 2014, top 20 Intel DST Asia Pacific Challenge 2011, top 2 Samsung Challenge 2011, top 3 giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2010.
Vụt mất nhiều cơ hội
Chính những thành công sớm đó đã khiến anh đưa ra những quyết định không chín chắn. "Có thời điểm tôi kiếm triệu đô mỗi tháng với 100 nhân sự dưới quyền. Vì vậy tôi đã từ chối nhận lời đề nghị của hai nhà đầu tư lớn ở thung lũng Silicon và đến bây giờ tôi vẫn thấy mình cực kỳ ngu xuẩn. Có thể dự án đó sẽ thất bại nhưng bỏ qua thời kỳ sơ khai của ứng dụng điện thoại chỉ vì những con số khiến tôi không thể đi xa hơn", CEO Umbala trải lòng về việc nhìn thẳng vào con số mà bỏ qua cơ hội phát triển tại Mỹ.
"Tôi luôn muốn làm cái gì đó ảnh hưởng thế giới chứ không gò bó vì vậy tôi đã hủy bỏ uBox và các ứng dụng trước vì không đạt được kỳ vọng mong muốn", Thảo chia sẻ lý do cùng xuất phát rất sớm với các nền tảng khác nhưng chưa thật sự thành công.
Xuất phát cùng thời với Facebook, Instagram nhưng Thảo vẫn chưa đạt được thành công vang dội vì tính cầu toàn của mình. |
Ngoài ra theo Thảo yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của anh vẫn chưa thật sự đến cùng một lúc.
"Thiên thời của tôi trước đây là khởi nghiệp trong thời đại bùng nổ ứng dụng điện thoại. Tuy nhiên địa lợi lại không được như ý muốn vì tôi xuất phát từ Việt Nam mang sản phẩm của mình ra thế giới. Tôi luôn muốn làm một ứng dụng thay đổi thế giới. Muốn làm điều đó một là tôi ở Mỹ hai là Trung Quốc, nơi thị trường và các tài nguyên công nghệ rất phát triển. Bản chất Việt Nam là luôn theo sau những thị trường khác và tâm lý khó chấp nhận những sản phẩm trong nước", Minh Thảo nói về yếu tố khiến những dự án trước đây của anh không vươn tầm thế giới được.
"Đó cũng là lý do tôi luôn hối tiếc về lời đề nghị của hai nhà đầu tư tại Mỹ trước đây. Đó là cơ hội giúp tôi hiểu và phát triển khách hàng toàn thế giới", Thảo ngậm ngùi.
'Tôi có niềm tin bất diệt vào tiền số'
"Trong lĩnh vực tiền số tôi có thiên thời, địa lợi nhân hòa. Đây là thời kỳ hỗn độn, thời kỳ đầu của tiền số, ICO (đầu tư vốn bằng tiền ảo qua hình thức đấu giá) và Blockchain. Có rất nhiều người làm giả để lừa đảo và những người làm thật họ sẽ thành công". Minh Thảo nhìn thấy được tương lai của việc kết hợp ICO vào hình thức huy động vốn cho start-up.
Theo Minh Thảo, địa lợi của anh lần này lại đến từ việc kêu gọi vốn tại Việt Nam. "Người dân đang thiếu trầm trọng các kênh đầu tư và cũng rất 'máu me' trong việc đầu tư kiếm lời. Chính nguồn tiền nhàn rỗi này tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ cho các hình thức huy động vốn.
Theo nhiều thống kê về lượt truy cập, người dân Việt Nam đang thuộc top đầu về quan tâm và đầu tư tiền số. Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức thành lập những 'công ty ma' huy động vốn theo hình thức đa cấp, lừa đảo người dân với lợi nhuận cực khủng", Minh Thảo cho biết.
Sau khi gọi thành công 6 tỷ từ Shark Tank, Umbala tiếp tục phát hành tiền ảo để kêu gọi vốn. |
Theo Minh Thảo, người đầu tư tại Việt Nam chỉ quan tâm vào lợi nhuận, không tập trung vào yếu tố cốt lõi của một doanh nghiệp là sản phẩm. "Dự án kinh doanh của tôi chỉ có thể đem lại lợi nhuận gấp 3-5 lần thôi. Nếu thành công khi lên sàn quốc tế mới có thể tăng nhiều hơn. Không thể ở giai đoạn kêu gọi vốn tăng gấp trăm lần như những hình thức đa cấp được", anh Thảo nói về lợi nhuận không tưởng của những hình thức huy động vốn đa cấp.
"Tôi có niềm tin bất diệt về việc ICO và blockchain sẽ thay đổi thế giới, trước khi tham gia tôi thề là tôi chỉ nghĩ nó lừa đảo, bởi vì nó quá ảo. Nó làm thế giới này điên loạn"
Nguyễn Minh Thảo, CEO công ty Umbala.
Với nền tảng công nghệ, kinh nghiệm 7 năm trong lĩnh vực di động và chiến lược kinh doanh cụ thể, nhưng anh Thảo vẫn cho rằng "đầu tư ICO cho dự án của mình hay bất kỳ dự án nào khác đều chứa đựng nhiều rủi ro và cần lòng tin từ các nhà đầu tư".
Về yếu tố nhân hòa, Minh Thảo cho rằng các nước châu Á trong đó có Việt Nam đang dần hình thành được thói quen trả tiền để giải trí qua hình thức livestream.
"Có nhiều tài năng trên nền tảng Umbala có thu nhập từ người xem 1-2 triệu cho mỗi 30 phút livestream, mỗi tháng kiếm được vài chục triệu là chuyện khá bình thường", Thảo nói về thu nhập của những bạn hợp tác với Umbala.
Sau khi tham gia gọi vốn từ chương trình truyền hình Shark Tank, lượt tải về ứng dụng Umbala tăng 3 lần. "Đây là dấu hiệu tốt vì một số người dùng cũ đã quay lại. Tuy nhiên, tôi nhận ra mình bị giới hạn về nền tảng và nhân lực.
Thông qua chương trình này tôi muốn tìm những bạn trẻ có tin thần khởi nghiệp giống mình và quảng bá cho Umbala trong giai đoạn kêu gọi vốn ICO sắp tới", CEO Umbala nói về mục đích tham gia Shark Tank của mình.