Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu: 'Khó định giá ngân hàng chưa niêm yết'
Có kinh nghiệm 32 năm làm ngân hàng ở Mỹ, ông Hiếu cho rằng, định giá ngân hàng chưa niêm yết khi mua bán, sáp nhập tại Việt Nam là khó vì chính sách báo cáo kết quả kinh doanh chưa liên tục.
- Tại Mỹ và các nước khác, vấn đề mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng không còn là chuyện lạ. Nhưng tại Việt Nam, điều này là mới. Có sự khác biệt nào không giữa M&A trong nước và nước ngoài, thưa ông?
- Tôi cho rằng, sáp nhập là một tiến trình phức tạp. Nguyên nhân là, tài sản của ngân hàng có những loại là tài sản hữu hình, có loại là vô hình. Chẳng hạn như hữu hình thì có tiền gửi, tiền để trong két, cho vay, trái phiếu chính phủ… nói chung là các công cụ nhãn tiền mà ngân hàng có thể nhìn thấy, sờ thấy, ngửi thấy. Còn những tài sản vô hình, đó là thương hiệu và uy tín thị trường của ngân hàng và là những tài sản khó định giá.
Tại Mỹ, việc định giá một ngân hàng dễ hơn Việt Nam rất nhiều vì các ngân hàng, công ty này công bố báo cáo tài chính định kỳ và do đó giúp người quan tâm có cơ sở định giá các doanh nghiệp. Trong khi Việt Nam chỉ dễ định giá trị các ngân hàng, công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán, đã cổ phần hóa. Còn các ngân hàng và công ty không niêm yết khó có báo cáo tài chính của họ để dùng cho việc định giá.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, định giá ngân hàng tại Việt Nam khó hơn Mỹ vì báo cáo tài chính của các ngân hàng, doanh nghiệp Việt cập nhật chưa thường xuyên. Ảnh: Lan Anh. |
- Vậy ông có thể cho biết việc định giá khi sáp nhập ngân hàng tại Mỹ được thực hiện như thế nào?
- Ở Mỹ có thị trường mua bán về các ngân hàng và việc định giá cũng dễ hơn nhiều so với Việt Nam, vì các nhà băng ở Mỹ đều phải công bố bảng cân đối kế toán tài sản có, tài sản nợ cũng như kết quả kinh doanh mỗi tháng. Các đơn vị này load tất cả thông tin vào website của Cơ quan tiền gửi liên bang (FDIC). Mọi người quan tâm đều có thể vào đó lấy thông tin.
Việt Nam thì khác hơn, là chỉ có những công ty đã cổ phần hóa mới có báo cáo tài chính và báo cáo này cũng chỉ thực hiện mỗi quý một lần chứ không có mỗi tháng. Còn những công ty không niêm yết thì phải có quan hệ mới nhận được báo cáo tài chính.
Vì thế mà so với ở Việt Nam, việc định giá thông qua báo cáo tài chính tại Mỹ dễ dàng hơn rất nhiều do các thông tin đã được công bố công khai. Chẳng hạn, một ngân hàng vốn chủ sở hữu là 1.000 USD nhưng mà giá đó là giá trên sổ sách, còn giá trị trường có thể chỉ 200 USD, 300 USD hoặc 500 USD. Giá thị trường này tùy thuộc vào hai điểm, thứ nhất là giá trị sổ sách, thứ hai là giá trị thực tế của ngân hàng đó. Nhưng tại Việt Nam thì giá trị sổ sách mình không có hết, cho nên mình cũng khó mà định giá được ngân hàng đó trên thị trường. Đây cũng có thể là nhân tố khiến tiến trình sáp nhập trở lên khó khăn.
- Theo ông, làm thế nào để có thể định giá được ngân hàng khi đơn vị này chưa niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán?
- Tôi cho rằng, hai bên có ý định mua bán, sáp nhập với nhau cần ngồi lại và cùng trao đổi báo cáo tài chính, thông tin cho nhau.
Thứ hai nữa, nên dùng một công ty tư vấn đề họ làm công việc thẩm định giá trị của ngân hàng khác. Đặc biệt, trong vấn đề sáp nhập cần xem xem mục đích sáp nhập là gì. Nếu cả hai cùng khó khăn mà phải sáp nhập để cho khỏe lên thì cái đó không có ý nghĩa lắm. Phù hợp nhất là hai bên hợp tác bổ sung cho nhau về chiến lược, chiến thuật phát triển, thì mới có ý nghĩa.
- Một trong những lý do khiến cho ngân hàng sáp nhập là hoạt động không hiệu quả, nợ xấu. Ông đánh giá như thế nào về chuẩn đánh giá nợ xấu tại Việt Nam hiện nay?
- Đúng là con số nợ xấu và nợ quá hạn vừa qua gây ra sự hoang mang cho dân chúng rằng không biết con số nào là thực nhất, 4,47% do ngân hàng báo cáo ngày 31/3, 8,6% của thanh tra Ngân hàng Nhà nước cùng thời điểm, 10% do Thống đốc tuyên bố hay 12-13% của các định chế nước ngoài. Tôi thì cho rằng tỷ lệ sát nhất có lẽ là 10% trên tổng dư nợ.
Việc đánh giá chuẩn nợ xấu tại Việt Nam hiện nay chủ yếu theo định lượng, trả nợ lãi và gốc đúng hạn thì là nhóm 1, nhóm 2 là quá hạn 9-90 ngày, nhóm 3 từ 91 đến 180 ngày, nhóm 4 từ 181 đến 365 ngày, quá 1 năm thì là nợ nhóm 5, có khả năng mất vốn và không thu hồi được. Mỹ và các nước khác đánh giá dựa trên cả chỉ tiêu tài chính và phi tài chính.
Chẳng hạn như lãnh đạo của doanh nghiệp nào đó có những hành vi bất hợp pháp, thì họ bị đánh tụt hạng rất nhanh, cho xuống hạng 4-5 tức thì mà không cần quan tâm đến ngày đáo hạn. Con số nợ xấu tại Việt Nam thực sự là rủi ro hệ thống khi mình không biết rõ ràng đang ở đâu, mức nào. Mà một khi mình không biết mình đang ở đâu thì mình không biết mình sẽ phải làm gì.
Lan Anh
Theo Infonet