Trong cơn bão số 11 tràn qua Quảng Bình hồi tháng 10 vừa qua, bản Rục (xã Thiện Hóa, Quảng Bình) gặp bão chồng bão nên người dân nơi đây bị cô lập hoàn toàn. Đường vào bản thường bị ngập ở đoạn qua Hung Trâu dài khoảng 2 km, nơi sâu nhất chừng 5m (Hung Trâu, nằm trên con đường độc đạo nối 3 bản người Rục gồm Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ với trung tâm xã). Đây là thung lũng, bốn bề núi cao bao bọc, nên nước lũ đọng lại, thoát rất chậm; chỉ cần một trận mưa to là nơi đây bị chia cắt.
Các nhân viên viễn thông trong mùa lũ. |
Do bị cô lập nên bà con nơi đây thiếu thốn mọi bề và phải nhờ đến tiếp tế của chính quyền. Ở những vùng như thế này, người dân sống ở mức rất nghèo khổ, nhưng Viettel cũng có trạm phát sóng di động để phục vụ nhu cầu liên lạc của bà con cũng như chính quyền, nhà hảo tâm vào công tác, hỗ trợ. Khi trạm phát sóng ở đây gặp sự cố trong bão, các nhân viên kỹ thuật ưu tiên xử lý địa điểm đặc biệt này dù khách hàng tiềm năng (bà con người Rục) ở đây thuộc diện siêu nghèo và ít người nghĩ là điểm trọng yếu. Trong khi đó, để vào trạm phát sóng nằm trong bản, nhân viên đội kỹ thuật Viettel phải đi nhờ đò tiếp tế lương thực của UBND xã Thiện Hoá mất hơn 1km, sau đó đi bộ kèm theo mang vác đồ ứng cứu hơn 3 km, rồi lại "gối đầu" như thế chừng 5km mới đến được điểm trạm gặp sự cố.
“Bà con đã bị cô lập với bên ngoài vì bão lũ ngập tứ bề, nếu liên lạc cũng đứt nốt thì thật buồn. Chúng tôi mong muốn cùng góp một tay giúp đỡ đồng bào người Rục với dịch vụ của mình nên đặt ưu tiên ở điểm này”, một nhân viên kỹ thuật chia sẻ.
Năm 2011, khi đi xử lý sự cố cho trạm BTS ở Quảng Bình, nhân viên kỹ thuật Viettel còn cứu được cả người trong lũ dữ. Năm đó, khi đang di chuyển gần trạm QBH 176 (Xã Quảng Thuận, Quảng Trạch), anh Nguyễn Văn Quý cùng với các đồng nghiệp nghe tiếng hô hoán kêu cứu của một cặp vợ chồng già hơn 80 tuổi. Nhà 2 cụ ở sát hồ, nước lũ dâng cao nhanh khiến họ không chạy kịp. Khi nghe tiếng kêu cứu, đội của anh Quý dùng mấy can xăng buộc vào hai bên vai, bơi vào, đưa hai cụ già ra ngoài, đến chỗ an toàn. Trong khi đó, nhân viên kỹ thuật Đinh Văn Liêm (cũng tại Quảng Bình) đi cứu trạm BTS ở xã Phù Hóa, Quảng Trạch thì gặp một cụ già bị ngất, lại ở nhà một mình. Dù ở phía trong trạm cũng cần phải sửa gấp mới đạt tiêu chuẩn thời gian, nhưng thấy người gặp nạn, Liêm xin cano biên phòng hỗ trợ đưa bà đi cấp cứu, xong xuôi mới quay lại ứng cứu trạm.
Bên cạnh chuyện cứu người khi đi xử lý sự cố, năm 2006, một nhân viên viễn thông còn tranh thủ lúc hoãn cưới do bão để trực chiến và ứng cứu cho các điểm gặp sự cố. Cuối tháng 9/2006, anh Lê Công Cửu – nhân viên kỹ thuật của Viettel Đà Nẵng lấy vợ, sau 2 năm yêu nhau. Mọi thủ tục, lễ nghi, bàn ghế, phông rạp, cỗ bàn,... đã chuẩn bị đầy đủ, khách khứa đã mời hết. Đúng 6h sáng ngày 1/10/2006, nhà trai chuẩn bị lên đường đi đón dâu thì trời nổi bão, mưa gió kéo đến đùng đùng.
Trận bão Xangsane khủng khiếp đã khiến cho đám cưới phải giải tán, dâu chưa kịp rước. Mọi người lo thu dọn đồ đạc, tìm nơi tránh bão, còn anh Cựu tất tưởi chạy lên trung tâm trực bão và ứng cứu cùng đồng nghiệp. 4 ngày sau khi bão tan, gia đình hai bên thống nhất tổ chức buổi lễ liên hoan nho nhỏ để “hoàn thiện” nốt phần kết cho đám cưới của vợ chồng anh Cửu…