Ánh Viên là người được đầu tư nhiều nhất trong lịch sử thể thao thành tích cao Việt Nam với chế độ tập huấn tại Mỹ ròng rã suốt hơn 7 năm qua với kỳ vọng sẽ góp mặt và làm rạng danh Việt Nam ở đấu trường châu lục và thế giới.
Cùng SEA Games, hai mục tiêu quan trọng được định hướng cho "Tiểu tiên cá" này là Asian Games và Olympic. Tuy nhiên, những mục tiêu tầm cỡ hơn đang dần xa vời kình ngư giàu thành tích bậc nhất Việt Nam.
Ánh Viên đang đi xuống về thành tích từ sau Olympic 2018. Ảnh: Minh Chiến. |
Đầu tư chưa đi liền hiệu quả
Giai đoạn đầu, kinh phí dành cho việc tập huấn của nữ kình ngư này trung bình 4-5 tỷ đồng mỗi năm. Con số nói trên còn cao hơn trong những năm tiếp theo. Riêng năm 2018, Ánh Viên được đầu tư 350.000 USD.
Đến năm 2019, bộ môn bơi lội được cấp 250.000 USD thì Ánh Viên dự kiến được "cắt" riêng 170.000 USD. Số tiền này chưa bao gồm khoản đóng góp của đoàn Quân Đội. Theo thỏa thuận, ngành thể thao và đội bơi Quân Đội cùng chung tay đầu tư cho kình ngư giàu thành tích nhất Việt Nam.
Để so sánh, Huy Hoàng phải san sẻ dùng chung số tiền khoảng 100.000 USD với những VĐV còn lại. Anh trở thành VĐV duy nhất đạt chuẩn A Olympic tại giải bơi vô địch thế giới mới kết thúc hôm 28/7. Điều đó cho thấy việc đầu tư lớn chưa chắc đã đi kèm hiệu quả. Thậm chí có thể nói là lãng phí.
Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo ngành thể thao và Vụ thể thao thành tích cao chia sẻ khó khăn bởi kinh phí có hạn. Vụ trưởng Nguyễn Trọng Hổ cho biết HLV Đặng Anh Tuấn có trách nhiệm báo cáo kết quả định kỳ về nước và dựa vào những tài liệu được công khai, có thể thấy Ánh Viên vẫn đạt kết quả khả quan.
Vậy nhưng, từ sau Olympic 2016 với kỷ lục cá nhân nội dung 400 m hỗn hợp nữ, Ánh Viên đang sa sút liên tục. Tới giải bơi vô địch thế giới 2019, thành tích của cô tụt lùi 5-6 giây so với kết quả lúc tập luyện.
Thành tích của Ánh Viên ở một số giải đấu quan trọng. Đồ họa: Minh Phúc. |
Băn khoăn về mô hình một thầy một trò
Ánh Viên cùng HLV Đặng Anh Tuấn lên đường sang Mỹ hồi 2012. Từ đó tới nay, thời gian chủ yếu của hai thầy trò là "đóng cửa, rèn quân" trên đất bạn. Nhiều năm liền, Ánh Viên phải ăn Tết xa nhà.
Vấn đề thầy trò Ánh Viên không phải tới sau giải vô địch thế giới 2019 mà đã được đưa ra bàn thảo, chất vấn nhiều lần bởi những nguy cơ của việc này không phải là không có.
Ngay việc kiểm tra thành tích trong chu trình huấn luyện, lãnh đạo ngành thể thao cũng chỉ biết dựa vào những báo cáo từ Mỹ về mà không có cách nào giám sát tốt hơn.
Sau khi thất bại tại Asian Games, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tại Á vận hội Trần Đức Phấn chia sẻ: "Chúng ta sẽ phải điều chỉnh, nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề một thầy một trò. Quá trình huấn luyện của các VĐV kéo dài, thậm chí có thể lên tới 10 năm sẽ khiến giữa VĐV và HLV nảy sinh những vấn đề tâm lý".
Ngoài HLV Đặng Anh Tuấn, "Tiểu tiên cá" còn được tập luyện cùng một chuyên gia người Mỹ. Nhưng kết quả tại Hàn Quốc lại là nỗi thất vọng. Lúc này, nhiều người mới giật mình bởi "chuyên gia chất lượng" người Mỹ là ai, trình độ đến đâu thì chưa rõ, nhưng thành tích của Ánh Viên ngày càng đi xuống.
"Qua thành tích vừa rồi, có thể thấy vấn đề của Ánh Viên không chỉ ở chuyên môn, mà còn liên quan đến kinh nghiệm và tâm lý. Chúng tôi sẽ cân nhắc thật kỹ để làm sao có được phương án tốt nhất cho các VĐV trọng điểm này. Thậm chí, có thể tiến tới điều chỉnh kể cả chuyên gia, HLV và cả quốc gia tập huấn", ông Phấn cho biết thêm.
Sẽ thay HLV Đặng Anh Tuấn nếu Ánh Viên còn sa sút
Trả lời Zing.vn, Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ cho biết có nhiều vấn đề lãnh đạo ngành không thể kiểm soát trong quá trình HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên tập huấn tại Mỹ.
"Họ tập huấn ở xa, mọi thứ khó kiểm soát. Chúng tôi không thể biết chi tiết mà dựa hoàn toàn vào báo cáo định kỳ được HLV Đặng Anh Tuấn gửi về. Lãnh đạo cũng đang xem xét lại vấn đề này", ông Hổ chia sẻ.
Ông Hổ cũng chia sẻ những khó khăn với trường hợp của Ánh Viên. Lãnh đạo ngành không phải làm lơ mà việc thi đấu không đạt chỉ tiêu trong thời gian vừa qua còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
"Có thể điểm rơi chưa chuẩn khiến VĐV không có kết quả tốt nhất. Thể lực VĐV đảm bảo nhưng quá trình thi đấu, họ gặp vấn đề tâm lý cũng khiến thành tích bị ảnh hưởng. Về mặt chuyên môn, phải ba hoặc bốn giải mới khẳng định được", ông nói.
Thực tế, trước thềm Asian Games 2018, Ánh Viên từng đạt thành tích 3 phút 38 giây 66 tại giải bơi Columbus (Mỹ). Đáng nói, HLV Đặng Anh Tuấn tiết lộ thành tích trên nằm trong chu trình huấn luyện, tức nữ kình ngư này chưa đạt điểm rơi tốt nhất.
Tuy nhiên, tới kỳ thi quan trọng nhất của năm 2018, Ánh Viên lại sa sút về thành tích ở nội dung sở trường với 4 phút 42 giây 81. Trước đó, cô tự tin sẽ giành HCĐ.
Ông Hổ cũng tiết lộ thông tin quan trọng: "Năm nay, Ánh Viên còn mục tiêu trọng điểm là SEA Games 30. Nếu không đạt, chắc chắn chúng tôi phải thay HLV. Tôi đã nói chuyện với anh Tuấn về vấn đề này".