Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia Mỹ: 'Với Omicron, FED có thể phải nhận sai về lạm phát'

Nói với Zing, chuyên gia Edward Moya nhận định biến thể virus mới sẽ cản trở quá trình phục hồi vốn đã không đồng đều của kinh tế toàn cầu. Cùng với đó là gia tăng nỗi lo lạm phát.

Giới quan sát từng kỳ vọng rằng trong năm 2022, nền kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng dịch Covid-19. Nhưng sự xuất hiện của biến thể virus mới đã giáng đòn vào triển vọng kinh tế toàn cầu.

"Biến thể Omicron sẽ làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi thiếu đồng đều của nền kinh tế toàn cầu", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) trả lời Zing.

Theo ông, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 cao sẽ chứng kiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.

Tac nghen chuoi cung ung anh 1

Biến thể Omicron có thể làm trầm trọng thêm quá trình phục hồi thiếu đồng đều của nền kinh tế toàn cầu.

Tắc nghẽn chuỗi cung ứng

Hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo đà phục hồi của nền kinh tế đang mất đà và ngày càng thiếu đồng đều. Theo dự báo của IMF, GDP của các nền kinh tế tiên tiến sẽ trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, thậm chí cao hơn 0,9% trong năm 2024.

Tuy nhiên, đến năm 2024, những nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thể quay lại như thời kỳ trước đại dịch.

"Trong vài tuần tới, chúng ta có thể chứng kiến xem liệu biến thể virus mới có làm gián đoạn quá trình mở cửa trở lại của các hoạt động thương mại tại Mỹ hay không", ông Moya nhận định.

"Nếu biến thể virus mới tiếp tục làm gia tăng các vấn đề trong chuỗi cung ứng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể phải thừa nhận rằng họ đã sai về lạm phát", vị chuyên gia nhận định.

Nếu biến thể virus mới tiếp tục làm gia tăng các vấn đề trong chuỗi cung ứng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể phải thừa nhận rằng họ đã sai về lạm phát

- Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda

Trước đó, FED cho rằng phần lớn lạm phát được thúc đẩy bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng do những hạn chế liên quan đến dịch Covid-19.

Theo các nhà hoạch định chính sách Mỹ, khi đại dịch dịu đi, những vấn đề này sẽ tự được giải quyết, mà không cần đến các biện pháp can thiệp mạnh tay như nâng lãi suất.

Trong bài phát biểu chuẩn bị cho phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell cho rằng nền kinh tế Mỹ duy trì tăng trưởng, nhưng dịch bệnh bùng phát đã kìm hãm đà phục hồi.

Ông nhận định Omicron tạo ra "rủi ro đối với việc làm và tăng trưởng". Cùng với đó là "tình trạng bất ổn gia tăng" của lạm phát.

Với sự xuất hiện của biến thể mới, nhiều người lao động sẽ có tâm lý ngần ngại làm việc trực tiếp. Điều này sẽ cản đường quá trình phục hồi của thị trường lao động và khiến tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng thêm trầm trọng.

Người đứng đầu FED nhận định tỷ lệ lạm phát đang cao hơn mục tiêu 2% mà cơ quan này đề ra.

Những vấn đề của chuỗi cung ứng khiến các nhà sản xuất khó đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. FED cho rằng lạm phát sẽ giảm đáng kể khi tình trạng mất cân bằng cung cầu được cải thiện. Tuy nhiên, ông Powell thừa nhận rằng rất khó để dự đoán xu hướng.

Giảm sức ảnh hưởng

Với sự xuất hiện của Omicron, trong trường hợp xấu nhất, giới chức trên toàn cầu phải tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế virus lây lan. Điều đó sẽ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang căng thẳng, đồng thời làm tổn hại đến nhu cầu.

Giới quan sát cảnh báo về tình trạng đình lạm, tức lạm phát tăng nhanh trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs Group Inc. đã chỉ ra bốn khả năng, trong đó, làn sóng lây nhiễm lớn trong quý I/2022 có thể khiến tăng trưởng toàn cầu còn 2%, giảm 2,5 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

Mức tăng trưởng cả năm là 4,2%, thấp hơn 0,4 điểm phần trăm so với dự báo.

Theo ông Mickey Levy - chuyên gia kinh tế tại Berenberg Capital Markets - nếu biến thể lan rộng, “đà tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế có thể chậm lại”.

Tac nghen chuoi cung ung anh 2

Theo giới quan sát, đợt tái bùng phát lần này sẽ không nghiêm trọng như những làn sóng trước đó. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda, biến thể virus mới có thể không dẫn đến tình trạng phong tỏa trên diện rộng. Ngoại trừ Trung Quốc - quốc gia duy nhất trên thế giới vẫn theo đuổi chiến lược "Zero-Covid" (đưa số ca nhiễm mới về 0), các nước khác đều lưỡng lự trong việc trở lại tình trạng phong tỏa.

Nhờ tiêm chủng rộng rãi, những biện pháp hạn chế được áp dụng ở châu Âu đã linh hoạt hơn và ít gây tổn hại tới tăng trưởng.

Đồng quan điểm, ông Rob Subbaraman - Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường toàn cầu tại Nomura Holdings Inc. - cũng cho rằng đợt tái bùng phát lần này sẽ không nghiêm trọng như những làn sóng trước đó.

"Các doanh nghiệp và hộ gia đình đã thích nghi với những biện pháp hạn chế và khóa cửa. Do đó, mức độ ảnh hưởng có thể bớt nghiêm trọng hơn", ông Subbaraman nhận định.

Biến thể Omicron làm gia tăng nguy cơ lạm phát trên toàn cầu

Kế hoạch cắt giảm những biện pháp kích thích của các ngân hàng trung ương - nhằm kìm hãm lạm phát - có thể bị cản trở bởi biến thể virus mới.

Biến thể virus mới cản đường phục hồi của kinh tế toàn cầu

Theo một số nhà phân tích, biến thể virus mới có thể khiến triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu - vốn đang chững lại - trở nên u ám hơn.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm