Trong buổi gặp mặt ở thành phố Côn Minh, miền nam Trung Quốc, vào tháng 10, các đại biểu từ gần 200 quốc gia thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Đa dạng sinh học sẽ được yêu cầu bỏ phiếu đề xuất nâng tỷ lệ khu bảo tồn đất và đại dương từ 17% hiện nay lên 30%.
"Tuy nhiên, ngay cả khi được thông qua, mục tiêu này vẫn sẽ gặp thách thức trong việc triển khai và thực thi", chuyên gia John Gruetzner - thuộc Phòng thí nghiệm E-Ranger (có trụ sở tại Canada), thành viên Viện Vấn đề Toàn cầu Canada - viết trên Nikkei Asian Review.
Ông Gruetzner cho rằng rất khó ngăn chặn được sự sụt giảm động vật hoang dã ở các khu bảo tồn và vườn quốc gia do việc buôn bán động vật hoang dã hợp pháp và bất hợp pháp.
Cấm hoạt động buôn bán động thực vật qua biên giới có thể giảm nguy cơ lây bệnh và bảo vệ đa dạng sinh học. Ảnh: Reuters. |
Cấm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới
"Cần phải hành động mạnh mẽ hơn", ông nhấn mạnh. Trong thời kỳ đại dịch, đã đến lúc cấm mọi hoạt động buôn bán động thực vật qua biên giới để giảm nguy cơ lây bệnh và bảo vệ đa dạng sinh học.
Tài nguyên thiên nhiên có giá trị kinh tế, văn hóa và tinh thần. Việc thực hiện lệnh cấm khi thế giới phục hồi từ đại dịch sẽ là một động thái kịp thời, nếu không muốn nói là cấp thiết, để giảm thiểu khả năng xảy ra một đại dịch khác.
Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã có liên quan trực tiếp đến lây lan virus chết người giữa con người.
Một báo cáo mới đây về đa dạng sinh học của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng "nhân loại đang đứng trước ngã ba đường" quyết định "di sản để lại cho các thế hệ tương lai", bởi "đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có và những áp lực thúc đẩy sự suy giảm này ngày càng gia tăng".
Cấm tất cả hình thức buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới là chốt chặn quan trọng để bảo vệ đa dạng sinh học, cho đến khi thế giới có thể hành động mạnh mẽ hơn đối với biến đổi khí hậu và khôi phục hệ sinh thái
Chuyên gia John Gruetzner
Cấm tất cả hình thức buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới, loại trừ đánh bắt cá, là chốt chặn quan trọng để bảo vệ đa dạng sinh học, cho đến khi thế giới có thể hành động mạnh mẽ hơn đối với biến đổi khí hậu và khôi phục hệ sinh thái.
Ngành công nghiệp buôn bán trái phép động vật hoang dã toàn cầu ước tính trị giá 23 tỷ USD mỗi năm. Phần lớn dòng tiền phi pháp này tạo điều kiện cho tội phạm có tổ chức, rửa tiền, tài trợ khủng bố, tham nhũng của chính phủ và những chuỗi hậu cần bất hợp pháp, thường hỗ trợ buôn bán ma túy trái phép.
Phòng thí nghiệm E-Ranger (có trụ sở tại Canada) đã kiểm tra vai trò của trí tuệ nhân tạo trong việc ngăn chặn hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã trên Internet.
Nghiên cứu chỉ ra lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã có thể giúp giảm bớt mức độ phức tạp và chi phí của chính phủ và xã hội trong việc ngăn chặn nạn săn trộm dẫn đến buôn bán trái phép.
Dĩ nhiên, lệnh cấm buôn bán động thực vật hoang dã trên toàn cầu sẽ làm tăng số lượng những loài có thể bị buôn lậu. Bởi các loài hiện được buôn bán hợp pháp sẽ chuyển sang những kênh ngầm.
Tuy nhiên, lệnh cấm sẽ giúp cảnh sát, hải quan, hãng hàng không và các công ty vận chuyển xác định và ngăn chặn nạn buôn bán bằng cách giảm cơ sở kiến thức cần thiết để theo dõi các loài.
Hành động mạnh tay
Hiện nay, việc kiểm soát buôn bán động vật hoang dã toàn cầu đòi hỏi phải được đào tạo, có trình độ chuyên môn để hiểu danh sách những loài được lưu giữ bởi Công ước về Buôn bán quốc tế Các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.
Do sự phức tạp của việc thêm một loài vào danh sách CITES, chưa đến 5% loài động thực vật quý hiếm đủ tiêu chuẩn đưa vào danh sách hạn chế buôn bán. Điều này làm hạn chế khả năng kiểm soát việc buôn bán những động vật được coi là khan hiếm.
Với các hình phạt kinh tế và cáo buộc hình sự, lệnh cấm toàn cầu có thể khuyến khích 196 quốc gia ký kết Công ước CITES tuân thủ một cách nghiêm túc hơn. Nó cũng sẽ tạo áp lực lên nhu cầu và dẫn đến những chính sách trong nước tốt hơn, nhằm bảo vệ các loài ở biên giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Tại Trung Quốc, lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã xuyên biên giới sẽ phù hợp với động thái cấm buôn bán động vật hoang dã trong nước của chính quyền Bắc Kinh sau khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán hồi cuối năm 2019.
Đông Nam Á chiếm đến 25% hoạt động buôn bán động vật hoang dã toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Đông Nam Á ước tính chiếm đến 25% hoạt động buôn bán động vật hoang dã toàn cầu, theo báo cáo "Buôn bán Bất hợp pháp Động vật hoang dã ở Đông Nam Á" của Tổng cục Quản lý Công của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế).
"Chúng ta cần một cam kết rõ ràng và chịu ràng buộc về mặt pháp lý, hơn là một hiệp ước phức tạp", chuyên gia Gruetzner nhận định.
"Những bức hình đầy ám ảnh của xác voi không ngà, tê giác không sừng và nhiều loài động vật hoang dã khác bị bọn săn trộm giết hại là hậu quả của hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép", ông Gruetzner nhấn mạnh.
"Sự tàn sát và tội ác phải được chấm dứt ngây bây giờ. Và trong kỷ nguyên đại dịch, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để ngăn chặn loại virus chết người tiếp theo", ông nói thêm.