Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia USAID: Không thể để y, bác sĩ kiệt quệ tinh thần

Ông Daniel Levitt nhấn mạnh lực lượng tuyến đầu chống dịch ở Việt Nam chịu nhiều tổn thương về sức khỏe tâm thần và cần được quan tâm.

cham soc suc khoe tam than cho nhan vien y te anh 1

"Phải ngăn chặn đội ngũ nhân viên y tế kiệt quệ về sức khỏe tâm thần", ông Daniel Levitt, Giám đốc Dự án Hoàn thành Mục tiêu và Duy trì Kiểm soát Dịch bệnh (EPIC) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), nói khi chia sẻ với Zing về mối quan tâm của ông đến tình trạng kiệt sức của đội ngũ y, bác sĩ chống dịch Covid-19 ở Việt Nam.

“Họ phải làm việc liên tục, gồm cả làm việc bình thường và làm việc ngoài giờ. Đôi khi họ phải ở lại nơi làm việc trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng mà không về nhà. Thậm chí, họ phải ngủ trên sàn nhà. Việc chứng kiến quá nhiều bệnh nhân nguy kịch hoặc qua đời cũng tạo gánh nặng tâm lý lên các y, bác sĩ”, ông nói.

"Không thể để bệnh nhân tiếp xúc với bác sĩ luôn mệt mỏi"

Ông Levitt cho biết các vấn đề sức khỏe tâm thần mà lực lượng tuyến đầu thường gặp phải bao gồm căng thẳng, lo âu trong thời gian dài, rối loạn tâm thần. Nặng hơn, họ có thể cần đến thuốc hoặc các buổi tư vấn phức tạp hơn để điều trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chính bản thân y, bác sĩ, mà còn ảnh hưởng đến bệnh nhân họ điều trị.

Trước tình trạng đó, ông Levitt và PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội (Đại học Y dược TP.HCM), cho biết họ đang phối hợp để thực hiện một loạt can thiệp về sức khỏe tâm thần cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, bao gồm giáo dục về dấu hiệu và triệu chứng, cùng cách giải quyết chúng.

Một số hội thảo, buổi tư vấn cá nhân và nhóm, cùng một đường dây nóng đã thiết lập dành riêng cho nhân viên y tế để họ có thể chia sẻ về các vấn đề của mình và hiểu rõ hơn cách chăm sóc bản thân.

“Cho đến nay chúng tôi đã nhận 100% phản hồi tích cực về các buổi tư vấn trực tiếp đó”, ông Levitt cho biết.

cham soc suc khoe tam than cho nhan vien y te anh 2

Ông Daniel Levitt (thứ 2, từ trái sang) thảo luận cùng các chuyên gia về nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế tham gia phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: USAID Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đây là một trong những chương trình đầu tiên chăm sóc sức khỏe tâm thần dành riêng cho nhân viên y tế ở Việt Nam.

“Trong đợt dịch vừa qua, ngay cả người dân bình thường cũng đã chịu sức ép tinh thần rất lớn. Đối với nhân viên y tế, sức ép này có thể lớn hơn gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần. Vì vậy, những hoạt động như vậy là điều rất cần thiết, và có thể nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc này trong đợt dịch vừa qua”, ông nói với Zing.

Nhìn nhận trong bối cảnh số ca nhiễm ở phía Bắc có xu hướng tăng và phức tạp, ông Tuấn hy vọng có thực hiện các chương trình tương tự để đón đầu, chuẩn bị cho lực lượng y, bác sĩ nơi đây trạng thái tinh thần tốt nhất.

"Chúng ta không thể để bệnh nhân tiếp xúc với bác sĩ, nhân viên y tế mệt mỏi, mất ngủ, cau có, tinh thần không ổn định", ông Tuấn chia sẻ.

"Người làm y tế chưa nhận ra họ cần được chăm sóc"

Ông Daniel cho biết một trong những khó khăn lớn nhất đối với việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế ở Việt Nam là thiếu bác sĩ tâm thần, và lực lượng tuyến đầu gần như không có thời gian để tìm đến hỗ trợ vì phải làm việc liên tục với cường độ cao.

“Tôi ước tính có khoảng 650 bác sĩ tâm thần cho cả nước, một tỷ lệ rất hạn chế so với dân số. Điều này đồng nghĩa không có đủ nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần được đào tạo chuyên nghiệp để giải quyết các vấn đề cho người dân Việt Nam nói chung, và nhân viên y tế nói riêng", vị chuyên gia Mỹ nhận xét.

cham soc suc khoe tam than cho nhan vien y te anh 3

PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về các hoạt động hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế. Ảnh: USAID Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông thông tin thêm rằng “không dễ để thuyết phục mọi người dành thời gian chăm sóc sức khỏe tâm thần, tìm kiếm tư vấn hoặc hỗ trợ”.

Một khó khăn lớn khác là nhân viên y tế thực tế vẫn chưa nhận thức được chính bản thân họ đang cần hỗ trợ về sức khỏe tâm thần.

"Các y, bác sĩ có thói quen nghĩ cho bệnh nhân nhiều hơn, và họ dường như chưa nhận ra họ cũng cần chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ví dụ, nhiều y, bác sĩ mất ngủ, căng thẳng cao độ, hoặc hay quên, nhưng chỉ cố chịu đựng và tự vượt qua. Họ lầm tưởng rằng đó là vấn đề bình thường mà hầu hết ai cũng trải qua trong thời kỳ dịch bệnh hoành hành”, PGS.TS Tuấn nói.

Ông Levitt đồng ý, nhận định thêm rằng không chỉ nhân viên y tế, mà phần lớn người Việt Nam không nhận thức được, hoặc không muốn thừa nhận.

Ông nói: “Một số người lo sợ bị kỳ thị, thậm chí cảm thấy thất bại hoặc làm gia đình xáo trộn nếu thừa nhận mình gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần”.

Vì vậy, theo vị chuyên gia, để cổ vũ mọi người bước ra khỏi nỗi sợ hãi, một vấn đề cần được giải quyết là làm sao để xóa bỏ sự phân biệt đối xử hay kỳ thị, để họ có thể cởi mở về các vấn đề của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Ông cũng đề xuất quan chức chính phủ có thể xem xét về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần, để thực hiện hoặc tài trợ các chương trình hỗ trợ cho nhân viên y tế.

Ông đề nghị nên tích hợp giáo dục về sức khỏe tâm thần cho sinh viên y khoa, để không chỉ bác sĩ tâm thần, mà ngay cả bác sĩ lâm sàng cũng có thể tự chăm sóc bản thân tốt hơn.

Những chương trình đào tạo kiến thức về sức khỏe tâm thần cũng nên được thành lập cho các cấp quản lý để họ có thể giúp ngăn chặn nhân viên y tế mà họ giám sát rơi vào tình trạng kiệt quệ.

Hồng Ngọc

Bạn có thể quan tâm