Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa mời các nhà khoa học quốc tế tham gia dự án truy tìm nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm phổi mới Covid-19. Theo SCMP, nhóm chuyên gia quốc tế gồm 10 nhà khoa học hàng đầu về lĩnh vực y tế công cộng, bác sĩ thú ý, thợ săn virus đến từ Nhật Bản, Qatar, Đức, Việt Nam, Nga, Úc, Đan Mạch, Hà Lan, Anh và Mỹ.
Nguồn gốc của nCoV là chủ đề bàn tán và nhận được sự quan tâm từ nhiều người trên thế giới. Trong cuộc họp trực tuyến với các quốc gia thành viên, WHO công bố danh sách 10 nhà khoa học quốc tế nói trên.
Trong đó, đại diện Việt Nam duy nhất là nhà khoa học Nguyễn Việt Hùng. Ông là đồng lãnh đạo Chương trình Sức khỏe Con người và Động vật tại Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế. Biệt đội điều tra Covid-19 này sẽ cùng các nhóm chuyên gia của Trung Quốc truy tìm cách virus SARS-CoV-2 xuất hiện và lây sang người.
Ông Nguyễn Việt Hùng. Ảnh: Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI). |
10 chuyên gia của nhóm điều tra gồm có nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác từ các quốc gia. Đó là nhà nghiên cứu người Hà Lan Marion Koopmans, Giám đốc khoa Viroscience của Trung tâm Y tế Erasmus. Ông từng tham gia nghiên cứu về đợt bùng phát Covid-19 qua chồn sương ở Hà Lan.
Các nhà dịch tễ học khác gồm có John Watson, cựu Phó giám đốc y tế của Bộ Y tế Anh; Farag El Moubasher thuộc Bộ Y tế Qatar; nhà virus học người Đan Mạch Thea Fischer của Bệnh viện Nordsjællands; nhà vi sinh học Dominic Dwyer của Bệnh viện Westmead (Australia) và nhà dịch tễ học Vladimir Dedkov của Viện Pasteur ở Nga.
Nhóm chuyên gia còn có một số nhà nghiên cứu hàng đầu về lĩnh vực vai trò của động vật và môi trường trong sự xuất hiện của dịch bệnh. Đó là ông Ken Maeda, Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản; “thợ săn virus” Fabian Leendertz của Viện Robert Koch (Đức); nhà sinh thái bệnh học Peter Daszak - người được biết đến với công trình nghiên cứu về virus corona trên dơi, chủng SARS ở đông nam Trung Quốc, đồng Chủ tịch Tập đoàn EcoHealth Alliance của Mỹ. Ông Peter Daszak cũng đang dẫn đầu “đội đặc nhiệm” truy tìm nguồn gốc của virus khác do Ủy ban Covid-19 của tạp chí khoa học The Lancet chủ trì.
Hiện tại, đại diện dự án chưa tiết lộ nhóm các chuyên gia sẽ bắt đầu nghiên cứu thực địa vào thời gian nào. Đây là phần quan trọng trong sứ mệnh mà hơn 130 quốc gia kêu gọi từ tháng 5.
Hình ảnh kính hiển vi điện tử của virus SARS-CoV-2. Ảnh: Wiki. |
Tiến sĩ Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Health Emergencies của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết họ rất mong đợi nhóm các nhà khoa học quốc tế sẽ thực hiện công việc khó khăn và quan trọng này. WHO cũng mong nhóm chuyên gia sẽ “triển khai càng sớm càng tốt”. Vị chuyên gia này cũng khẳng định các đồng nghiệp tại Trung Quốc cam kết “sẽ tạo điều kiện thực địa sớm nhất có thể, để cộng đồng quốc tế yên tâm về chất lượng khoa học”.
Nhiệm vụ này khởi động vào tháng 7. Tuy nhiên, việc triển khai phức tạp và xuất hiện nhiều tranh cãi chính trị xung quanh virus. Trước đó, nhiều chuyên gia đặt giả thuyết SARS-CoV-2 truyền từ dơi sang người qua vật chủ trung gian. Tuy nhiên, đến nay, thế giới chưa rõ cách thức và nơi khởi nguồn đầu tiên của virus. Các dữ liệu mà Trung Quốc công bố rất ít ỏi.
Theo SCMP, giai đoạn một của nhiệm vụ điều tra sẽ xuất phát từ Vũ Hán - nơi được cho là ổ dịch đầu tiên của Covid-19. Hiện tại, các nghiên cứu và phân tích dịch tễ tại đây vẫn thiếu sót khá nhiều dù những ca dương tính đầu tiên đều liên quan chợ hải sản Hoa Nam. Do đó, giới khoa học vẫn chưa thể chắc chắn về vai trò của Vũ Hán trong cụm dịch.
Sứ mệnh của các nhà khoa học trong dự án này là xác định những ca nhiễm virus trước khi trường hợp đầu tiên được ghi nhận và công bố vào tháng 12. Họ cũng sẽ điều tra các động vật được bán trên thị trường, chuỗi cung ứng của chúng. WHO và các chuyên gia đã cảnh báo nếu không tìm ra nguồn gốc của virus, rất có thể chúng sẽ bùng phát trở lại.
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nghiên cứu tập trung vào mối liên hệ giữa y tế, nông nghiệp, an toàn thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây từ động vật sang người. Ông cũng dành nhiều năm đánh giá rủi ro và lợi ích để quản lý an toàn thực phẩm một cách thích hợp. Tiến sĩ Hùng còn là người đứng đầu về an toàn thực phẩm của chương trình nghiên cứu CGIAR về Nông nghiệp, Dinh dưỡng và Sức khỏe A4NH.
Trước khi gia nhập ILRI, TS Hùng là người đồng sáng lập và lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Hệ sinh thái (CENPHER) tại Đại học Y tế Công cộng (HUPH) ở Việt Nam. Tại đây, ông phát triển danh mục nghiên cứu khu vực về sức khỏe nông nghiệp, môi trường.
TS Hùng đã có hơn 15 năm làm việc tại các nước đang phát triển, chủ yếu ở Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào) và Tây Phi (Côte d'Ivoire). Ông có bằng cử nhân Sinh học (Việt Nam) và tiến sĩ Khoa học Môi trường và Đời sống (Pháp).
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.