Thành tích của nữ kình ngư được coi là "tài năng 50 năm mới xuất hiện" có dấu hiệu tụt lùi theo thời gian, dù ngành thể thao không tiếc tiền bạc đầu tư tập huấn dài hạn tại Mỹ.
Hai nội dung sở trường 200 m hỗn hợp và 400 m hỗn hợp tại Asian Games 2018 cũng như giải bơi vô địch thế giới 2019 của Ánh Viên đều không đạt kỳ vọng. Nữ kình ngư còn tụt lùi đáng kể về thành tích ở đường bơi 400 m hỗn hợp.
Năm 2017, Ánh Viên xếp hạng 10 tại giải vô địch thế giới với thành tích 4 phút 40 giây 39, Asian Games 2018 cô đạt 4 phút 42 giây 81. Đến giải vô địch thế giới 2019, kình ngư này cần tới 4 phút 46 giây 89.
Thành tích của Ánh Viên đi xuống ở nội dung sở trường 400 m hỗn hợp. |
Không có biện pháp giám sát quá trình tập huấn tại Mỹ
Zing.vn có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Thể thao thành tích cao 2 Nguyễn Trọng Hổ về quá trình đầu tư và thành tích của nữ kình ngư số một Việt Nam hiện nay. Ông Hổ nói kết quả thi đấu của VĐV thành tích cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề điểm rơi.
Vụ trưởng Hổ bày tỏ: "Chỉ số của Ánh Viên không đạt yêu cầu theo kế hoạch từ đầu năm, nhưng vẫn phải tính tới việc điểm rơi có thể chưa chuẩn. Chỉ dựa vào một giải đấu, rất khó để đánh giá vấn đề. Dù vậy, thành tích của Ánh Viên như thế là không đạt khi thời gian tụt 4-5 giây so với bình thường".
So với thành tích tại Olympic 2016, Ánh Viên đã thụt lùi hơn 11 giây. Đồ họa: Minh Phúc. |
Trước câu hỏi liệu quá trình tập huấn tại Mỹ của Ánh Viên có vấn đề, ông Hổ thừa nhận lãnh đạo khó kiểm soát và dựa hoàn toàn vào báo cáo từ HLV Đặng Anh Tuấn - người trực tiếp huấn luyện và theo sát Ánh Viên từ lâu.
"Ánh Viên tập huấn ở xa, mọi thứ khó kiểm soát. Chúng tôi không thể biết chi tiết mà dựa hoàn toàn vào báo cáo định kỳ được HLV Đặng Anh Tuấn gửi về. Lãnh đạo cũng đang xem xét lại vấn đề này", ông Hổ chia sẻ.
"Năm nay, Ánh Viên còn mục tiêu trọng điểm là SEA Games 30. Nếu không đạt, chắc chắn chúng tôi phải thay HLV. Tôi đã nói chuyện với anh Tuấn về vấn đề này", Vụ trưởng Hổ nói thêm.
Để làm rõ hơn, ông Hổ lấy ví dụ trường hợp VĐV cử tạ Thạch Kim Tuấn, người từng giành HCV giải trẻ thế giới, nhưng đang có dấu hiệu chững lại. "5 năm nay, thành tích của Tuấn chỉ loanh quanh ở ngưỡng 270 kg. Lẽ ra, cậu ấy phải cải thiện thành tích theo độ tuổi lớn dần. Với Ánh Viên, Asian Games 2018 không đạt, tới giải vô địch thế giới năm nay cũng vậy thì không được", ông Hổ cho hay.
Liên lạc với Tổng cục trưởng Thể dục Thể thao Vương Bích Thắng, ông cho biết việc kiểm tra hiệu quả dựa hoàn toàn vào báo cáo gửi về từ Mỹ bởi vấn đề kinh phí. "Chúng tôi không thể cử người sang tận nơi kiểm tra vì không có tiền. Lãnh đạo ngành theo dõi hiệu quả bằng thành tích của các giải đấu hoặc kết quả kiểm tra theo kế hoạch. HLV dựa vào đó để báo cáo về nước. HLV Đặng Anh Tuấn cũng có báo cáo thường xuyên theo định kỳ", ông Thắng cho hay.
Thành tích của Ánh Viên tụt dốc trong những giải đấu gần đây. Ảnh: Minh Chiến. |
Thành tích kém đi vì phải thi đấu quá nhiều
Đi sâu hơn về vấn đề chuyên môn, ông Hổ cho rằng vấn đề nằm ở việc nữ kình ngư này phải thi đấu dàn trải ở quá nhiều nội dung. Định hướng của cô khác hẳn với những VĐV trọng điểm của các nước khác.
Tại SEA Games 2015, Schooling giành tới 9 HCV, còn Ánh Viên vô địch ở 8 nội dung. 2 năm sau, VĐV bơi của Singapore còn 4 HCV, trong khi kình ngư của Việt Nam vẫn giữ thành tích 8 HCV cá nhân trong 14 nội dung đăng ký dự thi.
Đó là vấn đề khiến kỷ lục gia của bơi lội Việt Nam tụt dốc về thành tích. "Ánh Viên bơi nhiều nội dung quá. Sau giai đoạn chuyên môn hóa ban đầu, lẽ ra cần chuyên môn hóa sâu, bơi 1-2 nội dung thôi. Schooling bơi rất giỏi, nhưng tới giai đoạn này chỉ tập trung vào nội dung sở trường. Ánh Viên bơi nhiều như vậy thì làm sao được", ông Hổ nói.
Vụ trưởng cũng phân trần lý do "Tiểu tiên cá" phải căng mình thi đấu bởi áp lực thành tích tại đấu trường khu vực: "Mục tiêu của Ánh Viên phải giành 8-10 HCV SEA Games, thì đương nhiên không thể chuyên sâu được. Đó là vấn đề định hướng. Dư luận cũng khó chấp nhận việc Ánh Viên giành ít huy chương. Ánh Viên thi đấu nhiều nội dung dẫn tới kỹ thuật bị hổng".
Ông Hổ cũng lấy ví dụ so sánh, VĐV điền kinh không thể vừa giỏi chạy dài và chạy ngắn cùng lúc. "Nếu tôi đặt chỉ tiêu, Ánh Viên chỉ nên thi 1-2, cùng lắm là 3 nội dung tại SEA Games, để tập trung cho ASIAD và Olympic", ông Hổ bày tỏ.
Khó sửa lỗi cho Ánh Viên
Kình ngư số một Việt Nam đã bước sang tuổi 23, độ chín của VĐV nữ. Lẽ ra, cô phải gặt hái thành tích cao trong quãng thời gian này. Tuy nhiên, như ông Hổ phân tích, Ánh Viên bị hổng về kỹ thuật bơi chuyên sâu, khiến thành tích không được như kỳ vọng.
Đặt câu hỏi liệu Ánh Viên còn cơ hội sửa, nắn lại không, ông Hổ chia sẻ: "Lỗi của Ánh Viên bây giờ không sửa được nữa. Hồi bé, Viên bơi nhiều kỹ thuật quá, không chuyên sâu nội dung nào. Hiện Ánh Viên khó cạnh tranh tại ASIAD. Ye Shiwen, HCV Olympic, kỷ lục gia thế giới 400 m hỗn hợp trở lại rồi, ngoài ra có 2 VĐV Hàn Quốc, 2 VĐV Nhật Bản nữa. Cô ấy không có cửa giành HCV hay HCB ASIAD".
Ánh Viên có thể đã tới ngưỡng do không được đầu tư chuyên sâu. Ảnh: Minh Chiến. |
"Những lỗ hổng về kỹ thuật đó, nếu sửa từ giai đoạn trẻ thì được. Khi 15-16 tuổi, VĐV cần tập trung vào nội dung sở trường để cải thiện. Nếu thế, dù không thể giành vàng, thì thành tích của Ánh Viên cũng xấp xỉ Shiwen, như thế Viên cũng là người hùng rồi. Lọt vào chung kết giải thế giới là vinh dự mà 8 HCV SEA Games không thể sánh bằng. Giờ thì muộn rồi, Ánh Viên lớn tuổi, không sửa được nữa", ông Hổ bày tỏ.
Trở lại với bài toán định hướng, ông Hổ cho rằng với thực tế hiện tại, Ánh Viên sẽ được đầu tư cho mục tiêu SEA Games: "Hiện giờ mục tiêu ASIAD không thể thực hiện nữa, thì phải tính phương án SEA Games. Ánh Viên tiếp tục phải thi đấu nhiều nội dung chứ không có lựa chọn nào khác".
Theo chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, việc tập trung cho Đại hội Thể thao Đông Nam Á vào cuối năm cũng là mục tiêu trọng điểm của Ánh Viên. Qua trao đổi, ông Thắng cho biết: "Năm nay, Ánh Viên tập trung chủ yếu vào SEA Games 30. Đó là nhiệm vụ trọng tâm của Ánh Viên. Mục tiêu là duy trì thành tích như các kỳ đại hội trước".