Nhận định trên được bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), đưa ra tại buổi tọa đàm Bạo hành trẻ em: Vấn nạn nóng cần chung tay xóa bỏ, tổ chức chiều 21/1.
Tại đây, các chuyên gia cũng đưa ra những lý giải về việc vì sao những vụ bạo hành trẻ em thường được phát hiện quá muộn, đồng thời đưa ra các khuyến nghị để nâng cao công tác bảo vệ trẻ em.
Vì sao người lớn không lên tiếng sớm hơn?
Lý giải nguyên nhân bố hoặc mẹ ruột của trẻ "dung túng" cho hành vi bạo hành con trong hai vụ việc gần đây, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, cho biết cha mẹ hoặc người thứ ba hoàn toàn không nắm được kiến thức về luật pháp rằng với tư cách là bố mẹ đẻ phải có trách nhiệm bảo vệ trẻ em, bạo hành trẻ em là phạm pháp.
Ngoài ra, nhiều người có thể sống trong mối quan hệ không cân bằng về quyền lực. Họ sợ người thứ ba sẽ bỏ đi, sợ mối quan hệ của mình sẽ bị ảnh hưởng nếu lên tiếng phản đối hành vi bạo hành. Cũng có thể, họ quá bận rộn với công việc mưu sinh của mình mà không chú ý đến những thay đổi của con, những tổn thương của con mà chỉ nghĩ đơn giản rằng trẻ con có thể nghịch ngã chứ không đặt ra nghi ngờ.
"Tôi cũng nghĩ rằng rất nhiều người thiếu kỹ năng thương thuyết với người thứ ba nên dẫn đến những câu chuyện đau lòng như vừa rồi", TS Hồng nói.
Thủ phạm hai vụ việc bạo hành trẻ em nghiêm trọng xảy ra gần đây là người tình của bố hoặc mẹ. Ảnh: Lê Trai, N.H. |
Ở góc độ khác, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, cho biết người lớn có thể e ngại khi phải đánh đổi với mối quan hệ khác hoặc lo sợ bị trả thù nên không dám lên tiếng, tố cáo.
Ngoài ra, một số người dù có nhận thức, chiến thắng được nỗi sợ hãi, nhưng họ không có niềm tin, không biết tố cáo ở đâu, vụ việc có được tiếp tục, họ có được bảo vệ hay không. Tuy nhiên, với quy định pháp lý, với dịch vụ như tổng đài 111 và trách nhiệm của cơ quan công an hiện nay, người dân cần có niềm tin rằng người tố cáo sẽ được bảo vệ, bảo mật thông tin.
"Tôi kêu gọi người dân lên tiếng từ những hành vi bạo lực đầu tiên, từ những tiếng kêu, tiếng khóc có thể nghi ngờ để chúng ta có trách nhiệm tố cáo lên cơ quan chức năng và gọi điện ngay lên cho 111", ông Nam nói.
Cục trưởng Cục Trẻ em cũng dẫn quy định của Luật Trẻ em, Nghị định 56 và gần đây là Nghị định 130 về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em, quy định hành vi xâm hại mà không tố cáo, không tố giác cũng bị trách nhiệm hành chính, xử phạt đối với hành vi này tối đa 15 triệu đồng.
Thiếu vắng nhân lực làm công tác bảo vệ trẻ em
Theo bà Lê Hồng Loan, Trưởng chương trình Bảo vệ trẻ em của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trong năm 2021, Việt Nam ghi nhận khoảng 2.000 trẻ em bị xâm hại nhưng đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Việt Nam vẫn thiếu hệ thống toàn diện để đánh giá chính xác mức độ xâm hại và bạo lực ở trẻ em. Những thông tin thu được từ nhiều nghiên cứu cho thấy con số thực tế có thể lớn hơn nhiều.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê và UNICEF trong năm 2021, tỷ lệ bạo lực còn rất phổ biến và có xu hướng gia tăng với 70,5% trẻ em trong độ tuổi 1-14 có báo cáo đã trải qua một số hình thức bạo lực tại gia đình do cha mẹ hoặc người chăm sóc gây ra.
Bà Loan nhận định cơ chế và hệ thống bảo vệ trẻ em Việt Nam đã được thiết lập nhưng chưa thực sự hoạt động có hiệu quả, nguồn nhân lực còn rất thiếu và hạn chế về chuyên môn. Hệ thống vẫn hoạt động chủ yếu dựa vào mạng lưới cộng tác viên, viên chức văn hóa xã hội cấp xã phường, chịu trách nhiệm nhiều lĩnh vực và đang bị quá tải.
"Công tác bảo vệ trẻ em cũng có sự tham gia của cán bộ công tác xã hội kiêm nhiệm, chưa có nhân viên chuyên nghiệp, chuyên trách về bảo vệ trẻ em và phụ nữ ở cấp xã phường. Đội ngũ, nguồn nhân lực, những người có kiến thức, kĩ năng, chuyên nghiệp để thông báo, can thiệp ứng phó vụ việc ở Việt Nam hiện tại còn rất hạn chế", chuyên gia của UNICEF nói.
Đồng thời, nguồn lực phân bổ cho công tác bảo vệ trẻ em Việt Nam trong thời gian qua đã tăng nhưng vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế của địa phương. Đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em chỉ chiếm 2% mức chi của Chính phủ cho an sinh xã hội vào năm 2020, thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
Số liệu về tỷ lệ trẻ em ở Việt Nam phải lao động sớm, bị hình phạt bạo lực trong gia đình và kết hôn sớm, theo nghiên cứu của chương trình Bảo vệ trẻ em thuộc Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: UNICEF. |
Về biện pháp để nâng cao chất lượng trong công tác bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở, ông Đặng Hoa Nam cho rằng cần phải có con người, nguồn lực nhằm duy trì hệ thống bảo vệ chuyên nghiệp, mạng lưới mở rộng để mọi lực lượng, người dân tham gia mạng lưới xoay xung quanh để phòng ngừa, can thiệp kịp thời, đặc biệt hành vi trong môi trường khép kín, gia đình.
Theo ông, đã đến lúc cần coi việc bảo vệ, trợ giúp trẻ em như một chỉ số về hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ số mức độ an sinh xã hội địa phương. Thời gian tới, khi các vụ tố cáo có thể tăng lên, cần chỉ báo về hiệu quả của các địa phương, ủy ban nhân dân các cấp trong việc hỗ trợ, can thiệp kịp thời đối với các vụ việc xâm hại trẻ nhỏ.
"Chúng tôi sẽ thiết kế để đưa chỉ số an sinh xã hội, bảo vệ trẻ em để kiến nghị đưa vào các chỉ số phát triển kinh tế xã hội của địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là làm thế nào để người đứng đầu chịu trách nhiệm về cơ chế chăm sóc, bảo vệ trẻ em", Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.