Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyện lùm xùm giữa hai đại gia họ Cao

Chuyện ông Cao Văn Sơn chỉ đạo đội quân hùng hậu căng băng rôn vào Thanh Hoá đòi nợ ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty BĐS Đông Á (Thanh Hoá) - đến nay vẫn còn gây sốc.

Ai lừa ai?

Người dân Thanh Hoá vẫn không thể nào quên được hình ảnh ngày 26/5, đoàn xe của Công ty CP chứng khoán Kenanga Việt Nam (KVS) căng băng rôn với nội dung đòi nợ ông Cao Tiến Đoan hùng hổ tiến vào Thanh Hoá đúng vào ngày tỉnh này đang tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước. Hôm đó, ông Cao Tiến Đoan được nhận bằng khen. 

Ông Cao Văn Sơn chỉ đạo đội quân đòi nợ đi thẳng vào Trung tâm Hội nghị 25B - nơi diễn ra đại hội - rồi sau đó tiến về tổng hành dinh của Tổng công ty Đông Á ở số 11 đại lộ Lê Lợi, TP Thanh Hoá. băng rôn mang dòng chữ: “Yêu cầu ông Cao Tiến Đoan phải trả cho Công ty KVS 31 tỷ đồng và trả cho ông Cao Văn Sơn 21 tỷ đồng”. Phía đòi nợ còn căng to ảnh ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty bất động sản Đông Á - rồi dán bên cạnh băng rôn.

Toà

Toà "bạch ốc" của ông Cao Tiến Đoan xây dựng trên diện tích 50.000 m2 trị giá 200 tỷ đồng là tài sản đảm bảo cho việc góp vốn.

Việc ông Cao Tiến Đoan nợ Công ty KVS là có thật. Theo đó, ngày 20/12/2011, Công ty KVS và Tổng công ty Đông Á ký Hợp đồng tạm ứng vốn đầu tư số 01/HDTUVDT/KVS-ĐA/2011. Công ty KVS cho Tổng công ty Đông Á vay dưới hình thức đầu tư. Mục đích hợp tác đầu tư nhằm hoàn thiện và đưa vào kinh doanh dự án “Khu resort cầu Hoà Bình, Quảng Châu, Quảng Xương, Thanh Hoá”. 

Tổng số tiền góp vốn là 25 tỷ đồng. Lãi suất hằng tháng Tổng công ty Đông Á phải trả cho KVS là 2%. Tài sản đảm bảo theo hợp đồng trên chính là khu resort trên, đây cũng chính là nơi ở của ông Cao Tiến Đoan.

Việc hợp tác, vay nợ là của hai tổ chức nhưng Hợp đồng uỷ quyền công chứng số 183 ngày 21/12/2011 nhằm đảm bảo tài sản thế chấp nói trên lại được ký bởi các cá nhân. 

Theo đó, bên A là vợ chồng ông Cao Tiến Đoan, bà Nguyễn Thi Điệp uỷ quyền cho bên B là ông Nguyễn Việt Hải, hộ khẩu tại Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội có toàn quyền định đoạt tài sản đảm bảo là khu resort trên nếu bên A là Tổng công ty Đông Á không thực hiện đúng hợp đồng số 01. 

Trong hợp đồng uỷ quyền này, cả bên vay là ông Cao Tiến Đoan và bên cho vay là ông Nguyễn Việt Hải đều không ghi rõ chức vụ đại diện tổ chức, hai bên cùng ký nhưng không đóng dấu Công ty, mặc dù, tại thời điểm, ông Đoan là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Đông Á và ông Hải là Quyền Giám đốc KVS.

Theo ông Cao Tiến Đoan, sau khi ký hợp đồng uỷ quyền, Tổng công ty Đông Á đã trả 10,3 tỷ đồng cho KVS, trong đó gốc là 3 tỷ đồng, lãi là 7,3 tỷ đồng.

Sự hợp tác giữa hai đại gia họ Cao đang thuận chiều thì ngày 30/8/2013, ông Cao Văn Sơn ký Công văn số 170/CV-KVS gửi Tổng công ty Đông Á thông báo từ ngày 1/10/2012, “ông Nguyễn Việt Hải đã tự ý bỏ việc và không làm các thủ tục bàn giao theo quy định”. 

Ông Sơn đề nghị Tổng công ty Đông Á “phối hợp làm thủ tục công chứng chuyển uỷ quyền lại tài sản đảm bảo từ tên Nguyễn Việt Hải cho Công ty KVS”.

Trong công văn gửi Cơ quan CSĐT, Công an TP.Thanh Hoá, ông Cao Tiến Đoan cho hay, ngay sau khi nhận được công văn 170 nói trên, ông Đoan đã 6 lần cử đại diện làm việc với ông Cao Văn Sơn, đề nghị nhanh chóng yêu cầu ông Hải có mặt làm thủ tục huỷ uỷ quyền theo hợp đồng uỷ quyền số 183, sau đó chuyển lại uỷ quyền cho Công ty KVS để làm căn cứ thanh toán. Tuy nhiên, Công ty KVS đã không yêu cầu được ông Nguyễn Việt Hải thực hiện yêu cầu trên. “Chúng tôi năm lần bảy lượt đề nghị ông ấy ra nhưng ông ấy không ra”, ông Sơn nói. 

Ông Cao Văn Sơn cho rằng, tiền ông Đoan vay của KVS thì phải trả cho KVS, ông Hải không còn nghĩa vụ, trách nhiệm gì nữa. Cũng theo ông Sơn, mọi giấy tờ gốc tài sản của ông Đoan ông Sơn đang giữ. 

“Sao ông không đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật buộc ông Hải có mặt huỷ uỷ quyền với ông Đoan để chuyển uỷ quyền cho Công ty KVS nhằm yêu cầu ông Đoan trả nợ?”, PV hỏi. “Có thể chúng tôi sẽ phải làm như vậy”, ông Sơn trả lời PV trong buổi làm việc ngày 24/8.

Theo ông Cao Tiến Đoan, sở dĩ ông buộc phải tạm ngừng việc thực hiện hợp đồng tạm ứng vốn với Công ty KVS bởi lo ngại mất tài sản đảm bảo trị giá 200 tỷ đồng. Vì theo ông Đoan, hợp đồng uỷ quyền là ông ký với ông Hải. Ông Hải có toàn quyền định đoạt. Nay ông Hải không làm việc ở KVS nữa, nếu Tổng công ty Đông Á trả hết nợ cho Công ty KVS nhưng ông Hải vẫn giữ quyền định đoạt tài sản thì nguy cơ ông mất trắng tài sản là hiện hữu.

Vì vậy, ngày 17/5, chính ông Đoan là người đưa ra “yêu cầu KVS xoá uỷ quyền tài sản đảm bảo của BĐS Đông Á do ông Hải đứng tên” vì khoản tiền này là của KVS cho Đông Á vay chứ không phải ông Hải cho vay. “Khi thủ tục này được thực hiện xong, ông Đoan sẽ tiến hành giao dịch thanh toán công nợ cho KVS”.

Vậy nhưng, đến ngày 26/5/2015, Công ty KVS vẫn chưa buộc ông Hải thực hiện thủ tục trên nên ông Đoan chưa chuyển trả hết tiền cho ông Sơn và mới xảy ra sự việc đòi nợ kiểu… xưa nay chưa từng có.

Vậy là, đại gia Cao Tiến Đoan cáo buộc đại gia Cao Văn Sơn cố tình để cho ông Hải ký hợp đồng uỷ quyền dạng cá nhân để lừa ông. Ngược lại, ông Sơn lại tố ông Đoan cố tình bắt tay “đánh võng” với ông Hải nhằm trây ỳ, chiếm đoạt tiền của ông. Rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng làm rõ vị đại gia nào đang cố tình lừa đại gia nào trong việc để ông Hải đứng tên trong hợp đồng uỷ quyền nêu trên.

 Hợp đồng uỷ quyền tài sản đảm bảo lại được ký bởi các cá nhân.

Hợp đồng uỷ quyền tài sản đảm bảo lại được ký bởi các cá nhân.

Làm to chuyện để hạ uy tín

Ông Cao Tiến Đoan vẫn giữ quan điểm, khi nào huỷ uỷ quyền với ông Hải mới trả hết nợ cho Công ty KVS còn ông Cao Văn Sơn thì lại cho rằng ông Đoan, ông Hải đã có âm mưu với nhau từ trước nên phối hợp với nhau và “chính vì các ông ấy đánh võng nhiều quá nên chúng tôi mới phải làm ầm lên. Sở dĩ làm ầm lên vì hồi tháng 5 ông Hải có đơn tố cáo tôi móc ngoặc với ông Đoan chiếm đoạt hai mấy tỷ. Chính vì thế, tôi mới quyết làm ầm lên đòi nợ cho bằng được”.

Trao đổi với PV, ông Cao Văn Sơn cũng cho hay, ông muốn làm ầm lên để lãnh đạo biết ông Đoan là người thế nào, biết việc ông Đoan nợ ông là có thật. Và kịch bản đòi nợ ngày 26/5 đã được ông Sơn tính toán kỹ. Không có va chạm, gây mất trật tự nên công an cũng không thể bắt lỗi. 

“Nếu nói hành vi đòi nợ như thế là nhục mạ thì điều luật nào quy định như vậy?”, ông Sơn đặt vấn đề. Rõ ràng, sự việc trên không chỉ mang mục đích đòi nợ mà còn mang mục đích hạ uy tín ông Đoan với các đối tác và với một số lãnh đạo cấp cao. Thực tế, việc đoàn xe căng băng rôn, căng ảnh ông Đoan vào Thanh Hoá đòi nợ đã gây xôn xao dư luận và một phần nào đó đạt mục đích của ông Sơn.

Theo ông Cao Tiến Đoan, sau sự việc trên, Tổng công ty Đông Á và cá nhân ông Cao Tiến Đoan đã phải gánh chịu hậu quả vô cùng nặng nề. Theo đó, 3 đối tác gửi thư thông báo chấm dứt hợp tác đầu tư; Công ty đã bị khách hàng huỷ một loạt giao dịch, trong đó có 12 hợp đồng chuyển nhượng đất nền bị đòi lại tiền; 16 cán bộ chủ chốt xin nghỉ việc vì hoang mang; ngân hàng ngưng việc cho vay dù Tổng công ty Đông Á không nợ ngân hàng nào đến ngày 15/7/2015; cơ quan thuế phong toả tài khoản yêu cầu cưỡng chế thuế… 

Không chỉ “làm ầm lên” bằng cách đòi nợ kiểu xưa nay chưa từng có, ông Cao Văn Sơn còn gửi thư tay cho một số đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước mà ông Sơn cho là có quan hệ với ông Đoan nhằm “để các anh ấy biết ông Đoan là người thế nào”.

Trong các ngày 5 đến 8/5, ông Cao Văn Sơn liên tục đăng quảng cáo trên Báo Nhân Dân rao bán tài sản thế chấp của ông Cao Tiến Đoan. Theo ông Đoan, đây là hành vi trái pháp luật và cố tình bôi nhọ, hạ uy tín của ông.

Tố qua tố lại và tố cả… công an

Sau “sự kiện ngày 26/5”, ngày 29/5, ông Cao Tiến Đoan viết đơn tố giác gửi các cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng “ông Sơn chỉ đạo bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Phó GĐ Công ty - cùng một nhóm xã hội đen liên tục nhiều ngày treo ảnh, băng rôn, biểu ngữ, phát tờ rơi nhằm vu khống, làm nhục ông Đoan”. 

Liền đó, ngày 24/6, ông Cao Văn Sơn viết đơn phản tố gửi công an TP Thanh Hoá và Viện KSND TP Thanh Hoá cho rằng, “luật pháp không cấm việc căng băng rôn, biểu ngữ đôn đốc nợ. Đây là một biện pháp thu hồi nợ của chúng tôi” và cho rằng, đơn tố cáo của ông Đoan là vu cáo sai sự thật.

Ngày 16/7, ông Đoan gửi công văn “báo cáo và đề nghị xử lý đối với hành vi phạm pháp của ông Cao Văn Sơn và những người liên quan” tới Cơ quan CSĐT Công an TP Thanh Hoá. Cơ quan này đã cử điều tra viên ra trụ sở Công ty KVS ở Hà Nội làm rõ một số nội dung. 

Ngay sau đó, ngày 25/7, ông Sơn có công văn gửi Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hoá báo cáo “về việc làm không bình thường của Công an TP.Thanh Hoá”. Ông Sơn cho rằng việc CA TP Thanh Hoá cử cán bộ chiến sĩ giữ trật tự tại trụ sở Công ty Đông Á và giữ xe điều tra xem có vũ khí hay không là việc làm không thể hiểu nổi…

Hai vị đại gia họ Cao vốn nổi tiếng vì thú chơi máy bay giờ lôi nhau ra đòi nợ và tố cáo qua lại. Chuyên là đến nay, chưa ông nào chịu nhường ông nào và cũng chưa vị nào đưa sự việc ra toà án phán xét đúng sai.

Đại gia muốn uống thuốc sâu tự tử: Không nổ vẫn chấn động

Không lập dị, không có những hành động khác người như doanh nhân Hùng Cửu Long hay Dũng "lò vôi" nhưng đại gia Đặng Thành Tâm vẫn gây chấn động.

 

http://laodong.com.vn/kinh-doanh/chuyen-lum-xum-giua-hai-dai-gia-ho-cao-389244.bld

Theo Trần Lâm/Lao Động

Bạn có thể quan tâm