Theo bộ sử Khâm định Việt sử thông giám cương mục, đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 4 (1723), chúa Trịnh Cương định lệ tổ chức kỳ thi võ đầu tiên, gọi là thi bác cử, năm sau cho tiến hành. Triều đình quy định 3 năm một lần, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thì thi ở các trấn, gọi là "sở cử", 4 năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi hội ở kinh đô gọi là "bác cử".
Khoa thi đầu tiên này, chúa Trịnh Cương rước nhà vua thân đến xét duyệt. Khoa đó lấy đỗ 11 người, đều được công nhận là tạo sĩ xuất thân, với Nguyễn Công Tự, người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa đứng đầu, ngoài ra thì cho đỗ tam trường. Đó là 11 võ tiến sĩ đầu tiên của nước ta.
Theo sử sách, trong số những võ tiến sĩ đầu tiên này, thì về sau các ông Văn Đình Dận (người Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh), Hoàng Nghĩa Bá (người huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc, nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau đều là các danh tướng một thời.
Từ khoa thi đó về sau, cứ 3 năm một lần thi, chúa Trịnh đều tự chuyên quyền xét duyệt, không cần đến sự có mặt của vua Lê nữa
Theo sách Lê sử tục biên thì phép thi "sở cử" như sau: Trước hết hỏi sơ lược về võ kinh, sau đó, trong ba kỳ đệ nhất, đệ nhị và đệ tam, đều thi về võ nghệ. Người nào trúng cách, gọi là viên sinh (như bậc sinh đồ khoa thi Hương); quan viên tử, quan viên tôn (con, cháu các quan) trúng cách, gọi là biền sinh (như người đỗ nho sinh khoa thi Hương).
Sau đó, đến thi về phương pháp mưu lược việc binh. Người nào trúng ngay ở kỳ này, gọi là học sinh (như bậc hương cống trong thi văn); quan viên tử, quan viên tôn trúng được, gọi là biền sinh hợp thức (giống như nho sinh trúng thức khoa thi Hội).
Còn về phép thi "bác cử", thì ở kỳ đệ nhất, sẽ hỏi sơ lược về ý nghĩa bảy bộ sách binh thư. Bộ sử Cương mục chú giải bảy bộ sách gồm Lục thao tam lược của Thái Công, Binh pháp của Hoàng Thạch Công, Tôn Tử, Ngô Tử, Tư Mã và vấn đáp của Uất Liêu Tử, Lý Vệ Công.
Ở kỳ đệ nhị, thi võ nghệ, kỳ đệ tam, hỏi sơ lược một bài văn sách. Người nào trúng tuyển được vào thi ở sân phủ Chúa, kỳ này người nào hợp cách được làm tạo sĩ. Nếu người nào trong hai kỳ đệ nhất, đệ nhị thi võ nghệ được tinh thông thành thạo, mà kỳ đệ tam bài văn sách không được hợp cách, thì chọn lấy người trội nhất gọi là tao toát, được cùng tạo sĩ bổ dụng như nhau.
Kỳ thi đầu tiên này, có 527 thí sinh dự thi trường nhất, vào trường nhì còn 172 thí sinh thi võ nghệ, lấy 62 người trúng cách.
Theo Kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm Bảo Thái thứ 5 (1724) đặt trường thi bác cử ở sở Thịnh Quang (khu vực Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội ngày nay). Sách này cũng cho biết chi tiết kỳ thi, ở kỳ đệ nhất, hỏi mười câu về ý nghĩa trong bảy bộ sách binh thư; kỳ đệ nhị, thi hai tao võ nghệ: trước hết thi cưỡi ngựa múa đầu mâu, sau thi đấu siêu đao, lăn lá chắn và múa gươm giáo, căn cứ vào sự so đọ được hay thua để định người hơn người kém, sau đó lại xét duyệt người nào có khí sắc hùng dũng được thăng lên một bậc, người nào kém phải tụt xuống một bậc.
Hình ảnh quân sĩ thời Lê luyện tập võ nghệ. |
Phép “xét duyệt khí sắc hùng mạnh”, bộ Cương mục giải thích là dùng một cái dùi đồng, ngoài bọc rạ, đánh vào đỉnh đầu thí sinh 3 lần, nếu người nào mắt không chớp, thân không rung động, là người ấy được.
Đến kỳ đệ tam, thi văn sách hỏi cách thao luyện và phương lược về phép bày trận để đánh kẻ địch, giữ thành trì.
Khoa này định thứ tự cho tạo sĩ mới được trao quan chức lần đầu như sau: người đỗ vào hạng ưu được bổ hàm chánh lục phẩm, người đỗ trung hạng và thứ trung được hàm tòng lục phẩm, người thứ thủ được chánh thất phẩm. Về điển lệ ban ân cho tạo sĩ cũng như tiến sĩ (bên văn).
Sách Lữ trung tạp thuyết của Bùi Huy Bích cho biết từ đầu niên hiệu Hồng Đức đời Lê Thánh Tông đã có các cuộc xét duyệt võ nghệ, người trúng cách được bổ sung làm tuấn sĩ. Đến sau khi nhà Mạc cướp ngôi, rồi nhà Lê trung hưng, thường xuyên định thời kỳ xét duyệt ở trong phủ chúa, chọn người có phương pháp mưu lược và người có quân công ở các cơ hiệu, rồi liệu lượng tài năng để bổ dụng.
Tuy nhiên, tác giả Bùi Huy Bích cho biết, kỳ thi võ này sau cũng dần dần đi đến chỗ gian lận xảo trá, người ta nhân bám vào đấy mà làm thành cái "chợ buôn bán thi cử".
Theo sử sách, triều Lê mạt, kể từ khoa thi đầu tiên đó có tất cả 19 khoa thi võ đã diễn ra, trong đó có 13 kỳ dưới triều vua Lê Hiển Tông, tất cả lấy đỗ 199 tạo sĩ.