Theo dữ liệu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, với khoảng 50% GDP và việc làm phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào xuất khẩu.
Các chuyên gia kinh tế tại WB cho rằng mô hình tăng trưởng thiên về xuất khẩu đem lại thành công, nhưng chưa đủ để đưa quốc gia lên nhóm thu nhập cao.
Hội nhập thương mại sâu và chuỗi giá trị trong nước
Như được chứng minh qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và hiện nay là Trung Quốc, Việt Nam cần tiếp tục vươn lên cao hơn trong chuỗi giá trị, nhằm chuyển sang các dịch vụ và chế tạo chế biến mang lại giá trị gia tăng cao hơn, qua cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.
"Tuy nhiên, khác với các quốc gia đi trước, Việt Nam phải quản lý quá trình chuyển đổi này giữa thời điểm các vấn đề kinh tế, địa chính trị và công nghệ đang nhanh chóng định hình lại dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu, vừa đem lại cơ hội mới vừa có những rủi ro mới phát sinh", nhóm chuyên gia của WB, dẫn đầu là Chuyên gia kinh tế trưởng Andrea Coppola, nhận định.
Theo WB, Việt Nam đang trong quỹ đạo phát triển nhanh, với GDP theo đầu người tăng đến 6 lần trong chưa đầy 40 năm, từ mức dưới 600 USD/người năm 1986 lên trên 3.650 USD/người hiện nay.
Thương mại và đầu tư nước ngoài là những động lực chính để Việt Nam chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng, tăng trưởng ngoạn mục và nâng cao mức sống rất nhanh.
Nhờ thu hút được dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể, Việt Nam đã chuyển mình trở thành một công xưởng xuất khẩu. Khối lượng xuất khẩu tăng vọt trong những năm gần đây do các chuỗi giá trị toàn cầu đang được tái cấu trúc, tăng từ dưới 4% GDP năm 1988 lên gần 100% vào năm 2023.
Tỷ lệ kim ngạch thương mại so với GDP, tính cả xuất khẩu và nhập khẩu, rơi vào khoảng 200% GDP, đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới.
Chính sách chuyển sang hội nhập các chuỗi giá trị trong nước nên chú trọng củng cố môi trường kinh doanh, cải thiện kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu
Nhóm chuyên gia WB
Theo nhóm chuyên gia kinh tế của WB, thành công ngoạn mục về phát triển của Việt Nam đến nay không phải là sự tình cờ, mà phải vất vả mới có được qua những cải cách cơ cấu từng bước bên cạnh đầu tư về hạ tầng và vốn nhân lực.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cải cách và đầu tư lại đang chững lại trong những năm gần đây. Việt Nam cần lấy lại sức mạnh cải cách để gieo mầm chính sách cho những thành công bền vững của ngày mai.
"Theo đuổi cách tiếp cận toàn diện, kết hợp những cải cách chính sách quan trọng có thể mở ra hướng tăng trưởng năng suất, thu hút đầu tư của khu vực tư nhân, giúp Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045", nhóm chuyên gia nhận định.
Nhóm chuyên gia WB chỉ ra chính sách thương mại của Việt Nam trước đây đã đem lại thành tựu tự do hóa thuế quan đáng kể cùng với phạm vi bao phủ của các hiệp định thương mại song phương và đa phương, phủ khắp đến gần 90% GDP thế giới.
Trong giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần tập trung khai thác những hiệp định thương mại mới nhằm giảm đáng kể rào cản phi thuế quan, tự do hóa thương mại dịch vụ và hội nhập sâu trong khu vực.
Trong khi đó, tầng lớp trung lưu lớn mạnh và thị trường tiêu dùng đang phát triển rất nhanh ở châu Á đang đem lại những cơ hội to lớn cho Việt Nam.
Nếu bối cảnh địa chính trị toàn cầu hiện nay khiến cho hợp tác đa phương trở nên khó khăn, nhóm chuyên gia WB khuyến nghị Việt Nam khai thác các hiệp định khu vực và song phương đa biên.
Mặt khác, nhóm chuyên gia chỉ ra rằng hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài đóng góp 73% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực không có khả năng giao dịch thương mại, như các lĩnh vực dịch vụ truyền thống, xây dựng hoặc bất động sản.
Trong năm 2023, chỉ 18% doanh nghiệp có kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu, giảm 17 điểm % so với năm 2009. Chính vì vậy, Việt Nam mới chỉ thu về tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị hàng xuất khẩu.
"Chính sách chuyển sang hội nhập các chuỗi giá trị trong nước nên chú trọng củng cố môi trường kinh doanh, cải thiện kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, triển khai cơ chế tài chính cho chuỗi giá trị, và thiết lập chương trình phát triển các nhà cung cấp", nhóm chuyên gia WB nhận xét.
Tạo đà tăng trưởng bền vững
Hơn nữa, thành công trước đây của Việt Nam trong quá trình hội nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu là nhờ nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào có kỹ năng cơ bản. Tương lai sẽ phụ thuộc vào nguồn cung đầy đủ lao động có kỹ năng cao, nhất là trong kỷ nguyên của công nghệ - tự động hóa.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia chỉ ra tăng trưởng xuất khẩu và chế tạo chế biến trước đây được tiếp sức bằng các loại năng lượng thâm thải carbon ngày càng nhiều.
Trong thời gian tới, trọng tâm là phải chuyển dịch sang nền sản xuất hướng đến sạch hơn và giảm thải carbon nhiều hơn, không chỉ nhằm góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam, mà còn để duy trì năng lực cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, với xu thế chuyển dịch nhanh chóng sang các sản phẩm và dịch vụ giảm thải carbon.
Nhu cầu lao động có kỹ năng trong các ngành chế tạo chế biến thâm dụng công nghệ. Ảnh: WB. |
Trong 30 năm qua, khí thải CO2 trong sản xuất chế tạo chế biến đã tăng gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP, trong đó khí thải liên quan đến hàng xuất khẩu đến nay đã chiếm trên 1/3 tổng lượng khí thải CO2 của Việt Nam.
Hơn nữa, Việt Nam chỉ nắm bắt được những cơ hội hạn chế trên thị trường về sản phẩm công nghệ xanh, vì hàng hóa môi trường chỉ chiếm tỷ trọng 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia.
Các chính sách đảm bảo cung ứng năng lượng sạch và thúc đẩy xuất khẩu xanh nên tập trung tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư cho hạ tầng điện xanh, hạ thấp các biện pháp phi thuế quan cho hàng hóa môi trường và định giá carbon.
"Điều cần làm nữa là thận trọng giảm nhẹ tác động của chi phí năng lượng tăng lên đối với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, bao gồm thông qua hỗ trợ tài chính có mục tiêu nhằm đẩy nhanh áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thải carbon", nhóm chuyên gia kinh tế của WB kết luận.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.