Đồng thời lực lượng công an cũng ổn định tình hình trật tự trước cổng kho hàng của công ty TNHH Trường Ngân tại khu phố Chiêu Liêu, P.Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương. Đây là kho hàng từng xảy ra vụ “bảy ngân hàng tranh chấp một kho cà phê” mà báo chí từng phản ánh.
Theo thông tin ban đầu, tối 28/11, phía Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cho xe tới lấy cà phê trong kho của công ty Trường Ngân.
Hiện trường vụ việc trước cổng kho hàng của công ty Trường Ngân. |
Theo đại diện Agribank, việc lấy cà phê này là thực hiện theo quyết định của Tòa án nhân dân Q.4, TP.HCM ban hành vào tháng 10/2014 về việc “công nhận thỏa thuận giữa các đương sự” (Agribank và công ty Trường Ngân), không liên quan tới kho cà phê của các ngân hàng khác.
Theo quyết định công nhận này, tính tới tháng 10/2014, số tiền mà công ty Trường Ngân nợ của Agribank là hơn 67 tỷ đồng, trong đó nợ gốc 64 tỷ đồng.
Hai bên thỏa thuận chậm nhất tới 20/11 phải thanh toán xong nợ, nếu không thì Agribank được quyền phát mãi đối với hai lô cà phê mà Trường Ngân đã thế chấp trong hợp đồng vay vốn với Agribank.
Tối 28/11, khi phía Agribank cho xe tới phát mãi cà phê thì hàng chục bảo vệ được một số ngân hàng thuê, cùng đại diện của một số ngân hàng đã tới phản đối.
Một ngân hàng thậm chí còn dùng ô tô bảy chỗ đậu chắn ngang trước cổng kho hàng để chặn lối ra của các xe lấy càp hê. Đại diện các ngân hàng này cho rằng, kho cà phê mà ngân hàng Agribank phát mãi cũng trùng với kho cà phê mà Trường Ngân dùng làm tài sản vay vốn ngân hàng của họ.
Vụ việc làm náo loạn cả một khu vực.
Các xe tải đang lấy cà phê trong kho của công ty Trường Ngân vào tối 28/11. |
Ngay trong tối 28/11, Công an thị xã Dĩ An đã tới bảo vệ trật tự. Lực lượng chức năng đã lập biên bản, niêm phong các cửa xe và kéo xe bảy chỗ ra khỏi cổng kho cà phê.
Đồng thời, Công an thị xã Dĩ An cũng mời bảo vệ và đại diện của một số ngân hàng phản đối về trụ sở làm việc. Việc phát mãi kho cà phê sau đó tiếp tục được thực hiện.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, công ty Trường Ngân vay vốn bảy ngân hàng (gồm Techcombank, MB, MSB, Vietinbank, VIB, OCB, Agribank), với tổng số vay lên tới 600 tỷ đồng. Nhưng kho cà phê thế chấp có trị giá chỉ khoảng 100 tỷ đồng (đây là số liệu ước tính, tới nay các bên vẫn chưa có con số số lượng cà phê thực tế còn trong kho).
Do cà phê mà Trường Ngân dùng để thế chấp với một số ngân hàng trùng nhau, nên khi ngân hàng này tới phát mãi thì bị các ngân hàng còn lại phản đối.
Đây là lần thứ ba xảy ra sự việc như vậy. Trước đó đã hai lần có ngân hàng tới phát mãi kho cà phê của Trường Ngân, và cũng bị các ngân hàng còn lại phản đối.