Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia lo ngại về kế hoạch xét nghiệm 100% dân số Hà Nội

"Xét nghiệm cho gần 9 triệu người trên địa bàn trong một tuần là rất khó, đè nặng áp lực lên hệ thống y tế của TP và cơ sở xét nghiệm", bác sĩ Nguyễn Thu Anh đánh giá.

Xét nghiệm diện rộng cho 100% dân số trên địa bàn (từ ngày 6 đến 12/9) và hoàn thành bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cho toàn bộ người trên 18 tuổi (trên cơ sở số vaccine được Bộ Y tế phân giao) trước 15/9 là 2 yêu cầu lớn được Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh đề cập trong công điện về phòng chống dịch của TP ban hành tối 6/9.

Nhiệm vụ được Hà Nội đặt ra ngay trong ngày đầu tiên của đợt giãn cách xã hội lần thứ 4 (6/9-21/9) với mục tiêu nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, dần chuyển sang giai đoạn bình thường mới, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội.

Người dân vùng xanh cũng phải đi xét nghiệm

Theo công điện mới của UBND Hà Nội, đến 12/9, TP xét nghiệm 100% người dân. Người dân ở khu vực phong tỏa, khu cách ly, khu vực nguy cơ rất cao sẽ được lấy mẫu 2-3 ngày/lần; khu vực nguy cơ cao lấy mẫu 5-7 ngày/lần; khu vực khác lấy mẫu toàn bộ người dân ít nhất 1 lần.

Ngành y tế hướng dẫn người dân tự lấy mẫu có sự giám sát của nhân viên y tế và áp dụng các phương pháp xét nghiệm rRT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp, tăng cường các điểm lấy mẫu di động tại các xã, phường, thị trấn.

Người dân xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm nCoV trước cổng Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế (phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội) hồi cuối tháng 7. Ảnh: Đức Anh.

Đóng góp ý kiến về cách làm này của Hà Nội, TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, bày tỏ nhiều lo ngại.

Khối lượng công việc lớn thì rất dễ xảy ra chuệch choạc trong việc lấy mẫu, tổ chức, dẫn đến hiệu quả công tác xét nghiệm không cao

TS.BS Nguyễn Thu Anh

Thứ nhất, theo bác sĩ này là câu hỏi về năng lực xét nghiệm của TP có đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ trong thời gian ngắn như vậy hay không. Và thứ hai, việc xét nghiệm diện rộng có thực sự phát huy hiệu quả trong giai đoạn này.

Bác sĩ Thu Anh cho rằng việc xét nghiệm cho gần 9 triệu người trên địa bàn trong một tuần là rất khó, thậm chí mức độ khả thi không cao.

Bên cạnh đó, việc dồn xét nghiệm vào một thời gian ngắn dẫn tới việc đè nặng áp lực lên hệ thống y tế của TP và cơ sở xét nghiệm, nhất là khi hệ thống đã quá tải sẵn do dịch bệnh kéo dài với số F0 tăng cao.

"Khối lượng công việc lớn thì rất dễ xảy ra chuệch choạc trong việc lấy mẫu, tổ chức, dẫn đến hiệu quả công tác xét nghiệm không cao", bà Thu Anh nêu quan điểm.

Tăng nguy cơ lây nhiễm

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, kết quả đợt sàng lọc diện rộng theo kế hoạch 203 ngày 1/9 của UBND Hà Nội cho thấy đến ngày 6/9 toàn thành phố đã lấy được 760.000/1 triệu mẫu, tức chỉ đạt 76% kế hoạch đề ra. Đến tối 6/9, mới có 300.000 mẫu có kết quả (3 mẫu dương tính).


Từ những con số trên có thể thấy năng lực lấy mẫu và xét nghiệm của TP chưa tương xứng và đặc biệt thấp hơn kế hoạch TP đề ra. Số mẫu dương tính trên số xét nghiệm rất thấp, trong khi ca bệnh toàn TP vẫn ở mức cao. Ở đợt xét nghiệm diện rộng trước đó, với mục tiêu là 3,3 triệu mẫu nhưng TP và các quận, huyện cũng không đạt mục tiêu đề ra.

Đáng lo nhất là sau đợt xét nghiệm vùng xanh lại biến thành vùng đỏ thì rất nguy hiểm

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, đặc biệt lo ngại TP sẽ lặp lại tình huống của TP.HCM khi xét nghiệm diện rộng, đồng thời gây ra tụ tập đông người, tăng nguy cơ lây nhiễm.

"Xét nghiệm diện rộng trong giai đoạn ngắn như vậy có thể dồn người dân tại một điểm, nhất là ở những khu vực vùng cam, đỏ một cách không cần thiết. Đáng lo nhất là sau đợt xét nghiệm vùng xanh lại biến thành vùng đỏ thì rất nguy hiểm", ông nói.

Bác sĩ Thu Anh thì cho rằng nhiệm vụ quan trọng hiện nay là tìm sớm, xét nghiệm nhanh các trường hợp ho, sốt.

Dich Covid-19 Ha Noi,  gian cach xa hoi Ha Noi anh 1

Hà Nội bước sang tuần giãn cách xã hội thứ 7 nhưng diễn biến dịch bệnh chưa có dấu hiệu suy giảm. Ảnh: Hải Nam.

Bà kiến nghị TP cấp phát miễn phí bộ xét nghiệm nhanh cho các khu dân cư, khu chung cư, ngõ xóm và cả hiệu thuốc để phát miễn phí cho người dân.

Nhiều người vì sợ phải xét nghiệm nên không liên hệ cơ quan y tế, nhưng nếu để họ tự xét nghiệm sẽ hạn chế được việc này, giúp tìm sớm F0 cộng đồng.

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng TP cần tập trung sàng lọc kỹ khu vực nguy cơ cao. Đối với vùng xanh, vùng vàng, thì chưa cần xét nghiệm rộng, tuân thủ giãn cách, phục hồi sản xuất từng khu vực đã an toàn.

Ngày 7/9, Zing liên hệ CDC Hà Nội và Sở Y tế để trao đổi về kế hoạch cũng như năng lực xét nghiệm để đảm bảo yêu cầu của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên các cơ quan này chưa có phản hồi.

Sau ngày 6/9, Hà Nội chia 3 phân vùng giãn cách xã hội để vừa chống dịch vừa phục hồi sản xuất. Vùng 1 có nguy cơ rất cao (tập trung ở nội đô) tiếp tục thực hiện theo Chỉ thị 16, còn lại 2 vùng (khu vực ngoại thành) áp dụng các biện pháp theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng.

Tính đến 12h ngày 7/9, CDC Hà Nội ghi nhận 3.614 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn, một nửa là trong cộng đồng.

Hà Nội xét nghiệm toàn bộ dân cư trong một tuần

UBND Hà Nội đặt mục tiêu xét nghiệm diện rộng nhằm bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, hoàn thành tiêm chủng mũi 1 cho 100% người trên 18 tuổi trước 15/9.

Huyện Thanh Trì nói gì về vụ người đàn ông tử vong trong vùng cách ly?

Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) đang phối hợp đơn vị liên quan điều tra một trường hợp tử vong trong khu vực phong tỏa tại thôn Thọ Am.

Hàng ăn ở vùng xanh huyện Gia Lâm được bán mang về

19 trong 22 xã, thị trấn ở huyện Gia Lâm (Hà Nội) đang nằm trong vùng xanh. Hàng quán bán đồ ăn tại những khu vực này được phép bán mang về.

Sơn Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm