Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia UOB: VND sẽ tiếp tục tăng giá

Chuyên gia kinh tế tại UOB cho rằng áp lực tỷ giá giảm đi giúp NHNN bớt áp lực và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu tại UOB. Ảnh: UOB.

Trong báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam mới đây, ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu UOB dẫn số liệu tăng trưởng GDP của Việt Nam nửa đầu năm nay tăng 6,4%chủ yếu nhờ vào các ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ.

Trong 2 quý đầu năm, Việt Nam tiếp tục gia tăng xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử và điện thoại di động. Chu kỳ bán dẫn phục hồi nhờ tiến bộ của AI và nhu cầu về thiết bị điện tử tăng.

Tỷ giá sẽ hạ nhiệt

Về triển vọng kinh tế trong cả năm của Việt Nam, ông Suan đánh giá vẫn sẽ tích cực. Tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 6% và có tiềm năng vượt con số này.

Lạm phát tại Việt Nam dự kiến ​​duy trì ở mức 4% cho đến cuối năm điều này có thể hạn chế khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất. Trọng tâm sẽ thiên về quản lý lạm phát và hỗ trợ đồng nội tệ (VND).

Theo vị chuyên gia, do tỷ giá đã giảm nên NHNN đã bớt áp lực về điều hành tỷ giá và có thể giữ nguyên lãi suất ở mức cao để giải quyết các lo ngại về lạm phát.

Tiền Đồng được dự báo tiếp tục tăng giá. Đồng nội tệ của Việt Nam đã bắt đầu tăng giá trở lại mức mạnh hơn là 25.000 đồng/USD. Trong tương lai gần, sức mạnh tiền VND dự kiến tăng giá dần dần về mức 24.100 đồng đổi 1 USD vào quý II/2025.

Ngoài ra, ông Suan cũng lưu ý thêm hiện thặng dư thương mại của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi xuất khẩu sang Mỹ. Tính trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam tạo ra 58 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ, tăng đáng kể so với mức 45 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng sang các khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ và các nước châu Á lân cận.

Điểm mạnh của Việt Nam nằm ở khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử và điện, nhưng có một rủi ro do quá phụ thuộc vào ngành này. Để giảm thiểu rủi ro, ông Suan khuyến nghị nên đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng các ngành truyền thống như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản và nông nghiệp.

Đáng chú ý, trong 7 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nông sản như rau quả của Việt Nam đã tăng 24% so với cùng kỳ năm trước trong khi sản phẩm gỗ tăng 23%. Chính phủ có thể hỗ trợ thêm cho các ngành này bằng cách đảm bảo đất đai sẵn có và đào tạo lao động phù hợp, giúp quản lý rủi ro và duy trì tăng trưởng đa dạng trên nhiều ngành khác nhau.

UOB anh 1

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nửa đầu năm nay. Ảnh: Nam Khánh.

Chuyên gia tại UOB đánh giá Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào thương mại đối ngoại, với độ mở thương mại chiếm 162% GDP, hiện là quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều thứ 3 trong ASEAN.

“Sự phụ thuộc này có nghĩa là Việt Nam được hưởng lợi đáng kể khi nhu cầu toàn cầu mạnh, nhưng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái toàn cầu, như đã thấy vào năm 2023. Để giảm thiểu rủi ro này, cần phải đa dạng hóa thị trường”, ông Suan nhận định.

Điểm đến của dòng vốn FDI

Cũng theo vị chuyên gia kinh tế của UOB, Đông Nam Á đang là điểm đến lớn thứ 2 của dòng vốn FDI trên toàn cầu, sau Mỹ. Năm ngoái, dòng vốn FDI đổ vào Đông Nam Á đã tăng 1,2%, mặc dù FDI toàn cầu giảm.

Singapore, Indonesia và Việt Nam là những nước tiếp nhận FDI hàng đầu trong khu vực, với các khoản đầu tư chủ yếu đến từ Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản. Các lĩnh vực chính tiếp nhận FDI bao gồm tài chính, bảo hiểm và sản xuất.

Rộng hơn nữa, kinh tế các nước ASEAN cũng sẽ hưởng lớn trong thời gian tới, khi Mỹ chuyển nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc sang các khu vực khác.

Năm 2016, khoảng 21% lượng hàng nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc, con số này đã giảm xuống còn 13% ở hiện tại, trong khi lượng hàng nhập khẩu từ ASEAN đã tăng từ 7% lên khoảng 11%.

Nhiều loại sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như hàng hóa sản xuất và máy móc, cho thấy xu hướng rõ ràng là Mỹ giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tăng nhập khẩu từ ASEAN.

Một động lực nữa là dòng chảy thương mại của Trung Quốc chuyển dịch khỏi Mỹ và châu Âu giúp ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vượt qua EU và Mỹ.

Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.

Bài liên quan

Giá vàng thế giới dự báo đạt 3.000 USD/ounce

Giá vàng thế giới dự báo đạt 3.000 USD/ounce

Chuyên gia kinh tế tại UOB kỳ vọng giá vàng thế giới sẽ tăng mạnh hơn nữa do bất ổn địa chính trị, nhu cầu từ các ngân hàng trung ương và kỳ vọng cắt giảm lãi suất từ Fed.

Hồng Nhung

Bạn có thể quan tâm