Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chuyện kể bên cây cầu đi về phía mặt trời

Đang ca trực, anh Long nhận điện thoại của vợ báo con trai sốt cao. Trớ trêu thay, vợ con anh không bắt kịp chuyến phà cuối trong ngày để từ đảo Cát Hải lên thành phố cấp cứu.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 1

Trong ca trực, anh Long nhận điện thoại của vợ báo con trai sốt cao. Trớ trêu thay, vợ con anh không bắt kịp chuyến phà cuối trong ngày để từ đảo Cát Hải lên thành phố cấp cứu.

Trải nghiệm đầu tiên với anh Trần Văn Long (Văn Phong, Cát Hải) về cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là cuộc đua tốc độ để cứu cậu con trai đầu lòng. Là công nhân cơ khí tại Hải Phòng, anh phải ở trọ thành phố và chỉ về thăm nhà vào mỗi dịp cuối tuần.

Một ngày cuối tháng 8, khi đang trong ca trực, anh Long nhận được điện thoại của vợ báo "Con trai sốt cao cần đưa sang Hải Phòng cấp cứu". Vội bỏ dở công việc, anh gọi sẵn xe cấp cứu chờ ở bến phà Đình Vũ. Nhưng trớ trêu thay, chị nhà và cháu đã không kịp bắt chuyến phà cuối cùng trong ngày để sang thành phố. Chuyến phà sớm nhất phải đợi tới 6h sáng hôm sau.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 2

Trời mỗi lúc một tối, hai vợ chồng chỉ cách nhau 5 km mà tưởng như xa vời vợi. Ruột nóng như lửa đốt vì vợ báo tin con sốt mỗi ngày một cao, anh Long đánh liều chạy lên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ngỏ lời với Ban quản lý dự án xin mở chốt cầu để người nhà chạy xe máy đưa con sang Hải Phòng.

Dù cầu mới chỉ thông xe kỹ thuật, thấy tình huống khẩn cấp, ban quản lý đã đồng ý mở chốt để người nhà đưa cháu bé sang đất liền cấp cứu. Quyết định của ban quản lý dự án đã giúp vợ chồng anh kịp đưa con tới bệnh viện. Cháu bé 7 tuổi thoát khỏi tình huống nguy kịch.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 3

Anh Long cho hay chuyện của anh cũng là chuyện của người dân huyện đảo Cát Hải - nơi từng được biết đến là nơi nghèo nhất của TP Hải Phòng. "Các cô chú cứ đi hỏi đâu cũng thấy người dân mong mỏi có cầu từ bao đời rồi", anh Long chia sẻ.

Người công nhân cơ khí vốn xuất thân từ diêm dân huyện đảo Cát Hải chia sẻ nhiều năm đi làm xa nhà, mỗi sáng thức giấc anh lại ước về một cây cầu nối quê mình với thành phố. Anh Long gọi đó là cây cầu hướng về phía mặt trời. Và nay cây cầu đó đã hiện hữu hay trước mặt, đường về nhà đã gần hơn bao giờ hết. 

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 4

Đúng kịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh, sau 3 năm thi công xây dựng, sáng 2/9, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Lễ hoàn thành Dự án đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện (TP Hải Phòng). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh thông xe công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh đây là tuyến đường và cầu rất quan trọng, kết nối với hệ thống đường bộ, đường cao tốc của thành phố Hải Phòng cũng như khu vực Bắc Bộ. Công trình đi vào sử dụng sẽ mang lại hiệu quả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Đường ôtô Tân Vũ - Lạch Huyện còn góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại, giảm tai nạn, rủi ro do vận chuyển bằng phà, sà lan, giảm tai nạn và tắc nghẽn giao thông hàng hải tại kênh Nam Triệu.

Trong khi lễ khánh thành đang diễn ra  thì anh Long cùng nhiều người dân Cát Hải vừa háo hức chờ đợi vừa trò chuyện rôm rả về cây cầu lịch sử, về Cát Hải xưa và nay. 

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 5

"Người dân Cát Hải xưa chỉ có nghề đi biển, làm mắm, làm muối và làm ruộng. Mãi năm 2002, Nhà nước mở bến phà Đình Vũ, bà con mới có cơ hội thuận tiện để sang thành phố học hành, làm ăn. Nay có cầu vượt biển chắc hẳn đời sống sẽ khấm khá hơn", anh chia sẻ.

Bỏ cả buổi chợ, bà Ngô Thị Cát (xã Văn Phong, huyện Cát Hải) cũng hòa cùng những người đứng ở đường tiếp để chờ được đi trên cây cầu mà bà hằng mơ ước. "Tôi làm dâu ở Cát Hải cũng đã mấy chục năm nhưng ít về thăm quê vì sợ đi phà. Nay có cầu rồi, Tết tư, giỗ chạp tôi lại có thể về thắp hương cho ông bà thuận tiện hơn", bà Cát xúc động nói với mọi người. 

Vừa nắm tay vợ, ông Hà Quang Tiến (63 tuổi, xã Gia Lộc, huyện Cát Hải) nheo mắt nhìn về cây cầu khổng lồ vừa nói: "Kể từ khi bà bị bệnh, tuần nào tôi cũng  đưa bà vào thành phố thăm khám. Nghĩ lại những chuyến phà mà thấy cực, tính cả giờ đi lại lẫn chờ đợi cũng mất non nửa ngày. Hôm nào mưa bão là bà lại chịu đau vì không thể đi".

Ông Tiến chia sẻ mấy chục năm qua, bà con Cát Hải mong ngóng một cây cầu và bây giờ ước mong đó đã trở thành hiện thực. "Có cầu rồi, tôi đưa vợ đi khám bệnh, con cháu sang thành phố đi học thuận tiện hơn", ông nói. 

Ôn lại những kỷ niệm khi Cát Hải còn là đảo 3 không "không điện, không nước, không đường", nhiều người vẫn chưa tin nay huyện đảo đã có cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối đảo với thành phố, có cảng biển nước sâu, có nhiều công ty lớn về mở nhà máy.

Đúng là vật đổi sao dời. 

Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nhìn từ trên cao Sau hơn 3 năm thi công, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện dài hơn 5,4 km chính thức thông xe. Đây là cây cầu vượt biển dài và hiện đại nhất Việt Nam.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 6

Trong lễ thông cầu, ông Toshihiro Kurokawa, Sumitomo Mitsui Construction Co. Ltd, nhà thầu hạng mục cầu Tân Vũ - Lạch Huyện trịnh trọng giới thiệu với quan khách dự lễ: “Nhật Bản là nước có kinh nghiệm trong việc xây cầu vượt biển. Tất cả những công nghệ hiện đại nhất của đất nước tôi được đưa sang Việt Nam để thực hiện dự án này”.

Vì vậy không chỉ là cây cầu vượt biển dài nhất, Tân Vũ - Lạch Huyện còn được xây dựng bởi những công nghệ hiện đại nhất thế giới hiện nay.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 7

Anh Nguyễn Trường Thọ, Kỹ sư trưởng Sumitomo Mitsui, cho hay điều đặc biệt của cầu Tân Vũ - Lạch Huyện chính là đường hầm ngay dưới mặt cầu. Dài gần 5 km với 88 nhịp, đường hầm rộng khoảng 9 m, cao gần 2,5 m. Đường hầm đồng thời là chiếc hộp kỹ thuật khổng lồ của công trình. 

Mỗi nhịp dầm cầu được thi công lắp đặt gồm 12 bó cáp dự ứng lực. Cáp có tác dụng chịu lực chính của cầu. Những đường dây này đảm bảo vận hành cho cầu vượt biển, đáp ứng cho phương tiện chạy với vận tốc 80 km/h trên 4 làn đường. Bên trong đường hầm được lắp hệ thống điện chiếu sáng phục vụ duy tu, bảo dưỡng dầm cầu.

Theo Kỹ sư trưởng Sumitomo Mitsui, công nghệ SBS (dầm được lắp ghép bởi các khối bê tông đúc sẵn thông qua hệ thống dây cáp) lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam giúp đẩy nhanh tiến độ khi thời gian hoàn thiện một dầm cầu trong vòng 7 ngày. 

Trong khi đó anh Đặng Văn Minh, cán bộ Ban quản lý dự án 2, Bộ Giao thông Vận tải, cho hay điểm nổi bật thứ hai tại cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là đường công vụ được thực hiện theo công nghệ ống vải địa kỹ thuật.

Đây là hệ thống ống vải có đường kính khoảng 4,6-9,5 m lần đầu tiên được thi công ở Việt Nam. Mỗi ống dài 50 m ghép lại với nhau, bơm đầy cát bên trong, tạo thành một bờ đê bao vững chắc, chịu được sóng biển.

Khi chúng tôi hỏi về việc quá trình thi công cầu vượt biển dài nhất Việt Nam liệu có gì khó khăn? Vị cán bộ 20 năm kinh nghiệm và 3 năm gắn bó với dự án chia sẻ: "Dự án giao thông nào cũng có cái khó, cái dễ riêng. Nhưng điều đặc biệt ở dự án này chính là thi công ở cửa biển. Vì thế nhiều anh em công nhân không chỉ say nắng mà còn say cả sóng. Nhất là khi có bão, áp thấp hay gió mùa".  

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 8

"Người làm giao thông sợ nhất là mưa gió mà mưa gió ở đây thì bất chợt và khủng khiếp. Nhưng cái khó ấy đều có thể vượt qua nếu chúng tôi được ủng hộ. Ngoài sự ủng hộ của các cấp, các ngành, ở công trình này chúng tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng của người dân", anh Minh nói. 

Chỉ tay về phía nghĩa trang cách chân cầu chừng hơn 1 km, anh Đặng Văn Minh chia sẻ trong các công trình giao thông việc khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. Mà trong giải phóng mặt bằng khó khăn nhất chính là di chuyển nghĩa trang. Tuy nhiên, ở dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, người dân Cát Hải đã ủng hộ, đồng thuận di chuyển hàng nghìn ngôi mộ tạo điều kiện làm cầu.  

"Tôi còn nhớ, khi đến ngày di chuyển nghĩa trang, người dân Cát Hải làm cả ngày lẫn đêm, cả đảo sáng trưng", anh Minh kể và cho biết thêm khi làm cầu người dân luôn qua lại động viên. "Họ hỏi han, chia sẻ khó khăn của người làm đường làm cầu. Chúng tôi rất xúc động", anh nhớ lại.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 9

Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa rồi, bến phà Đình Vũ đã không còn cảnh ùn tắc khi cây cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện đã đi vào sử dụng. Dẫu vậy vẫn còn nhiều người muốn tận hưởng chút không khí của chuyến phà có lịch sử 15 năm nối liền đất liền thành phố Hải Phòng với huyện đảo Cát Hải.

Lái chuyến phà đúng trong ngày thông cầu, anh Trần Quốc Dũng, thuyền trưởng phà HP2733, trầm ngâm nhìn về công trình khổng lồ nối liền hai bờ Cát Hải - Hải Phòng. Thoắt đó mà đã 15 năm anh gắn bó với phà Đình Vũ. Vị thuyền trưởng cho hay khi phà chuẩn bị ngừng hoạt động anh vừa buồn vừa vui.

"Buồn vì phải xa nơi mà mình coi như ngôi nhà thứ hai nhưng vui hơn cả là giờ đây việc đi lại của bà con được thuận tiện hơn, an toàn hơn", anh Dũng nói.

Nói về bến phà Đình Vũ, anh Trần Văn Long lại bùi ngùi nhớ lại năm xưa khi cuộc sống khó khăn, anh phải rời quê, xa vợ con sang Hải Phòng lập nghiệp, kể từ đó tới nay anh là khách qua phà gần 10 năm. "Trước những năm 2000, từ Cát Hải nhìn sang Hải Phòng cũng thấy xa vời vợi. Thế rồi năm 2002, Nhà nước cho mở bến phà, dân Cát Hải lúc đó mừng lắm, chưa bao giờ dám mơ tới cầu vượt biển", anh Long chia sẻ.

"Ngày trước, đứng trên phà chỉ mong sao phà mau cập bến để về nhà sớm. Không ngờ bây giờ có thể là lần cuối, tôi đi phà từ Hải Phòng sang Cát Hải", người công nhân cơ khí nói.

Trên chuyến phà cuối, người dân Cát Hải bàn tán chuyện ngày xưa chỉ mong Nhà nước kéo điện về đảo, rồi cũng có điện. Rồi bà con lại mong có phà để đi lại cho thuận tiện, tới năm 2002, bến phà Đình Vũ đi vào hoạt động. Có phà rồi bà con lại nghĩ bao giờ có cầu, năm 2017, cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam đã biến những mơ ước đó thành hiện thực.

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 10

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 11

cau vuot bien dai nhat Viet Nam anh 12

Cát Hải xưa là một đảo cát sa bồi, người dân gắn bó với nghề muối và đánh bắt. Nhưng rồi làm muối, làm mắm cũng mai một, nghề đánh bắt càng ngày càng khó khăn khi nguồn thủy sản cạn kiệt.

Những câu chuyện của bà Cát, anh Long hay ông Tiến về Cát Hải năm xưa đều hằn lên dấu ấn của một thời kỳ khốn khó khi cuộc sống đẩy đưa nhiều người phải vượt biên sang Hong Kong, Macau rồi... lại quay về quê làm muối.

"Làm diêm dân cả đời chỉ lo ăn từng bữa. Ngày xưa nhiều người cũng làm liều vượt biên tìm cuộc sống mới rồi cũng lại quay về làm diêm dân", bà Cát vừa kể lại những tháng ngày sống ở xứ người vừa hướng mắt nhìn về cây cầu mà bà từng mơ cả đời.

Anh Long cũng cho biết cuộc sống thiếu thốn cứ bám lấy người dân huyện đảo. Mãi tới năm 1991, anh mới thấy ánh điện khi Nhà nước cấp điện ra đảo. Hơn 10 năm sau người dân nơi đây được đi bằng phà Đình Vũ. Rồi, năm 2002 cho tới khi có phà Đình Vũ, nhiều người đã sang thành phố làm thuê, đời sống cũng khá hơn. Tới năm 2008, khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập, đời sống bà con lại được đổi mới hơn nhiều.

"Ở đảo đã gần 70 năm, tôi nghiệm ra cứ 10 năm một lần, đời sống của chúng tôi lại thay đổi. Năm nay 2017, gần 10 năm thành lập khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, chúng tôi lại đón cầu vượt biển. Có lẽ đời sống sẽ còn khá lên", ông Tiến chiêm nghiệm. 

Toàn cảnh cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Sáng 2/9, cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện với tổng vốn đầu tư gần 12.000 tỷ đồng, dài 5,4 km, chính thức thông xe.

Công Khanh - Văn Chương

Ảnh: Lê Hiếu
Đồ hoạ: Lee Nguyễn

Bạn có thể quan tâm