“Đức có hệ thống quản lý thuế hoạt động tốt, cũng như có đội ngũ thanh tra thuế để đảm bảo mọi đối tượng đóng thuế - cá nhân cũng như doanh nghiệp - nộp thuế đúng mức theo thu nhập của mình”, giáo sư Christoph Spengel, chuyên gia về thuế tại Đại học Mannheim (Đức), chia sẻ với Zing.
Giáo sư Christoph Spengel. Ảnh: Đại học Mannheim. |
Dù vậy, điều này không có nghĩa nước Đức “miễn nhiễm” trước các vụ việc gian lận thuế.
Trên thực tế, nhiều vụ bê bối lớn vẫn bị phanh phui, ảnh hưởng tới cả các chính trị gia cấp cao tại Berlin.
Bên cạnh đó, ngân sách nước Đức cũng được cho là đã mất nhiều tỷ USD vì hành vi này.
“Các quốc gia đều dễ tổn thương trước hành vi gian lận thuế”, giáo sư Spengel nhận định.
Đôi lúc vẫn có bê bối
Trên thế giới, người Đức nổi danh là dân tộc tuân thủ luật lệ và quy tắc. Dù vậy, điều này chưa hẳn đã đúng trong vấn đề thuế, một bài viết trên New York Times từng nhận định.
“Tôi không nghĩ Đức là quốc gia hình mẫu trong ngăn ngừa trốn thuế”, giáo sư Johannes Rincke tại Đại học Erlangen-Nuremberg (Đức), chia sẻ với Zing. “Người Đức dường như không hành xử gương mẫu hơn người dân các nước khác”.
Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016, giáo sư Rincke và cộng sự chỉ ra ngay cả trong số những người Đức có liên hệ với một trong những nhà thờ Cơ Đốc giáo hàng đầu, tỷ lệ không đóng thuế nếu không bị ép buộc lên tới 80%.
“Do đó, điểm mấu chốt là hệ thống thực thi tốt. Cách thức quan trọng nhất là việc báo cáo trên diện rộng mọi loại thu nhập cho cơ quan thuế”, giáo sư Rincke nói. “Nước Đức đã làm tốt việc này, nhưng không tốt hơn các quốc gia khác có cùng mức tổng sản phẩm quốc nội (GDP) theo đầu người”.
Giáo sư Johannes Rincke. Ảnh: Đại học Erlangen-Nuremberg. |
Bản thân Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bị vướng vào rắc rối liên quan đến thuế, cụ thể là bê bối “cum-ex” - vụ gian lận thuế khổng lồ liên quan tới thuế cổ tức khiến nước Đức thiệt hại hàng tỷ USD.
Ông Scholz bị cáo buộc đã giúp một ngân hàng tránh phải trả hàng triệu USD tiền thuế khi còn là thị trưởng Hamburg. Vị thủ tướng Đức bác bỏ thông tin này.
Bên cạnh đó, hệ thống thuế ở Đức vẫn tồn tại những “lỗ hổng”. Hôm 25/8, một người phụ nữ 49 tuổi phải ra tòa ở thành phố Cottbus (Đức) với cáo buộc giữ lại khoảng 1,2 triệu USD tiền thuế, DW đưa tin.
Theo cơ quan thuế, đây là khoản tiền bà lẽ ra phải trả với lợi nhuận thu được từ hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở các nhà hàng hay trạm dừng cao tốc.
Vụ án này đã buộc cơ quan điều tra mất tới 15 năm để đưa ra tòa án. Nhiều nhà vệ sinh trong hệ thống trên không thu mức phí cố định, mà người dùng sẽ trả tiền “tùy tâm”. Do đó, việc đánh giá lợi nhuận của người đóng thuế là điều đặc biệt khó khăn.
Các hướng cải thiện
Hệ thống quản lý thuế tại Đức được chia thành các cơ quan cấp liên bang và cấp bang.
Được tách ra từ Bộ Tài chính Đức từ năm 2006, Văn phòng Thuế Trung ương Đức (BZSt) là cơ quan quản lý thuế cấp liên bang. Họ cũng có nhiệm vụ cấp mã số thuế cá nhân cho người dân.
Berlin đã xây dựng hệ thống pháp luật về thuế tương đối hoàn chỉnh với Luật Thuế (Abgabenordnung, AO) là bộ luật mang tính cơ bản. Ngoài ra, nước này còn có các luật riêng về thuế thu nhập, thuế doanh nghiệp, thuế thương mại hay thuế giá trị gia tăng (VAT).
Bên cạnh đó, gần như mọi bang của Đức đều có ít nhất một tòa án tài chính để xét xử các tranh chấp về thuế. Các vụ án phúc thẩm sẽ được xét xử tại Tòa án Tài chính Liên bang ở Munich.
Trụ sở Tòa án Tài chính Liên bang Đức. Ảnh: DPA |
Theo giáo sư Rincke, để một hệ thống thuế có thể được thực thi tốt, yếu tố then chốt là các báo cáo từ bên thứ ba. “Qua đó, hầu hết nguồn thu nhập sẽ không thể bị che giấu khỏi cơ quan thuế, khiến động lực báo cáo thiếu giảm đáng kể”, ông nói.
Bên cạnh đó, giáo sư Rincke chỉ ra nước Đức có thể cải thiện năng lực thu thuế từ các công ty đa quốc gia. Dù vậy, lĩnh vực này cũng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức.
“Những doanh nghiệp này có khả năng che giấu lợi nhuận bằng cách dịch chuyển sang các nước có mức thuế thấp”, ông nói. “Chúng tôi vẫn chưa có giải pháp tốt cho vấn đề này vì còn phải phụ thuộc nhiều vào hợp tác quốc tế”.
Trong khi đó, giáo sư Spengel chỉ ra gian lận thuế VAT là nguyên nhân gây thiệt hại về thuế lớn nhất tại Đức. Do đó, chống gian lận thuế không phải là vấn đề của riêng nước Đức, mà là vấn đề của cả Liên minh châu Âu (EU), vốn có nhiều quy định chung về sắc thuế này.
“Họ nên tăng cường nguồn lực và áp dụng thêm công nghệ kỹ thuật số, cũng như sửa đổi luật ở những điểm dễ có lỗ hổng”, ông nói.