Ngày 28/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có văn bản số 3562/BNN-BVTV gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.
Việc làm trên để đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn (thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài 1 tháng - trong tháng 6).
Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT của 2 tỉnh để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại 2 tỉnh này theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo.
Theo quy định của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu.
Sang tuần chuyên gia Nhật Bản đến Việt Nam giám sát xuất khẩu vải thiều. Ảnh: Hoàng Đông. |
Bộ NN&PTNT hiện là cơ quan giải quyết hàng rào kỹ thuật để mở cửa cho trái vải thiều tươi của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Trong suốt 4 năm qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với MAFF để làm thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật.
Đến ngày 15/12/2019, MAFF đã đồng ý với Bộ NN&PTNT điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.
Theo quy định, trước khi xuất khẩu cần kiểm tra để đăng ký cho các cơ sở khử trùng đủ điều kiện thực hiện công tác khử trùng vải xuất khẩu. Đối với hoạt động này, vào tháng 3, MAFF đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT, kiểm tra kỹ thuật và đăng ký cho 3 cơ sở xử lý.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra và gửi báo cáo cho MAFF vào tháng 4. Hai cơ quan kỹ thuật của 2 Bộ liên tục trao đổi, giải đáp các vấn đề về kỹ thuật khử trùng, kiểm dịch thực vật.
Mới đây, Bộ Công an đã chấp thuận cho hơn 300 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nhưng phải thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định.
Ông La Văn Nam, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết hiện nay địa phương đã chuẩn bị 5 khách sạn, nhà nghỉ để đón các thương nhân Trung Quốc đến mua vải cách ly phòng dịch Covid-19.
Năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019. Trong đó, vải sớm thu hoạch từ 20/5 đến 5/6 đạt 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ thu hoạch từ 10/6 đạt trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Bắc Giang là 15.000 ha, sản lượng ước đạt 110.000 tấn. Vải chứng nhận GlobalGAP với 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn sẽ phục vụ các thị trường cao cấp.
Tính đến ngày 29/5, toàn huyện đã thu hoạch, tiêu thụ được 415 tấn vải chín sớm, tập trung tại các xã: Phượng Sơn, Tân Mộc, Giáp Sơn, Phì Điền...
Dự kiến, sản lượng vải thiều của Bắc Giang năm nay ước đạt khoảng 160.000 tấn, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; thời gian thu hoạch từ ngày 20/5 đến 10/7.
Ngoài thị trường Trung Quốc, tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục chiến lược xuất khẩu vải thiều vào các thị trường lớn như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Thái Lan, Singapore...
Trong khi đó, số liệu của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà, Hải Dương, ghi nhận toàn huyện có khoảng 3.500 ha vải thiều. Trong đó, vải sớm có 1.700 ha, còn lại là vải chính vụ.
Vải thiều Thanh Hà thu hoạch từ đầu tháng 5 đến tháng 7, vải chính vụ sẽ cho thu hoạch từ tháng 6. Sản lượng vải cả vụ ước tính đạt khoảng 30.000 tấn.