Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: Trừng phạt Triều Tiên chỉ làm tăng các vụ phóng tên lửa

Giới phân tích nhận định Triều Tiên sẽ gia tăng tần suất các vụ phóng tên lửa để chứng minh họ không lép vế trước các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế.

Triều Tiên công bố video phóng tên lửa qua Nhật Bản Hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên vừa công bố video vụ phóng tên lửa đạn đạo của nước này vào sáng 29/8. Đây là vụ phóng tên lửa thứ 20 của Bình Nhưỡng trong năm 2017.

Ngày 29/8, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tên lửa vượt qua đảo Hokkaido và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1998, Bình Nhưỡng phóng tên lửa bay qua Nhật Bản, SCMP cho biết.

Lần bắn tên lửa ngày 29/8 là lần phóng tên lửa đạn đạo thứ 13 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm, lần thứ 7 kể từ khi chính quyền Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức. Năm 2017 ghi nhận sự gia tăng tần suất cũng như tính chất phức tạp trong các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, bất chấp các biện pháp trừng phạt gia tăng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Phóng tên lửa đối phó trừng phạt

Nhà phân tích Phar Kim Beng, Đại học Waseda, Nhật Bản nhận xét rằng nhiều nước xem Triều Tiên là một quốc gia nhỏ và yếu nên tìm cách làm cho nước này yếu hơn bằng các biện pháp trừng phạt, từ đó áp đặt điều kiện với Bình Nhưỡng trên bàn đàm phán.

Bình Nhưỡng nhận ra điều này và họ sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi có trong tay vũ khí có thể tấn công nước Mỹ để mặc cả với Washington. Đó là một bài toán khó đối với Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un hiểu rằng nếu không có năng lực tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) thì rất khó tác động vào quyết định của Washington.

Bình Nhưỡng vẫn chưa đạt được khả năng tấn công bằng ICBM. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, California, Bình Nhưỡng đã tiến hành 2 vụ phóng thử ICBM nhưng vẫn quá ít để làm chủ công nghệ tấn công xuyên lục địa.

Trieu Tien phong ten lua qua Nhat Ban anh 1
Tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 trong một lần phóng thử. Ảnh: KCNA.

Trong 16 lần phóng thử tên lửa đạn đạo khác của Bình Nhưỡng trong năm 2017, sự đột phá lớn về công nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Năng lực tên lửa của Triều Tiên đã được cải thiện nhưng khả năng đe dọa Mỹ vẫn còn rất thấp.

Đặc biệt, công nghệ tái nhập khí quyển của đầu đạn rất phức tạp và chưa có bằng chứng cho thấy các nhà khoa học Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ này. Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo Kim Jong Un tiến hành các vụ phóng tên lửa trong một năm còn nhiều hơn suốt nhiệm kỳ của cha mình trước đó.

Bình Nhưỡng hiểu rằng nếu không có năng lực ICBM, họ quá yếu để bước vào bàn đàm phán. Nhà phân tích Kim nhận định Bình Nhưỡng sẽ gia tăng tần suất các vụ phóng thử tên lửa cho đến khi họ làm chủ được công nghệ ICBM, có trong tay quân bài để mặc cả với Washington.

Ngoài ra, Triều Tiên đang thúc đẩy các biện pháp mang tính đe dọa nhiều hơn so với năng lực thực hiện của quân đội. Bình Nhưỡng liên tục đưa ra những lời đe dọa tấn công đảo Guam, đăng những đoạn clip mô phỏng tấn công nước Mỹ, thiêu đốt các nhà lãnh đạo ở Washington.

Bên cạnh đó, Triều Tiên gần như là quốc gia khép kín nên việc đánh giá năng lực quân sự thực tế của họ rất khó khăn. Do đó, Bình Nhưỡng càng bị bao vây trước các biện pháp cấm vận thì họ sẽ càng phóng tên lửa. Điều này sẽ là “một mũi tên trúng hai đích”, một mặt chứng minh rằng Triều Tiên không sụp đổ trước sức ép từ cộng đồng quốc tế, một mặt tiến gần tới việc làm chủ công nghệ ICBM.

Những bước tiến vững chắc

Các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cho thấy tuy chưa có sự đột phá lớn nhưng họ đang đạt được những bước tiến vững chắc trong việc làm chủ công nghệ tên lửa đạn đạo tầm xa.

Trieu Tien phong ten lua qua Nhat Ban anh 2
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Ảnh: KCNA.

Trong lần phóng thử đầu tiên của tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, tên lửa được phóng lên ở độ cao quỹ đạo kỷ lục, hơn 2.111 km và bay được quãng đường 787 km. Lần thử nghiệm mới nhất vào ngày 29/8 vừa qua, tên lửa Hwasong-12 đã được phóng đi ở quỹ đạo tiêu chuẩn nhưng giảm tầm bắn.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nếu tên lửa bay ở phạm vi tiêu chuẩn, tầm bắn có thể lên đến từ 4.500-5.000 km, có thể chạm tới vùng biển ngoài khơi bang Alaska.

Đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14, lần phóng thử đầu tiên vào ngày 4/7, tên lửa đạt độ cao quỹ đạo tới 2.802 km và bay được quãng đường 933 km.

Michael Elleman, chuyên gia về tên lửa thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết nếu phóng ở quỹ đạo tiêu chuẩn, tầm bắn của tên lửa có thể đạt tới 6.700 km, đủ khả năng tấn công bang Alaska.

Lần phóng thử thứ 2 diễn ra vào ngày 28/7, tên lửa đạt độ cao quỹ đạo tới 3.724 km và bay được quãng đường 998 km. Như vậy trong 2 lần phóng cách nhau hơn 20 ngày, tên lửa Hwasong-14 đều cho thấy sự cải thiện về tầm bắn.

Thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, hay ICBM Hwasong-14 vẫn ở mức phỏng đoán nhưng điều đó làm tăng sự tự tin của Triều Tiên trong các lần phóng thử tiếp theo, gây khó khăn cho Washington trong các giải pháp đối với Bình Nhưỡng.

Tên lửa Triều Tiên vỡ thành 3 mảnh trước khi rơi xuống biển Tên lửa được phóng vào sáng 29/8 của Triều Tiên vỡ thành ba mảnh trước khi rơi xuống vùng biển phía bắc của Thái Bình Dương.

Triều Tiên vô tình tiết lộ thông tin về tên lửa đạn đạo mới

Truyền thông Triều Tiên vừa công bố hình ảnh nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đứng cạnh bức tranh mô tả về một loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn mới.


Trung Hiếu

Bạn có thể quan tâm