Nguyễn Viết Lãm, Trương Sỏi, Đệ nhị mãi võ v.v… là những cái tên để gọi một người, Hoàng Lạng, trong cuốn tiểu thuyết Người không mang họ của nhà văn Nguyễn Xuân Đức. Ngay khi ra đời (1983), cuốn tiểu thuyết đã tạo một tiếng vang lớn trong làng văn lúc bấy giờ. Năm 1990, tác phẩm được chuyển thể thành phim, do diễn viên Lý Hùng thủ vai Hoàng Lạng tạo được tiếng vang không kém.
Trương Sỏi, nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết, được viết dựa trên một nhân vật có thật mang tên Trương Hiền (Toọng), một trùm cướp khét tiếng những năm 70 của thế kỷ trước với nhiều vụ gây chấn động. Mãi cho đến năm 1980, băng cướp này mới chính thức bị xóa sổ.
Hoàng Lạng sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Linh, mảnh đất giáp giới tuyến, nơi hai bên bờ bị chia cắt. Đây là một nơi có tình hình vô cùng phức tạp bởi dung chứa những bước chân tìm đến bởi "nỗi đau, nỗi nhớ, nỗi day dứt và cả khát vọng".
Tác phẩm được nhà văn Xuân Đức xây dựng trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, khi miền Bắc cải cách ruộng đất. Những biến cố lịch sử đưa đẩy thân phận nhân vật Hoàng Lạng đến với những ngã rẽ không thể ngờ.
Xuất thân mơ hồ của tên cướp khét tiếng
Hoàng Lạng (Trương Sỏi) vốn có một lai lịch không rõ ràng. Tiếng là sinh ra trong nhà địa chủ Hoàng Ất nhưng bản chất lại là dòng máu họ Ngô Sĩ, gốc bần cố nông, do bà Hoàng Ất đã đem lòng yêu Ngô Sĩ Học. Vì tính sĩ diện cao của Hoàng Ất, không muốn bị chê cười nên Hoàng Lạng được nuôi dưỡng. Thế nhưng, sự ghẻ lạnh thì không thể tránh khỏi.
Tiểu thuyết Người không mang họ mới tái bản. |
Tự ti về phận mình cùng biến cố xã hội khiến Hoàng Lạng phải mang thêm một nỗi ấm ức mới là “thành phần địa chủ”. Hoàng Lạng sống trong sự ghẻ lạnh, khinh bỉ của xóm làng. Đặc biệt hơn, những lý tưởng của Hoàng Lạng như đi học, đi bộ đội, đi làm công nhân đi vào bế tắc khi cái án địa chủ cứ treo lơ lửng trên đầu.
Chính điều ấy khiến Hoàng Lạng phải bỏ xứ mà đi. Anh ta đã chọn cách giải thoát bản thân bằng cách vượt sang bên kia giới tuyến, theo lối “tam giác chết”. Dòng sông Bến Hải khi ấy vừa là giới tuyến vừa là nơi chuyên chở những hy vọng của con người.
Dù đi đến đâu, dù ở vị trí nào, Hoàng Lạng đều được những người xung quanh đánh giá là một kẻ trọng tình trọng nghĩa, thông minh, nhanh trí và sáng tạo. Bởi thế ở đâu thì Hoàng Lạng cũng chiếm được cảm tình của đối phương, và ở đâu, cũng được trọng vọng.
Kỳ vọng rồi hoang mang và thất vọng, đã đưa đẩy cuộc đời Hoàng Lạng đến với những ngã rẽ chẳng mấy theo ý Lạng.
Hành trình tìm bản ngã của tướng cướp không mang họ
Hành trình hoạt động trong giới giang hồ của Hoàng Lạng có thể chia thành hai giai đoạn, một là giai đoạn đầu, hoạt động độc lập, với những lối hành xử quân tử khiến các bang phái giang hồ phải nể sợ. Mặc dù được chèo kéo rất nhiều nhưng Hoàng Lạng vẫn hành tẩu một mình, lấy của người giàu chia cho người nghèo.
Bị công an tạm giam vì bị những băng đảng khác chơi xấu, thay vì bình tĩnh, chờ thời gian minh oan thì nỗi sợ đã làm Lạng ngợp. Lạng quyết định bỏ trốn hơn là chịu đựng những ánh mắt khinh miệt hay thương hại. Điều này có thể lý giải bởi nỗi sợ hãi khinh bỉ của những người xung quanh đã trở thành ám thị trong Lạng mà chỉ cần động đến thì hắn không dám đối diện.
Nhân vật Trương Sỏi trong phim Người không mang họ do diễn viên Lý Hùng thủ vai. |
Giai đoạn thứ hai là từ sau khi vụ bê bối mối tình của Hoàng Lạng và Kiều Loan, một người vợ trẻ của Sơn Nam mãi võ, sư phụ của Hoàng Lạng phải lòng nhau. Biết rằng điều ấy là không phải đạo, nhưng trước tình yêu, trước tấm chân tình, Lạng giống như con nhím bị mất hết những chiếc gai sắc nhọn của mình. Bị phát giác bởi những tên vốn không ưa Lạng vì mới nhập hội mà được trọng vọng hơn lại được phong cho hiệu “Đệ nhị mãi võ” khiến họ bày mưu theo dõi nhằm triệt hạ cho bằng được.
Từ một tay giang hồ hoạt động độc lập, chuyên lấy của người giàu đi chia cho người nghèo, Hoàng Lạng (Trương Sỏi) trở thành một tay giang hồ khét tiếng. Giống nhân vật Trương Hiền ngoài đời, Hoàng Lạng (Trương Sỏi) cũng nổi tiếng với những huyền thoại ly kỳ.
Ngoài bản tính thông minh, nhanh nhẹn, quân tử, thương những con người cùng khổ, Lạng còn có võ nghệ cao cường, xuất quỷ nhập thần, có thể bắn súng bằng hai tay, bách phát, bách trúng. Chính những điều ấy đã khiến độc giả không khỏi thương xót cho một phận đời.
Như có một phép lạ, không có gông cùm nào có thể khống chế được Lạng khi mà hắn không thích. Hoàng Lạng (hay Nguyễn Viết Lãm hay Trương Sỏi), con người chưa chịu thua trên bất kỳ mặt trận nào, cuộc chiến nào, đến cuối cùng, nơi anh chấp nhận mình thua đó là tình yêu dành cho Khánh Hòa.
Khánh Hòa là cô gái đem lại cho Lạng cảm giác ấm áp, yên tâm và cả sự lo lắng suốt một thanh xuân đằng đẵng. Chỉ có tình yêu là Hoàng Lạng thất bại, hành trình suốt một đời anh đi tìm rồi cuối cùng vẫn thất bại.
Nhà văn Xuân Đức. |
Cuộc đời của Hoàng Lạng (Trương Sỏi) chính là hành trình đi tìm bản thể, đi tìm chỗ đứng chính danh, được thừa nhận cho một sự tồn tại có nghĩa. Thế nhưng giữa vùng đất giới tuyến của hai bên ấy, Trương Sỏi tuồng như đã thất bại.
Xét đến cùng, nỗi sợ lớn nhất của Hoàng Lạng vẫn chính là sự ghẻ lạnh, sự khinh bỉ của những người xung quanh, Lạng muốn chối bỏ quá khứ nhưng lại không dám đối diện với quá khứ. Cuộc đời của Lạng chính là hành trình đuổi bắt hạnh phúc và tình yêu đích thực.
Tới cuối tác phẩm, thay vì cảm giác hả hê quen thuộc khi cái ác được diệt trừ là sự tiếc nuối cho một thân phận người.
Năm 2007, Người không mang họ của nhà văn Xuân Đức đã được trao giải thưởng nhà nước cùng với hai cuốn tiểu thuyết khác của ông là Cửa gió và Tượng đồng đen một chân.