Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyện kể từ biên giới phía Bắc: Không sự hy sinh nào bị quên lãng

Thông qua tư liệu, số liệu, câu chuyện từ hàng trăm nhân chứng, sách “Những mảnh ký ức 1979-1989 - Chuyện kể từ biên giới phía Bắc” là một lời tri ân và khẳng định: Không sự hy sinh nào bị quên lãng.

Nhung manh ky uc anh 1

Tập hợp và hệ thống hàng trăm tư liệu quý chắt lọc từ sách, báo, tạp chí tiếng Việt và tiếng nước ngoài; kết nối và thu thập hàng trăm câu chuyện qua lời kể của các nhân chứng, cuốn Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc của ba tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh đã kể lại lịch sử cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc với nhiều cảm xúc và góc nhìn khác nhau.

Chắp nối lại những mảnh ghép không liền mạch

45 năm trước, ngày 17/2/1979, súng đã nổ trên khắp dải biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Thêm một lần nữa quân và dân ta phải thực hiện một cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới trước quân xâm lược.

Cuộc chiến ác liệt và đầy hy sinh mất mát này đã kéo dài 9 năm liên tục sau đó, mà trọng điểm là chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) cuối cùng cũng đã kết thúc.

Thế nhưng nó đã để lại nhiều di chứng cho rất nhiều người, nhất là với những người lính trẻ phải gồng mình dưới bom khốc liệt. Họ đã chứng kiến bạn thân, đồng đội, đồng hương ra đi trong một chớp mắt; tự tay chôn đồng đội hay bị vùi lấp bởi đạn pháo. Họ đã để lại tuổi xuân và một phần thân thể của mình nơi chiến trường…

Nhung manh ky uc anh 2

Hai trang trong cuốn sách. Nguồn ảnh: NXB Trẻ.

Theo tác giả Hà Hương (Lời ngỏ của nhóm biên soạn), sau chiến tranh, nhiều người lính đã trở về quê hương, nhiều người chọn ở lại chiến trường và có những người đi đến miền đất mới. Họ ngỡ ngàng trước hậu phương thời mở cửa. Nhiều người cảm thấy bị lãng quên, giằng xé và sang chấn tâm lý… có người không chia sẻ ký ức với ai ngoài đồng đội. Sau 40 năm, câu chuyện của họ là những mảnh ghép không liền mạch.

Với suy nghĩ không để sự hy sinh nào bị quên lãng, tôn trọng và không quên lịch sử, không quên những người đã ngã xuống, nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai, ba tác giả Đào Thanh Huyền - Hà Hương - Phạm Hoài Thanh đã thực hiện một dự án nhằm tái hiện lại một phần nào đó về cuộc chiến để người đọc hiểu hơn về chiến tranh và trân trọng hơn những gì ta có ngày hôm nay.

Điều này đúng với tinh thần lời phát biểu của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương sẽ không bao giờ quên lãng việc tri ân chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. […] Chúng ta ghi dấu nơi xảy ra tội ác không phải để nhắc lại mối thâm thù mà để tôn trọng lịch sử, giáo dục và xây dựng biên giới hai nước cùng hợp tác, phát triển trong hòa bình…”.

Hay như lời của Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam: “Biên cương đã im tiếng súng, nhưng thời gian không thể làm suy suyển sự thật và bản chất lịch sử. Lịch sử cần được nhìn nhận, ghi nhớ, không phải nhen lên thù hận dân tộc, mà để xây đắp cho ước vọng hòa bình, để chúng ta không bao giờ bị bất ngờ trong nhiệm vụ tối hậu: bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng...”.

Góp phần lấp đầy những khoảng trống tư liệu

Và sau ba năm tính từ ngày khởi động dự án đầu năm 2021, ba tác giả đã tiếp xúc được một lượng lớn tư liệu, đi thực địa ở nhiều tỉnh biên giới phía Bắc trải dài 1.400 km, phỏng vấn được hàng trăm nhân chứng…

Kết quả là cuốn sách Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc dày gần 300 trang, với nhiều tư liệu, hình ảnh, bản đồ, được thể hiện bằng ngôn ngữ đồ họa sống động theo phong cách báo hiện đại và gần 120 câu chuyện qua lời kể của các nhân chứng đã chính thức ra mắt bạn đọc.

Các tác giả đã tái hiện lại bức tranh tổng thể cuộc chiến từ nhiều góc cạnh và điểm nhìn khác nhau.

Mặc dù, tác giả Hà Hương khiêm tốn khi nói rằng gần 120 người kể chuyện bao gồm người dân cựu chiến binh chỉ là con số rất nhỏ so với hàng trăm nghìn người đã phải trải qua 10 năm bi thương, nhưng với những gì đã làm được, các tác giả đã tái hiện lại bức tranh tổng thể cuộc chiến từ nhiều góc cạnh và điểm nhìn khác nhau.

Đồng thời, nhóm tác giả cũng góp phần lấp đầy những khoảng trống tư liệu và nối dài những cảm xúc đáng trân trọng, tự hào về những gì mà quân và dân ta đã làm được trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Những mảnh ký ức 1979-1989- Chuyện kể từ Biên giới phía Bắc mở ra trang đầu tiên (được đặt trước cả lời giới thiệu sách) là hình ảnh tư liệu trang nhất Báo Nhân dân số 9036, ngày thứ ba (ra ngày 6/3/1979) đăng trang trọng Lệnh tổng động viên cả nước để bảo vệ Tổ quốc của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng động viên và huy động mọi nhân lực tài lực vật lực để đảm bảo yêu cầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Một tin khác cũng được đăng trên trang báo này là Cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng: 3.000 đoàn viên và thanh niên Hà Nội hô vang Năm lời thề quyết thắng.

Nhung manh ky uc anh 3

Bản tin Tổng động viên in trên báo Nhân Dân được đưa vào cuốn sách. Nguồn ảnh: NXB Trẻ.

Bố cục của cuốn sách gồm 4 chương. Mỗi chương đều được đặt tên dựa trên những câu trích từ những bài hát về chiến tranh biên giới.

Chương 1 “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” là câu trích từ bài hát Chiến đấu vì độc lập, tự do của nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác ngay trong đêm 17/2/1979.

Sách trình bối cảnh lịch sử kèm theo đồ họa mô phỏng hình vẽ sơ đồ cuộc chiến tranh xâm lược của địch (ngày 17/2) đăng trên Báo Quân đội Nhân dân số 6348, ra ngày 18/2/1979.

Tiếp đó là hình ảnh sơ đồ trận địa ở các mặt trận Lạng Sơn, Hà Tuyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu và câu chuyện của những người lính (các nhân vật có địa chỉ cụ thể, hình ảnh kể về những thời điểm cụ thể) trên các mặt trận này. Sau cùng là hình ảnh vũ khí trang thiết bị của Quân đội Nhân dân Việt Nam (1979) gồm: vũ khí trang bị cá nhân, hỏa lực bộ binh, pháo binh, xe cơ giới.

Với việc sắp xếp lớp lang như vậy, người đọc dễ dàng hình dung thời điểm, diễn biến cũng như cảm xúc của người trong cuộc. Chẳng hạn, ở mặt trận Cao Bằng, nhóm tác giả đã đưa vào 10 câu chuyện của những người lính thuộc tỉnh đội Cao Bằng (trung đoàn 567; trung đoàn 851, sư đoàn 364, huyện đội Quảng Uyên).

Mỗi câu chuyện của mỗi nhân chứng / người trong cuộc là một mảnh ký ức đồng thời là một cuộc phỏng vấn - tác nghiệp của nhóm tác giả (đều là nhà báo).

Qua lời kể giản dị, chân thực, khách quan của họ (nhóm tác giả gần như không diễn đạt lại), bên cạnh những thông tin về bản thân họ như thời gian nhập ngũ quá trình chiến đấu, chúng ta biết được diễn biến ở mặt trận Cao Bằng trong những ngày đầu của cuộc chiến, như: Tình hình hậu cần, chuyện sinh hoạt ở chiến trường, vấn đề công sự, quân tiếp viện, vũ khí, sức chiến đấu, bắt tù binh, những tổn thất, và cả cảm xúc của người lính trước cái chết cận kề…

Chương 2 “Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương” cũng là câu trích từ bài hát trên. Chương 2 bắt đầu bằng hình ảnh Báo Nhân Dân số 9020 ra ngày 18/2/1979 đăng toàn văn Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới phía Bắc.

Tiếp đó hình ảnh hàng vạn người dân, trốn chạy trong cảnh màn trời chiếu đất, hình ảnh thảm sát ở Tổng Chúp (Cao Bằng) và những câu chuyện được kể bởi các nhân chứng là những người dân (ở các tỉnh Biên giới) và những người lính không mang súng (đó là các phóng viên xung kích ở mặt trận, những trí thức sẵn sàng gác bút nghiên tòng quân xung trận, những cán bộ trên mặt trận ngoại giao).

Qua câu chuyện của họ, chúng ta biết thêm đời sống thực tế của người dân vùng biên giới trong chiến tranh, không khí sục sôi của đất nước sau lời kêu gọi Tổng động viên, đời sống của những quân nhân trong thời chiến, hành trình tác nghiệp của các phóng viên trên chiến trường, cuộc chiến cân não trên bàn đàm phán…

Chương 3 “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” là câu mở đầu bài hát Lũy đá bất tử của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Ông từng là thành viên của đội tuyên văn thuộc phòng Chính trị Sư đoàn 365 và từng có mặt tại Mặt trận Vị Xuyên.

Từ số liệu thống kê được đồ họa hóa và những câu chuyện của người lính và người dân, chúng ta biết thêm cuộc chiến ác liệt và đầy hy sinh mất mát kéo dài 9 năm liên tục, mà trọng điểm là chiến trường Vị Xuyên - Hà Tuyên (nay là Hà Giang) với hàng trăm trận đánh giành giật từng cao điểm giữa ta và địch. Tất cả vì một mục tiêu là chiến đấu để giữ đất bằng mọi giá.

Chương 4 “Có một bài ca không bao giờ quên” là câu mở đầu của bài hát Bài ca không quên của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác năm 1981. Đây là bài hát viết cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông chiếu năm 1982.

Nội dung chương sách là hình ảnh về ngày Giỗ trận theo cách gọi của các cựu chiến binh và ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên. Vẫn còn đó rất nhiều câu chuyện cho thấy nỗi đau và niềm day dứt của người ở lại, nhưng cuốn sách khép lại bằng việc nhân dân hai nước đi lại với nhau, mở ra mốc khởi đầu cho sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Nhung manh ky uc anh 4

Sơ đồ trận địa ở Mặt trận Vị Xuyên.

Nhận xét về cuốn sách Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho rằng có thể cuốn sách chưa phải là toàn bộ cuộc chiến và có lẽ không một cuốn sách nào có thể làm được nhiệm vụ này. Tuy vậy, việc cho ra đời những cuốn sách thế này là rất cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ tuổi, chưa từng kinh qua chiến tranh.

Việc cho ra đời những cuốn sách thế này là rất cần thiết, đặc biệt có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ tuổi, chưa từng kinh qua chiến tranh.

Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm

“Với tư cách một độc giả, đồng thời là một cựu binh, tôi thấy câu chuyện lịch sử được kể và tái hiện ở nhiều phương diện, góc nhìn, gồm đa dạng các nguồn tin chính thống khả tín kết hợp với tư liệu phỏng vấn công phu. Cuốn sách được tổ chức theo hình thức hiện đại, nhưng vẫn bám sát tình hình chiến sự nóng hổi của 40 năm về trước, điều đó chắc chắn sẽ giúp bạn đọc ở nhiều thế hệ dễ tiếp cận hơn cuộc chiến đặc biệt này”, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm viết.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm