Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia Lâm nghiệp hiến kế trồng cây xanh đô thị ở Hà Nội

Sấu, muồng, dái ngựa, bằng lăng... là loại cây được chuyên gia hiến kế thay thế cây xà cừ, hoa sữa bởi nó đảm bảo tuổi thọ, môi trường sinh thái cho thủ đô.

Người phụ nữ viết đơn xin giữ lại cây xanh trên phố

Trước việc đốn hạ cây xanh một cách vội vã của nhóm công nhân, bà Ngà đã nhiều lần van nài, tự tay viết đơn mong giữ lại cây cổ thụ trước nhà.

Trong khi dư luận vẫn chưa hết nóng về câu chuyện chặt hạ cây xanh tại Hà Nội thì một câu hỏi nóng không kém đang đặt ra: Hà Nội nên trồng cây gì, trồng thế nào thì phù hợp?

Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã tìm đến PGS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Trưởng khoa Lâm sinh (Trường Đại học Lâm nghiệp), người từng có nhiều công trình nghiên cứu và áp dụng trong thực tế gần đây về cây trồng đô thị tại Hà Nội.

- Dư luận đang phản đối rần rần việc Hà Nội chặt cây xanh, trong đó có nhiều cây xà cừ đại thụ, keo… Quan điểm của ông thế nào?

Xà cừ dù sao vẫn không phải là cây bản địa của Việt Nam, trong khi đó chúng ta không phải là không có những cây bản địa tốt để đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, bền vững và làm cảnh quan đô thị.

Đa số xà cừ tại Hà Nội hiện nay đều được trồng từ thời Pháp, từ 1960 trở lại đây ở Hà Nội cũng không trồng xà cừ nữa. Cùng là xà cừ đại thụ, nhưng trồng ở các tỉnh khác, mà tiêu biểu như ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chẳng hạn lại khác, bởi Hà Nội không có không gian cho bộ rễ xà cừ phát triển.

Đặc trưng Hà Nội là không gian vỉa hè quá hẹp, nhà cửa san sát ngay bên cạnh cây xanh, trong khi xà cừ gốc và rễ lại quá lớn, tán rất nặng. Vì vậy mùa mưa bão thường gãy đổ, gây ra nhiều vụ tai nạn như chúng ta đã biết. Để đảm bảo an toàn, trước mùa mưa bão người ta buộc phải chặt cành một cách không theo quy trình tạo tán, vì vậy nhiều cây xà cừ ở Hà Nội cũng không còn đảm bảo tán che mát.

Vì vậy, những cây xà cừ quá lớn, có nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo khả năng làm cảnh quan nữa tôi nghĩ là có thể chặt bỏ để thay thế cây khác phù hợp hơn, tất nhiên không phải cứ xà cừ là chặt đi hết.

Đối với cây keo, khả năng tạo tán khá, nhưng tuổi thọ lại quá ngắn, chỉ khoảng 20 năm nên theo tôi cũng có thể từng bước thay thế bằng cây khác. Cây cảnh quan đô thị ngoài các yếu tố tạo tán, còn phải đảm bảo tuổi thọ dài, bởi không phải lúc nào cũng có thể chặt đi trồng lại được.

PGS.TS Ngô Quang Đê.

Vậy theo ông, ở Hà Nội còn loại cây nào nên thay thế nữa không?

- Hoa sữa Hà Nội hiện nay nhiều quá, theo tôi cũng là cây có thể hạn chế bớt để thay thế bằng cây khác. Hiện, Nha Trang cũng đã chặt hoa sữa thay cây khác rồi.

Hoa sữa trồng trong khuôn viên, công viên có không gian rộng lớn thì được, nhưng trồng quá dày đặc ở nhiều tuyến phố như ở Hà Nội hiện nay là không ổn, mà chỉ nên giữ lại ken kẽ ở một số lượng thích hợp để tạo hương thoảng là được.

Hương hoa sữa độc, chuyện hoa sữa đến mùa khiến người dân sặc sụa, dị ứng, chảy cả nước mắt nước mũi, đã có ý kiến nhiều rồi.

- Vậy ông có thể đề xuất Hà Nội nên trồng những cây gì?

- Tất cả những cây đã trồng thành công tại Hà Nội như sấu, muồng, dái ngựa, bằng lăng… đều có thể trồng tiếp. Tuy nhiên, cần phải tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm các loại cây mới để đảm bảo đa dạng sinh học và phát triển sinh thái bền vững.

Một trong những hạn chế ở Hà Nội hiện nay là mùa đông không có các loại cây ra hoa. Thời gian qua, chúng tôi đang thử nghiệm và đề xuất xem khả năng có thể đưa cây sở về trồng tại Hà Nội hay không. Bởi đây là cây rất thích hợp để trồng làm cảnh quan, tán rộng, lá xanh quanh năm, hoa đẹp, mùi thơm quyến rũ và đặc biệt hoa lại nở vào mùa đông. Lâu nay sở là cây lâm sản ngoài gỗ, trồng lấy quả mới khó, chứ trồng làm cây cảnh quan tôi nghĩ sẽ rất khả thi. Sở cũng là cây trồng có khả năng chống ô nhiễm, cải thiện môi trường rất tốt.

Một số cây khác như trà bạch, trà hồng, trà đỏ hiện nay ở Nhật trồng rất nhiều, rất đẹp và cũng có thể trồng tại Hà Nội. Cây dổi bắc hiện cũng đang là “ứng cử viên” rất sáng có thể trồng làm cây cảnh quan ở Hà Nội, cây này Việt Nam có sẵn, hoa thơm, màu sắc đẹp, không độc, bộ lá có hai màu lục – hồng rất đẹp mắt. Dổi bắc đã trồng thử nghiệm làm cảnh quan nhiều nơi như ở khuôn viên Trường CĐ Nông lâm Đông Bắc (Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn) tại Quảng Ninh cho kết quả rất mĩ mãn, cây này cũng đã trồng rất đẹp tại Khu đô thị Ecopark (Hà Nội)…

Tất nhiên, đối với Hà Nội hiện nay thì trồng cây gì, kể cả cây mới hay cây cũ đều phải trồng thử nghiệm trước, chưa nên đưa vào trồng ồ ạt.

- Vì sao ông cho rằng không nên trồng ồ ạt một loại cây nào đó?

- Điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai, nguồn nước… tại Hà Nội đã thay đổi rất nhiều. Chẳng hạn như trước đây, cây sáo đen trồng ở Hà Nội cây nào là thành công cây đó, nhưng bây giờ cây này trồng không thể sống được nữa. Ngay cả những cây đã trồng thành công trước đây như sấu, bằng lăng, dổi… bây giờ trồng mới chưa chắc đã sống được, vì vậy muốn trồng số lượng lớn tại Hà Nội cũng phải trồng thử nghiệm cái đã, không nên vội vàng trồng đại trà ngay bởi rủi ro rất lớn.

Xét về mặt đa dạng sinh học, cơ cấu các loài cây cảnh quan ở Hà Nội còn quá đơn điệu, mặc dù theo thống kê trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 loài khác nhau, nhưng cơ bản chỉ có khoảng 25 loài chiếm tỉ lệ áp đảo.

Vì vậy, quan điểm của tôi là không nên trồng đại trà một loại cây nào đó, mà phải trồng thật đa dạng nhiều loài khác nhau mới đảm bảo bền vững được. Dĩ nhiên, trồng cây gì thì cũng phải có quy hoạch cụ thể, bài bản, chứ không phải thích trồng chỗ nào là trồng. Cái này trước đây Hà Nội đã từng có, nhưng sau đó người ta trồng tùm lum. Thành ra bây giờ tại nhiều tuyến phố Hà Nội, nhìn hàng cây rất hổ lốn, cây cao cây thấp, đủ thứ bà chằng loại cây mà chẳng cây nào ra cây nào.

Ông có lưu ý cơ bản nào về mặt tiêu chí và kỹ thuật khi Hà Nội trồng cây cảnh quan?

- Nói chung, cây xanh được đường phố ở Hà Nội cơ bản phải xét tới mấy yếu tố như chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng được; hoa – quả có mùi thơm thì tốt, hay ít nhất phải không độc, không gây ô nhiễm; cây phải ít sâu bệnh…

Về mặt kỹ thuật, cần hết sức lưu ý đến vấn đề ô nhiễm đất trước khi trồng. Tại các vị trí trồng phải xem xét kỹ xem có bị ô nhiễm xăng, dầu, chất thải công nghiệp độc hại nào không. Nếu có thì phải tuyệt đối đào hố bỏ đi khoảng 1-2 m3 và thay bằng đất mới đảm bảo tiêu chuẩn.

PGS.TS Ngô Quang Đê là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, thiết kế cây xanh cho nhiều công trình lớn tại Hà Nội. Ông là người tiên phong đề xuất, phát triển và thành lập Bộ môn Lâm nghiệp Đô thị hiện nay của Trường Đại học Lâm nghiệp.


 

http://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-lam-nghiep-hien-ke-trong-cay-xanh-do-thi-ha-noi-390870.vov

Theo Lê Bền/VOV

Bạn có thể quan tâm