Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chỉ hô khẩu hiệu không bảo vệ được trẻ em khỏi bạo hành

"Không chỉ cần cơ chế riêng để bảo vệ trẻ em sống ở các gia đình phức tạp, mà phải cho mọi gia đình. Đừng chỉ bảo vệ bằng cách hô khẩu hiệu", bác sĩ Nguyễn Trọng An nói.

be 3 tuoi bi dinh ghim vao dau anh 1

Sau khi công an cung cấp lời khai ban đầu của nghi phạm trong vụ việc bé gái 3 tuổi nhập viện với 9 dị vật trong đầu, nhiều người phẫn nộ khi biết nghi phạm chính là người tình của mẹ bé gái. Vụ việc này gợi ngay đến vụ bé A. (8 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị người tình của bố bạo hành dẫn đến tử vong, vừa xảy ra vào cuối tháng 12/2021.

Nhiều người đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ trẻ em khi liên tiếp xảy ra nhiều sự việc bạo hành nghiêm trọng trong thời gian qua, cũng như cơ chế bảo vệ trẻ có bố mẹ ly hôn, sống cùng người tình của bố hoặc mẹ.

Hành vi kinh khủng và tàn bạo

Trao đổi với Zing, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chia sẻ ông "cảm thấy ghê rợn khi nghe thông tin về vụ việc". Trong suốt thời gian làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, ông rất ít khi phải chứng kiến một vụ việc quá kinh khủng và tàn bạo như những gì bé gái vừa phải trải qua.

be 3 tuoi bi dinh ghim vao dau anh 2

Nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Trọng An. Ảnh: NVCC.

Nhận định thời gian qua, nhiều vụ việc bạo hành trẻ em liên tiếp xảy ra với thủ phạm là người tình của bố hoặc mẹ các bé, ông An cho rằng không chỉ những trường hợp trẻ em phải sống trong hoàn cảnh trên mới có nguy cơ bị bạo hành.

"Trong bất kể môi trường nào, trường hợp nào, nếu cha mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, người lớn không có tình người, kém hiểu biết pháp luật, trẻ cũng sẽ có nguy cơ bị xâm hại, bạo hành", ông An nói.

Chuyên gia cho rằng ở đâu cơ quan công quyền được giao nhiệm vụ bảo vệ trẻ em nhưng vô trách nhiệm, người thi hành pháp luật thiếu đạo đức công vụ… thì nơi đó, gia đình đó, địa bàn đó, trẻ em sẽ không được an toàn. Kể cả trong gia đình có đủ bố mẹ hay cơ sở có biểu hiệu là “nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục” trẻ em.

Do vậy, không chỉ cần có cơ chế riêng để bảo vệ trẻ em trong trường hợp bé phải sống trong môi trường gia đình phức tạp, mà cần phải có cơ chế chung cho mọi gia đình và toàn xã hội để việc này thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Cần bổ sung chế tài bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt

Cho rằng cơ chế bảo vệ trẻ em đang hoạt động kém hiệu quả, nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em đưa ra dẫn chứng hàng năm, hơn 5.000 trẻ em bị bạo hành, xâm hại và nhiều em đã bị cướp đi mạng sống.

Theo ông, về tổng thể, chúng ta đã có đầy đủ từ quy định của Hiến pháp 2013 có riêng một điều về quyền trẻ em và trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội; đủ văn bản luật pháp, đầy đủ cơ quan, bộ ngành, có nhiều ban bệ được giao nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em từ Trung ương đến tận cơ sở và cả một đường dây điện thoại quốc gia…

Dù vậy, các cơ chế hoạt động vẫn chưa thực tế và kém hiệu quả.

Chuyên gia nhận định mấu chốt vấn đề nằm ở khâu đầu tư vào giáo dục, trong đó giáo dục gia đình là quan trọng nhất. Từ nhiều năm nay, xã hội đã xem nhẹ vấn đề giáo dục gia đình, hỗ trợ các bậc cha mẹ kỹ năng và kiến thức chăm sóc con em mình nói riêng, bảo vệ trẻ nói chung.

"Đồng thời, sau 2 năm dịch bệnh, phong tỏa và giãn cách xã hội, nhiều gia đình đang mất việc làm hoặc đang phải đối mặt với nghèo đói, dịch bệnh, phải bươn chải để kiếm sống. Do đó, việc nghe để tiếp nhận thông tin truyền thông đã bị hạn chế dẫn đến việc thiếu hụt về kỹ năng, kiến thức bảo vệ trẻ em", ông An nhận định.

Tiếp đến, hệ thống giáo dục nhà trường cần được cải thiện một cách thực tế và chất lượng hơn; trang bị cho học sinh kỹ năng sống cần thiết, giảm thiểu chạy theo điểm số, thành tích. Bên cạnh đó là việc tăng cường giáo dục xã hội, siết chặt quản lý Nhà nước về kiểm soát chất gây nghiện, rượu bia và văn hóa phẩm phim ảnh, bạo lực tình dục.

Cần sớm bổ sung một số chế tài về bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh và khả năng răn đe của hệ thống tư pháp

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em

Từ những điều trên, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng rất cần thiết phải sớm có một mạng lưới đội ngũ cán bộ công tác xã hội tại cộng đồng làm nhiệm vụ tư vấn, phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn sớm các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Đồng thời, cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát, sớm kiện toàn hệ thống tư pháp cho phù hợp với trẻ em. Theo chuyên gia, hệ thống "Tư pháp người chưa thành niên”, “Tòa án thân thiện với trẻ em” chưa được kiện toàn, trong khi chúng ta thiếu vắng cơ chế giám sát độc lập việc thực thi quyền trẻ em để đảm bảo sự khách quan, minh bạch như Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em (CRC) đã quy định.

"Tôi cho rằng cần sớm bổ sung một số chế tài về bảo vệ trẻ em trong hoàn cảnh đặc biệt, giám sát việc thực thi pháp luật, đảm bảo sự nghiêm minh và khả năng răn đe của hệ thống tư pháp", chuyên gia lên tiếng.

Nói về giải pháp trong thời gian tới, nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em cho biết cần phải làm tốt khâu phòng ngừa.

Việc này đã được quy định tại điều 47, 48 của Luật Trẻ em 2016 nhưng thực tế, đã 5 năm, chúng ta vẫn chưa thực hiện được tốt. Hầu hết vụ việc khi phát hiện được thì em bé đã bị xâm hại, tử vong. Lúc đó, dù cho có nói lời thương cảm, đến thăm viếng thì cũng không thể cứu vãn được nữa.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 có quy định 17 cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ. Tuy nhiên, ông An cho rằng ngay tại các cơ quan được giao nhiệm vụ còn thiếu vắng người có kỹ năng làm việc với trẻ, có đạo đức công vụ và có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

"Do vậy, theo tôi, cần sớm điều chỉnh cơ chế thực hiện cho phù hợp và hiệu quả hơn. Chúng ta cần phải hành động ngay để giảm thiểu sự cồng kềnh của bộ máy kém hiệu quả, đừng nên vẽ ra nhiều hội, đoàn, ban bệ và hô khẩu hiệu nhiều mà không hành động thực tiễn", bác sĩ Nguyễn Trọng An nói.

Ngày 20/1, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên (30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) về tội Giết người.

Theo nhà chức trách, Huyên là nghi phạm chính trong vụ bé gái Đ.N.A. (3 tuổi) bị bạo hành. Ngoài ra, cảnh sát tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị Luyến (27 tuổi, mẹ của A. và là người tình của Huyên) trong vụ án.

Tại trụ sở công an, Huyên khai từng nhiều lần hành hạ bé A. kể từ khi bé gái đến ở cùng. Gần đây nhất, sáng 17/1, Huyên ở nhà trọ với cháu A. và tiếp tục hành hung con gái riêng của người tình.

Bị can bị điều tra về việc đóng đinh vào đầu bé A. sau khi Bệnh viện Thạch Thất tiếp nhận cấp cứu nạn nhân trong tình trạng hôn mê, co giật toàn thân. Hôm 17/1, khi thăm khám, bác sĩ phát hiện cánh tay phải của bé bị bó bột và bị viêm màng não nên chuyển đến Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu.

Tại bệnh viện tuyến trên, bé gái được xác định có 9 dị vật trong hộp sọ, hình dạng giống đinh ghim. Bé đang được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện nhưng bác sĩ nhận định tình trạng sức khỏe của bé "khó nói trước".

Tình tiết tăng nặng đối với kẻ đóng đinh vào đầu bé gái 3 tuổi

Luật sư cho rằng bị can Huyên có thể bị xem xét nhiều tình tiết định khung tăng nặng về tội giết người như phạm tội với trẻ em, hành vi có tính chất man rợ.

Gia đình 2 bên nói về vụ bé gái 3 tuổi bị đóng đinh vào đầu

Ông Nguyễn Trung Hưng nói không dám tin con trai mình bạo hành bé gái. Mẹ của Luyến cho rằng gia đình không hề biết mối quan hệ của con gái với bị can.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm