Tại cuộc họp báo công bố chính sách chuyển mạng giữ nguyên số áp dụng từ 16/11, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết khi xây dựng chính sách này Bộ cũng đã tính đến yếu tố tác động đến thị trường.
Theo kinh nghiệm quốc tế, khi chính sách này được áp dụng tại mỗi quốc gia cũng có đặc thù khác nhau. Tuy nhiên, thông thường trong những ngày đầu chuyển mạng sẽ có dao động rất lớn, sau sẽ bình ổn lại. Tỷ lệ thuê bao chuyển mạng trên thế giới khoảng dưới 5%, nhưng ở Việt Nam sẽ cần thời gian để đánh giá chính sách này.
Cục Viễn thông cho biết hiện dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai trong bối cảnh các doanh nghiệp di động đang cung cấp dịch vụ cho trên 120 triệu thuê bao nên phải thực hiện từng bước chắc chắn để không có tác động tiêu cực đến hoạt động của toàn bộ mạng viễn thông.
Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động đã thống nhất sẽ triển khai dịch vụ đối với các thuê bao trả sau (khoảng 5%) để đánh giá tác động của dịch vụ đối với thị trường, kịp thời có các biện pháp để loại bỏ tác động tiêu cực nếu có trước khi triển khai trên diện rộng.
Dịch vụ chuyển mạng giữ số được triển khai thận trọng. |
Đến nay, sau khi đã hoàn thành quá trình thử nghiệm dịch vụ với tải thật, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông và các doanh nghiệp di động, cố định,… sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho thuê bao di động với kế hoạch cung cấp dịch vụ trên phạm vi cung cấp dịch vụ toàn quốc.
Các mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone cung cấp dịch vụ cho thuê bao trả sau từ 16/11. Từ 1/1/2019, các doanh nghiệp Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước và trả sau.
Bộ TT&TT tin tưởng dịch vụ chuyển mạng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho các thuê bao di động, doanh nghiệp viễn thông và sự phát triển của thị trường dịch vụ di động.
Phát biểu tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VinaPhone, cho biết khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ có tác động đối với nhà mạng. Có tỷ lệ trên thế giới từ 2-5%, nhưng ở Việt Nam con số này là bao nhiêu chưa ai dự báo được.
Ông Nguyễn Trường Giang khẳng định VinaPhone ủng hộ việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số và quan điểm của VinaPhone là phục vụ khách hàng và lấy chất lượng và giá trị với khách hàng lên hàng đầu. Nếu khách hàng không hài lòng với các nhà mạng, họ sẽ chuyển sang nhà mạng khác. VinaPhone cam kết sẽ hỗ trợ tốt nhất với tất cả khách hàng. Ông Giang khẳng định đây là cơ hội để các nhà mạng hoàn thiện tốt hơn chất lượng và tinh thần đối với dịch vụ của mình.
Tương tự như VinaPhone, ông Nguyễn Sơn Nam, Phó tổng giám đốc MobiFone, khẳng định chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ tốt cho các nhà mạng. Các đơn vị phải tự nâng cao chất lượng, đầu tư hạ tầng, chăm sóc khác hàng, để khách hàng hài lòng hơn. MobiFone sẽ nâng cao chất lượng không sử dụng các chính sách khuyến mãi để thu hút khách hàng chuyển sang. Ông Nam khẳng định MobiFone sẽ cạnh tranh bằng việc chăm sóc dịch vụ.
Cục Viễn thông cũng khẳng định, dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với thuê bao di động sẽ đem lại khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt của người sử dụng.
Đối với doanh nghiệp viễn thông, đây là động lực cho doanh nghiệp di động tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng nhất là các khách hàng lâu năm đã gắn bó với mình. Đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.