Đến cuối tháng 8, dự kiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước ước đạt là 221.768 tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch (cùng kỳ năm 2019 đạt 41,4%). Đây là số liệu thống kê được Bộ Tài chính công bố trong Hội nghị giao ban trực tuyến với các ngành ngành, địa phương trên toàn quốc đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Đây là hội nghị giao ban trực tuyến thứ hai về đầu tư công của Chính phủ trong vòng hơn 1 tháng, thể hiện quyết tâm giải ngân hết số vốn 630.000 tỷ đồng trong năm nay để làm nguồn quan trọng cho tăng trưởng, giải quyết việc làm.
Các chuyên gia kinh tế đều nhấn mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 quay trở lại, vai trò của việc hoàn thành mục tiêu giải ngân đầu tư công càng cấp thiết hơn với nền kinh tế.
Không vin cớ để chậm trễ
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM Trần Quang Thắng cho rằng khi dịch bệnh tái bùng phát, có những trở ngại nhất định và càng đòi hỏi các cơ quan điều hành có những giải pháp linh hoạt, khéo léo, sáng tạo hơn để về đích trong việc giải ngân đầu tư công.
Ông Thắng nhấn mạnh khi vai trò của đầu tư công giờ đây càng quan trọng hơn, không thể lấy cớ do dịch bệnh nên chậm trễ giải ngân. Ông nhấn mạnh với những cá nhân lấy cớ, chây ì, cần xem xét sẵn sàng điều chuyển công tác cán bộ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Giải pháp Thị trường cho các vấn đề Kinh tế - Xã hội (Massei), cũng khẳng định bối cảnh dịch bệnh trở lại càng khiến việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công năm 2020 và đầu 2021 quan trọng hơn để đảm bảo nền kinh tế phát triển hay ít nhất không quá sụt giảm khi Covid-19 khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp.
“Dịch quay lại tạo ra áp lực lên các cơ quan Chính phủ phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Dịch bệnh càng diễn biến phức tạp, nhu cầu giải ngân càng quan trọng. Hoạt động đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng của người dân khó kiểm soát hoàn toàn trong khi đầu tư công hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Chính phủ”, ông Minh nói.
Một số địa phương, cơ quan có tỷ lệ giải ngân cao sau 8 tháng | |||||||
Nhãn | Liên minh Hợp tác xã | Ngân hàng Chính sách Xã hội | Hưng Yên | Nghệ An | Ninh Bình | Bộ Nội vụ | |
tỷ lệ giải ngân | % | 100 | 99.5 | 91 | 75 | 73 | 62.9 |
Theo chuyên gia này, mục tiêu giải ngân hết 100% vốn đầu tư công năm nay không phải không khả thi khi bài toán nằm hoàn toàn trong tay của Chính phủ. Khi một vấn đề trong quyền kiểm soát, Chính phủ hoàn toàn có thể làm được. Vấn đề chủ yếu nằm ở cơ chế.
Ông Minh lấy ví dụ nhiều quy định hiện tại còn chồng chéo “như chiếc bẫy” đối với các cơ quan chuyên trách chịu trách nhiệm, tham mưu giải ngân vốn đầu tư công. Chuyên gia của Massei đánh giá Chính phủ thời gian qua cũng đã nhìn ra vấn đề này, tìm cách gỡ vướng.
Tuy nhiên, nếu gỡ vướng theo hướng từng vụ việc cụ thể, sẽ khó đẩy nhanh quá trình. Theo ông, đây cũng là dịp để Chính phủ tiếp tục rà soát lại hệ thống quy định, những rào cản trong cái việc triển khai các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước để thay đổi cơ chế pháp lý theo hướng thuận lợi, rõ ràng hơn nữa.
Cân đối giữa tốc độ và chất lượng
Thận trọng hơn, ông Thắng đánh giá trong điều kiện bình thường, việc thực thi các giải pháp quyết liệt có thể đảm bảo hoàn thành 100% việc giải ngân. Nhưng trước sự ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, mục tiêu này trở nên khó khăn hơn.
Ông lấy ví dụ dự án trọng điểm tại TP.HCM là tuyến đường sắt đô thị metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên do dịch bệnh nên gặp một số trở ngại như các chuyên gia nước ngoài chưa thể sang Việt Nam, nếu nhập cảnh phải cách ly khiến tiến độ bị ảnh hưởng.
Công nhân thi công nhà ga Ba Son của metro Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Chí Hùng. |
Dù vậy, ông Thắng đánh giá TP.HCM đang có nhiều giải pháp quyết liệt như quy trách nhiệm cho người đứng đầu, áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng theo Nghị quyết 27, duy trì thường xuyên họp giao ban, công tác giải ngân, đầu tư công 2 tuần/lần để hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% đến cuối năm.
Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM cho rằng để tiếp tục thúc đẩy tiến độ giải ngân, yêu cầu đặt ra là sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của chủ đầu tư, người chịu trách nhiệm, đơn vị thừa hành song song với tiến độ giải ngân.
Ông Thắng lưu ý nếu tốc độ giải ngân cao nhưng tính chuyên nghiệp không bảo đảm, trách nhiệm thực hiện không đến nơi đến chốn sẽ dẫn đến hậu quả trong tương lai về chất lượng công trình.Việc hoàn thành giải ngân xong về quy trình nhưng chất lượng một thời gian sau mới bộc lộ ra nếu không coi trọng vấn đề chất lượng đúng mức. Vì vậy, vị chuyên gia nhấn mạnh phải cân đối giữa tiến độ và chất lượng giải ngân vốn đầu tư công một cách quyết liệt.
Tại hội nghị ngày 21/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ phải giải ngân quyết liệt, kịp thời nhưng bảo đảm chất lượng, chống tham nhũng, tiêu cực, không thể để xảy ra tình trạng thanh toán khối lượng khống, làm xấu, làm ẩu, để có khối lượng mà bỏ qua trình trình kỹ thuật, gây hậu quả nghiêm trọng.