Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp TP.HCM – Mỹ tổ chức sáng 25/8, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp quốc tế đều đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam sau những kết quả trong việc kiểm soát dịch Covid-19.
Ông Kim Huat Ooi, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Intel Products Việt Nam, cho biết nhờ dịch bệnh được kiềm chế, hoạt động vận hành của tập đoàn tại Việt Nam vẫn ổn định và tăng trưởng.
Lợi thế thu hút nhà đầu tư
“TP.HCM là nơi rất sáng tạo và cởi mở các công nghệ mới. Ở đây có nhiều nhân viên trẻ, tài năng. Hạ tầng cơ sở cũng rất tốt. Khu công nghệ cao từ một mảnh đất trống giờ có thể cung cấp nhiều dịch vụ”, ông Kim Huat Ooi khẳng định việc xây dựng được nhà máy lắp ráp, kiểm định lớn nhất của Intel tại TP.HCM chính là minh chứng cho thành công khi đầu tư vào Việt Nam.
Ông Kim chia sẻ Intel đang sẵn sàng mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam. Khi đó, tổng giá trị xuất khẩu của nhà máy Intel Việt Nam dự kiến tăng so với mức 36 tỷ USD hiện tại.
Lãnh đạo First Solar, doanh nghiệp đang sở hữu nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời với quy mô đầu tư hơn 1 tỷ USD tại huyện Củ Chi, cũng nhận định công ty hưởng lợi nhờ lực lượng lao động tay nghề cao người Việt, khả năng kết nối dễ dàng với các nhà cung cấp địa phương, môi trường đầu tư thân thiện.
Giám đốc điều hành Kheng Joo Ung nhấn mạnh thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 tại Việt Nam giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định.
Phát biểu trực tuyến từ Mỹ, ông Vinod Khosla, nhà sáng lập quỹ đầu tư Khosla, nhìn nhận Việt Nam có vị trí thuận lợi, nhiều nhân sự tài năng. Do đó, một công ty được tỷ phú Khosla đầu tư là Avero đã chọn Khu Công nghệ cao TP.HCM để xây dựng nhà máy.
Các diễn giả phát biểu trực tiếp tại diễn đàn sáng 25/8. Ảnh: Vũ Mạnh. |
Đề xuất tạo điều kiện cho chuyên gia nhập cảnh
Tại diễn đàn, ông Macro Breu, Giám đốc McKinsey Việt Nam gợi ý nhiều yếu tố Việt Nam có thể cải thiện để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn.
Ông Breu cho rằng Việt Nam đang làm rất tốt trong việc giữ chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, hiệu suất làm việc của người lao động chưa cao. Ông nhận định Việt Nam cần cải thiện 50% hiệu suất lao động nếu muốn thu hút đầu tư nước ngoài bền vững trong 5-10 năm tới để duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững.
Xây dựng mạng lưới nhà cung ứng địa phương ngày càng phát triển với tính kết nối chặt chẽ hơn, phù hợp với nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quốc tế là một yếu tố khác cần được quan tâm.
Ngoài ra, giám đốc McKinsey Việt Nam nhấn mạnh khi các doanh nghiệp đến Việt Nam đầu tư, các chuyên gia nước ngoài cũng đi cùng. Do đó, ông gợi ý Việt Nam nên đồng thời quan tâm việc nâng cao chất lượng sống, đặc biệt là các yếu tố giáo dục, y tế, môi trường để giữ chân các chuyên gia quốc tế và gia đình họ lâu dài.
Liên quan đến các chuyên gia quốc tế, ông Breu hy vọng các cơ quan chức năng có thể rút ngắn thời gian, tạo điều kiện cho chuyên gia ngoại sớm nhập cảnh vào Việt Nam làm việc.
“Có nhiều chuyên gia nước ngoài đang xếp hàng đợi vào Việt Nam làm việc. Tôi mong Chính phủ có cơ chế giúp các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam sớm hơn nữa mà vẫn đảm bảo việc cách ly”, ông Yee Chung Sek, Giám đốc bộ phận M&A - Công nghệ của Baker McKenzie Việt Nam đồng quan điểm.
Để thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư nước ngoài, ông Yee Chung Sek cho rằng ngoài nỗ lực tiếp tục cải thiện các chính sách, khung pháp lý về đầu tư, Việt Nam cần quan tâm phát triển cộng đồng nhà cung ứng trong nước vì không công ty lớn nào có thể thành công một mình.
TP.HCM chuẩn bị cơ hội cho nhà đầu tư
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đã chuẩn bị nhiều cơ hội cho nhà đầu tư. Bí thư Nhân dẫn chứng TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có năng suất lao động cao nhất, trung tâm phần mềm và khu công nghệ cao tốt nhất, chuẩn bị hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông và trung tâm tài chính quốc tế.
Ông khẳng định TP.HCM là cầu nối tốt trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. TP.HCM sẽ đồng hành, lắng nghe, làm việc cùng doanh nghiệp để nhà đầu tư thật sự hài lòng với chính sách, môi trường kinh doanh của TP.
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Nguyễn Anh Thi cho biết đang làm việc chặt chẽ với các nhà đầu tư để phát triển mạng lưới doanh nghiệp phụ trợ. Khu Công nghệ cao TP.HCM đang dự định quy hoạch gần 30 ha ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Ông Thi nhấn mạnh Khu công nghệ cao cam kết tiếp tục cải thiện để có thể tạo ra môi trường phù hợp với những công ty công nghệ lớn, sáng tạo nhất trên thế giới đến đầu tư.