Sau khi Bộ Xây dựng trình Chính phủ báo cáo thẩm định đồ án quy hoạch giao thông Thủ đô Hà Nội về việc sẽ làm 15 cầu và một hầm vượt sông Hồng đã gặp nhiều phản ứng trái chiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, về lâu dài với một siêu đô thị như Hà Nội thì cũng cần phải có một trục giao thông như vậy, nhưng hiện tại thì chưa cần.
Nói về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho biết: đến thời điểm này và trong kế hoạch sắp tới, thành phố Hà Nội chưa chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng hầm vượt sông Hồng.
Hà Nội đã chưa tính đến phương án xây đường hầm vượt sông Hồng. |
Ông Thành cho biết, căn cứ Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Xây dựng có báo cáo thẩm định số 108/BC-BXD, ngày 25/11/2013 trình Thủ tướng Chính phủ về Đồ án Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có 16 công trình đường bộ (gồm 15 cầu và 1 hầm vượt sông Hồng). Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân, đến thời điểm này và trong kế hoạch sắp tới, thành phố Hà Nội chưa chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng hầm vượt sông Hồng.
Trước đó, từ năm 2010 khi bàn về đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cũng đã nói: Hà Nội có thể xây dựng đường hầm vượt sông Hồng nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy để giải quyết nhu cầu giao thông đường bộ.
Theo phương án đề xuất của chủ đầu tư, hầm vượt sông Hồng có chiều dài khoảng 3km tính cả đường nối hai bờ (trong đó chiều dài vượt sông khoảng 1km), 4 làn xe, rộng khoảng 18 – 20m. Vị trí dự kiến xây dựng tại cuối đường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm (gần Bến xe Lương Yên), vượt sông Hồng, kết nối với mạng lưới giao thông phía quận Long Biên.
Theo các tác giả của bản quy hoạch giao thông, đường hầm vượt sông Hồng sẽ gián tiếp tạo động lực để người dân sống trong khu phố cổ hiện nay sang phía Bắc sông Hồng sinh sống (ước tính khoảng 700.000 dân).