Chỉ 3 năm khởi nghiệp trong lĩnh vực vốn là cuộc chơi của các thương hiệu ngoại, cái tên Asanzo đã nổi đình đám trong giới kinh doanh hàng điện tử. Ông chủ 8X Phạm Văn Tam trở thành hiện tượng khiến các đối thủ nặng ký khác phải dè chừng.
Bén duyên từ áp tải hàng vào Nam
Trở thành giám khảo của một cuộc thi Startup công nghệ được tổ chức mới đây, Phạm Văn Tam gây ấn tượng mạnh không chỉ với các Startup mới chập chững kinh doanh mà cả với những đàn anh trong giới công nghệ, khi tuyên bố sẽ đầu tư 10-20 triệu USD cho Startup nào anh thấy tiềm năng.
Đây cũng được coi là hướng đầu tư mới mà Asanzo tham gia trong thời gian tới, bên cạnh mảng truyền thống hàng điện tử, điện lạnh.
Phạm Văn Tam, Giám đốc Asanzo, ước tính năm nay số lượng tivi của hãng bán ra thị trường khoảng 500.000 chiếc, con số không nhỏ trong khoảng 3 triệu tivi tiêu thụ hàng năm tại thị trường Việt Nam.
Khẳng định kết quả kinh doanh ngày hôm nay có được không phải nhờ may mắn, Tam cho biết đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ không chỉ của bản thân anh mà của cả đội ngũ nhân viên gần 1.000 người.
Sinh ra trong một gia đình làm gốm ở Quảng Ninh nhưng Phạm Văn Tam không thích nghề này. Khi nghe người cậu ruột của mình hướng theo nghiệp chụp hình cho đỡ phải lấm lem với đất sét, Tam gật đầu ngay.
Nhưng trong một lần tình cờ, bạn anh rủ áp tải hàng vào Nam, nghĩ là sẽ được đi chơi đây đó nên Tam hào hứng đi theo.
Chính anh cũng không biết được chuyến đi tình cờ ấy đã hút anh lại với mảnh đất phương Nam xa lạ. Đó là thời điểm năm 2002, khi anh 23 tuổi.
Ông chủ 8X của thương hiệu tivi thuần Việt đang là hiện tượng của làng công nghệ, điện tử khiến các đối thủ lớn dè chừng. Ảnh: H.Nguyên. |
Ấn tượng đầu tiên các tiểu thương chợ Nhật Tảo, TP.HCM nói về một thanh niên đất Bắc lần đầu vào Nam bấy giờ là một người thật thà, chăm chỉ, luôn giao - nhận hàng không trễ một giây. Cộng với khuôn mặt sáng, thư sinh, Tam dần được tiểu thương tin tưởng và chỉ cách buôn bán mặt hàng này.
Để có nguồn hàng chất lượng và ổn định, anh qua tận Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… tìm hàng. Uy tín ngày một tăng lên, nhiều mối tìm đến Tam để đặt linh kiện.
Hiện tượng Phạm Văn Tam
Năm 2009, Tam cùng với 2 người bạn đầu tư 2 nhãn hàng điện tử riêng.
Thời điểm đó, các dòng sản phẩm nồi cơm điện, nồi lẩu điện hay ấm đun siêu tốc...với 2 thương hiệu SupoViet và FUJIKO giá bình dân đã phủ sóng nhiều điểm phân phối với lượng hàng bán ra không hề nhỏ, đặc biệt là tại các thị trường nông thôn.
Việc buôn bán vẫn diễn ra thuận lợi nhưng chính Tam lại cảm thấy điều bất ổn. Anh cho rằng đến một thời điểm nhất định thì tăng trưởng chậm lại và không có khả năng mở rộng quy mô được nữa.
Suy nghĩ nhiều về con đường đi cho riêng mình, cộng với việc đối chiếu bản thân với các thương hiệu quốc tế khác, Tam thấy mình thiếu hẳn lộ trình xây dựng thương hiệu, cũng như chiến lược kinh doanh bài bản. Công ty Cổ phần điện tử Asanzo ra đời năm 2013, chính là lời sửa sai cho những thiếu sót anh chưa làm được trước đó.
Thời điểm đó, tvi là một sản phẩm điện tử quá quen thuộc trong các gia đình Việt. Thế nhưng từ thực tế kinh doanh các mặt hàng trước đó, có cơ hội được tiếp xúc nhiều với thị trường nông thôn và công nhân, Tam nhận thấy việc sở hữu một chiếc tivi giá rẻ vẫn còn là niềm mơ ước của rất nhiều hộ gia đình.
“Tại sao không sản xuất tivi thương hiệu Việt phục vụ cho phân khúc bình dân này?”, câu hỏi đó đã thôi thúc Tam chọn tivi giá rẻ là mặt hàng đầu tiên và chủ lực trong lần khởi nghiệp thứ 2 này.
Trong khi các thương hiệu trong nước dần vắng bóng, nhường lại cuộc chơi cho các thương hiệu ngoại cày xới các dòng sản phẩm tivi phân khúc tầm trung và cao cấp, Tam chọn cho mình ngách nhỏ: sản xuất tivi giá rẻ cho thị trường nông thôn.
Dốc toàn bộ vốn liếng, anh đầu tư nhà máy sản xuất tivi tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP.HCM) với vốn đầu tư ban đầu 20 triệu đôla (khoảng 400 tỷ đồng).
Tam chọn cho mình ngách nhỏ: sản xuất tivi giá rẻ cho thị trường nông thôn giữa thị trường gồm những ông lớn chia phân khúc sản phẩm cao cấp.
|
Hệ thống hơn 2.000 điểm bán trên toàn quốc đã trở thành mối quen từ trước, anh nhanh chóng đưa sản phẩm tivi màu giá rẻ phủ khắp mọi miền quê. Những năm 2013-2014, dòng tivi CRT màu có mặt trên thị trường chủ yếu là do Asanzo sản xuất.
Từ nông thôn tiến ra thành thị
Trong khi các thương hiệu ngoại vẫn còn ngó lơ để Asanzo cày xới mảnh đất tivi giá rẻ lợi nhuận thấp, Tam tiếp tục trình làng dòng sản phẩm tivi LED với giá vô cùng cạnh tranh.
Chọn mua công nghệ Nhật là phần lõi của sản phẩm, Tam cho sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%. Chính điều này đã khiến những chiếc tivi LED của Asanzo được coi là những sản phẩm rẻ nhất trên thị trường, với khoảng 3 triệu đồng cho một chiếc tivi Full HD.
Để làm được điều này, Tam đã quan sát và tính toán kỹ trong việc cắt giảm đáng kể các công năng không cần thiết của một chiếc tivi.
“Nếu bạn để ý sẽ thấy, tivi của các thương hiệu ngoại thường dùng tới 2 cổng HDMI và 4 cổng USB, trong khi rất ít người dùng cần tới. Đây chính là những phụ kiện không cần thiết nhưng lại góp phần làm giá thành đội lên, và cũng là ‘bí quyết’ giúp Asanzo chinh phục thị trường bình dân”, Tam bật mí.
Anh khẳng định tivi của anh dù có giá rẻ nhưng chất lượng không hề thua kém các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Chỉ với mẻ hàng đầu tiên sản phẩm này tung ra thị trường, Asanzo đã bán gọn 4.000 chiếc tivi trong thời gian ngắn. Thành công bất ngờ khiến ông chủ này cũng không khỏi ngỡ ngàng.
“Ban đầu, công ty tôi chỉ có 2 dây chuyền sản xuất. Hàng làm không đủ cung cấp ra thị trường, nên cứ 2-3 tháng tôi lại phải tăng thêm 1 dây chuyền sản xuất. Hiện nay đã có 7 dây chuyền với lượng hàng bán ra không dưới 40.000 chiếc tivi mỗi tháng. Công nhân của tôi luôn trong tình trạng tăng ca, làm cả ngày nghỉ lễ, chủ nhật”, Tam bộc bạch.
Không dừng lại ở phân khúc hàng giá rẻ, ông chủ trẻ Phạm Văn Tam đang quyết tâm mang sản phẩm chinh phục khách nhà giàu. |
Năm 2014, chỉ sau một năm có mặt trên thị trường, số tivi Asanzo được tiêu thụ lên tới hơn 100.000 chiếc. Năm 2015, con số này đã tăng gấp 3 lần, tức 300.000 chiếc.
Trong năm 2016, lượng tivi bán ra đã lên tới con số 500.000 chiếc, đưa tổng doanh thu của công ty lên con số gần 3.000 tỷ đồng.
“Sản xuất Smart tivi sẽ cho lợi nhuận nhiều hơn. Nhưng việc sản xuất tivi LED giá rẻ khiến chúng tôi bán được số lượng lớn hơn, dù mức lợi nhuận chỉ khoảng 5-7%”, Tam cho biết.
Việc chọn đúng phân khúc mà nhiều đối thủ ngó lơ đã giúp Phạm Văn Tam nhanh chóng đưa Asanzo trở thành một hiện tượng trong làng khởi nghiệp công nghệ. Cái tên Asanzo và Phạm Văn Tam không chỉ được nhắc đến nhiều trong các sự kiện công nghệ mà còn trong các chương trình xúc tiến, hỗ trợ cũng như các cuộc thi khởi nghiệp.
Tham vọng toàn cầu
Và trong khi nhiều người cho rằng Tam vẫn đang mải mê, an phận với “mỏ vàng” tivi bình dân và trung cấp, Phạm Văn Tam bất ngờ trình làng dòng sản phẩm tivi màn hình cong 4K với giá chỉ bằng phân nửa các sản phẩm hiện có trên thị trường.
Việc nhanh chóng cho ra lò dòng sản phẩm cao cấp này được cho là thể hiện quyết tâm chinh phục cho bằng được 20% người giàu, là những cư dân thành thị vốn chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng của Asanzo.
“Để tham gia sâu hơn vào cuộc chơi công nghệ này, bạn buộc phải nâng tầm của mình lên”, Tam cho hay.
Năm 2016, Asanzo đã thử nghiệm nhập khẩu và lắp ráp linh kiện máy lạnh, cung cấp ra thị trường khoảng 5.000 chiếc với giá bán chỉ quanh mức 4 triệu đồng/chiếc.
Con số này vẫn còn quá khiêm tốn so với hơn 30.000 chiếc máy lạnh LG được bán ra trong mùa hè, hay các nhãn hàng khác như Toshiba, Sharp, nhưng là động lực để Tam quyết tâm gia nhập sâu hơn vào cuộc chơi mới.
Anh dự định, khi lượng tiêu thụ đạt khoảng 10.000 chiếc/tháng sẽ đầu tư dây chuyền khoảng 100 tỷ đồng để chuyên tâm sản xuất. Dây chuyền này dự kiến nằm trong nhà máy rộng 17.000 m2, đặt tại Củ Chi (TP.HCM) với tổng đầu tư khoảng 500 tỷ đồng mà Phạm Văn Tam đang dự định triển khai trong năm nay.