Khi thông báo kết quả hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 19/10, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói hai nước “cơ bản đạt được thỏa thuận về hiệp định chuyển giao thiết bị và kỹ thuật quốc phòng”.
Trong cuộc họp báo sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tomoyuki Yoshida cho biết thỏa thuận mới đạt được là khuôn khổ nhằm đảm bảo việc chuyển giao thiết bị, kỹ thuật quốc phòng tuân theo những nguyên tắc cơ bản của Nhật Bản.
Ông Yoshida nói việc chuyển giao phải đảm bảo sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực, được dùng cho mục đích hòa bình, và không được chuyển giao cho bên thứ ba một cách trái phép - lập trường chung, nhất quán của Nhật Bản trong hợp tác quốc phòng với mọi quốc gia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tomoyuki Yoshida. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Hai bên đã đàm phán về vấn đề này, và đạt được sự “đồng thuận đáng kể”, gần đạt tới một hiệp định đang có sự ủng hộ của lãnh đạo hai nước.
“(Hiệp định) chưa được ký, chưa có hiệu lực. Vẫn có một số chi tiết phải làm rõ thêm. Chúng tôi đang ở bước đó. Chúng tôi chưa dự kiến có thiết bị hay kỹ thuật cụ thể nào được thảo luận”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật nói với các phóng viên.
“Thiết bị, kỹ thuật cụ thể nào... sẽ phụ thuộc vào nhu cầu của phía Việt Nam. Hiện còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Nhưng hai bên sẽ thảo luận chi tiết hơn theo những nguyên tắc mà tôi nói ở trên”.
Thách thức an ninh
Ông Yoshida cho rằng hai nước Việt - Nhật và khu vực xung quanh đang gặp thách thức an ninh “trầm trọng hơn”, “do những hành động đơn phương của một nước thứ ba nhằm thay đổi hiện trạng”.
“Môi trường an ninh hiện nay đang có thay đổi to lớn... không đe dọa dẫn đến xung đột ngay trước mắt, nhưng nếu cứ để như vậy, chúng ta có thể có vấn đề nghiêm trọng trong tương lai”, ông nói. “Đây là điểm mà Việt Nam và Nhật Bản có chung nhìn nhận khi đánh giá về khu vực”.
“Mọi người trong khu vực đều thấy điều hiển nhiên là căng thẳng trong khu vực tăng lên, có những vụ việc có thể ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải, đuổi tàu cá, quân sự hóa một số địa điểm”, ông nói.
Một trong những mục đích chính của chuyến công du đầu tiên của ông Suga là để thúc đẩy tầm nhìn về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ông Yoshida cho biết Thủ tướng Suga đã bày tỏ “quan ngại lớn” về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi “có hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng. “Thủ tướng Suga nói rõ là Nhật Bản sẽ tiếp tục bàn với Việt Nam về vấn đề này”, ông Yoshida nói.
Trước đó, khi phát biểu với báo chí sau cuộc gặp ông Suga, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết “hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình... tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982”.
Công ty có ý định mở rộng sang Việt Nam có thể thuộc dạng trợ cấp
Ông Yoshida cũng nói thêm về thỏa thuận về quy trình đi lại “Business track”, mà trước đó Thủ tướng Suga tuyên bố hai bên đã đạt được. Theo đó, yêu cầu cách ly có thể được miễn đối với hành khách thương gia “với một số điều kiện nhằm đảm bảo xét nghiệm âm tính khi rời đi và sau khi tới điểm đến, kèm theo việc nộp lịch trình hoạt động trong chuyến công tác, và việc khai báo có tiếp xúc với người nhiễm hay không”, ông trả lời Zing.
“Chúng tôi đang đàm phán chi tiết”, ông Yoshida cho biết. Nhật Bản đã có thỏa thuận “Business track” với Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam sẽ là nước thứ ba. Ông nói khuôn khổ “Business track” nhằm phục vụ cho chuyến đi ngắn ngày với mục đích công việc. Ông nói lộ trình nối lại đường bay thương mại sẽ do cơ quan liên quan của hai bên cũng như các hãng bay quyết định. Việc mở lại đối với đối tượng khách du lịch hiện vẫn dành cho tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tham quan Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: Hoàng Hà. |
Hai thủ tướng cũng đã đồng ý về sự cần thiết của việc thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, để chuỗi cung ứng được vững hơn.
“Nhật Bản đã đưa ra chính sách trợ cấp cho các công ty Nhật nếu có kế hoạch đa dạng hóa ở nước ngoài”, ông nói. “Những (công ty) có cơ sở sản xuất ở đất nước thứ ba có ý định mở rộng sản xuất ở Việt Nam có thể thuộc diện được trợ cấp”.
Nói thêm về khoản viện trợ tổng số tiền 4 tỷ yen Nhật (38 triệu USD) mà Thủ tướng Suga tuyên bố hỗ trợ Việt Nam trong chống dịch Covid-19, ông Yoshida cho biết 1,8 tỷ yên sẽ thông qua các tổ chức quốc tế như WHO, UNICEF và UNDP, có thể bao gồm vật tư y tế như thiết bị xét nghiệm PCR, còn 2,2 tỷ yên sẽ được trao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương hay Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC).