Siêu bão Irma sau khi càn quét vùng Caribe đang hướng đến bang Florida, đường đi của bão quét khu vực miền Nam, nơi có khu sản xuất hạt nhân của quân đội Mỹ trong Chiến tranh Lạnh khiến các chuyên gia lo ngại.
Nguy cơ từ hàng triệu lít chất thải hạt nhân
Trung tâm Dự báo Bão quốc gia Mỹ dự báo siêu bão Irma có vùng ảnh hưởng rộng cỡ bang Texas có thể tiến sâu vào đất liền gây hậu quả nghiêm trọng. Khu vực nội địa Mỹ nằm trong vùng đe dọa của siêu bão Irma, đặc biệt là khu vực sông Savannah có khu sản xuất hạt nhân rộng 802 km2 ở South Carolina giáp phía đông bắc bang Georgia, thường được gọi tắt là SRS.
Những năm Chiến tranh Lạnh, các nhà khoa học và kỹ thuật viên đã sản xuất bom hạt nhân cho quân đội Mỹ, cũng như điều chế plutonium-238 dùng cho tàu vũ trụ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ (NASA) tại đây. Hoạt động sản xuất tại khu vực này tạo ra hàng triệu lít chất thải hạt nhân được bảo quản trong các bể chứa, cùng bãi chôn lấp các chất thải nguy hiểm.
Một bồn chứa chất thải hạt nhân khổng lồ ở khu vực SRS. Ảnh: DOE. |
Siêu bão Irma với gió giật mạnh và mưa lớn trên sông Savannah chảy qua khu sản xuất hạt nhân cũ khiến các chuyên gia đặc biệt lo ngại. Stephen Schwartz, nhà phân tích chính sách hạt nhân cho biết khu sản xuất hạt nhân SRS nằm trên đường đi của siêu bão Irma.
Chuyên gia Schwartz cho biết thêm khu SRS đang lưu trữ hơn 132 triệu lít chất thải phóng xạ ở dạng lỏng, 195 địa điểm chôn lấp chất thải hạt nhân dạng rắn với mức độ nhiễm phóng xạ nặng. Những hố chôn này chứa hàng nghìn tấn chất thải cực kỳ nguy hiểm được chuyển đến từ Greeland và Tây Ban Nha.
Những chất thải đặc biệt nguy hiểm được chứa trong 51 bồn chứa lớn. Các chất thải ít nguy hiểm hơn như quần áo, dụng cụ nhiễm phóng xạ được chôn trong những hố sâu nhiều thập kỷ qua. Chính phủ Mỹ đang nỗ lực để xử lý triệt để chất thải nguy hại tại khu vực này.
Tuy nhiên, công việc này có thể kéo dài hàng thập kỷ cùng với hàng chục tỷ USD cần được đầu tư để làm sạch khu vực. Schwartz nói với Business Insider: “Vấn đề là sự rò rỉ ở các bể chứa lớn, nhiều thứ đã phát tán ra môi trường trong nhiều năm qua, nếu có lũ lụt nghiêm trọng tràn qua khu vực, nó có thể phát tán chất thải nguy hại đến những khu vực xa xôi và ngấm vào nước ngầm”.
Ông cho biết thêm các hố chôn lấp chất thải tuy nguy cơ phát tán phóng xạ ít hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. “Nếu bạn có dụng cụ như xe tải, máy ủi đất, nó có thể không di chuyển nhưng plutonium, uranium và các hóa chất nguy hiểm khác dính vào quần áo sẽ di chuyển rất xa nếu bão quét qua khu vực này”, ông Schwartz nói.
SRS từng an toàn với lượng mưa 127 mm
Điều nguy hiểm hơn cả là khu SRS nằm trên tầng nước ngầm cung cấp cho một số bang. Phóng viên Business Insider đã liên hệ với ban quản lý khu SRS, thuộc Bộ Năng lượng Mỹ để hỏi về nguy cơ phát tán chất thải hạt nhân khi bão tràn qua.
Nhiều vùng ở SRS vẫn chưa được xử lý triệt để ô nhiễm phóng xạ. Đồ họa: DOE. |
Monte Volk, người phát ngôn của SRS nói rằng họ đang triển khai một loạt các biện pháp khẩn cấp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khu vực SRS khi bão đi qua. Phát ngôn viên Volk cho biết thêm các bồn chứa chất thải ở đây được xây dựng kiên cố gồm nhiều lớp bằng bê tông cốt thép theo tiêu chuẩn Liên bang. Các cấu kiện ở đây có thể chịu được tác động tiêu cực của bão, lũ lụt.
Ông Volk sau đó đã liên lạc bằng điện thoại đến văn phòng Business Insider và thừa nhận rằng các bãi chôn lấp chất thải ít nguy hại đã được gia cố cách đây vài năm để ngăn chặn rò rỉ nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ an toàn trong một trận lũ lụt lớn.
Tuy nhiên ông trấn an rằng khu vực SRS được trang bị các máy bơm có khả năng lọc nước bị ô nhiễm. “Những hệ thống này khá mạnh mẽ và được tích hợp các tính năng an toàn. Chúng tôi hy vọng chúng sẽ phát huy tốt vai trò trong trường hợp có sự cố tại đây. Chúng tôi có đội ngũ dày dạn kinh nghiệm trong khu vực để sẵn sàng xử lý. Nếu tôi có dè dặt về an toàn ở khu vực, tôi sẽ không làm việc ở đó”, ông Volk nói.
Siêu bão Irma dự kiến tấn công bang Georgia và South Carolina vào thứ ba tuần tới. Các nhà khí tượng hy vọng lượng mưa ở thành phố Augusta, Georgia khoảng 127 mm. Đây chưa phải là lượng mưa kỷ lục do siêu bão Harvey vừa qua.
Khu vực SRS từng hứng chịu lượng mưa hơn 127 mm do bão Hugo gây ra vào năm 1988 mà không có ảnh hưởng xấu nào đến môi trường. Tuy vậy các nhà khí tượng vẫn rất thận trọng đối với dự báo của họ vì Irma là cơn bão chưa từng có về kích thước và sức mạnh.