Chuyên gia kinh tế 'bốc thuốc' cho Vinashin, Vinalines
“Nguyên nhân chính là tốc độ phát triển nhanh quá nhưng không có sự kết nối của các nguồn lực khác nhau để phát triển mà chỉ sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhà nước”.
>> Ông Dương Chí Dũng 'biến mất' khi nào?
>> Vì sao khởi tố cục trưởng Cục Hàng Hải?
>> Bắt nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines
>> Khởi tố Phó tổng giám đốc Vinalines
>> Vinalines đã 'nhấn chìm' bao nhiêu tiền?
Trong thời gian gần đây, chúng ta liên tiếp chứng kiến sự làm ăn thua lỗ của một số Tập đoàn lớn, Tổng công ty lớn của nhà nước trong đó nổi bật có Vinashin, Tập đoàn Điện lực. Gần đây nhất là vụ việc của Vinalines với những sai phạm và thiếu sót dẫn đến thất thoát và lãng phí nhiều tỷ đồng của đất nước. Nhằm tìm “bài thuốc” cho “căn bệnh” của các doanh nghiệp này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển |
Thiếu kịch bản cho rủi ro
Nói về những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Vinalines và các doanh nghiệp này, ông Đinh Thế Hiển nói: “Quan sát chung các công ty, tập đoàn nhà nước bị thua lỗ thì có điểm rất đáng lưu ý. Theo tôi thì nguyên nhân chính là tốc độ phát triển nhanh quá nhưng cách thức để phát triển thì chúng ta lại không có sự kết nối của các nguồn lực khác nhau để làm mà chúng ta chỉ sử dụng nguồn nhân lực của các doanh nghiệp nhà nước.
Chúng ta thấy, ngay cả các tập đoàn, công ty lớn của nước ngoài quen với việc phát triển nhanh thì họ thường chọn những nhân lực ở các công ty có thành tích làm việc tốt và đưa vốn vào để phát triển. Như vậy họ có thể phát triển nhanh mà vẫn bảo đảm. Còn các tập đoàn của chúng ta phát triển theo kiểu cứ đầu tư dự án vượt quá sự điều khiển của mình về nhu cầu vốn. Ví dụ như Vinashin, từ một doanh nghiệp chỉ có 40 tỷ mà trong vòng 5–6 năm đã phát triển lên đến 40.000 tỷ đồng. Phát triển quá nhanh nhưng nhân lực thì không kịp. Ở đây tôi đã loại trừ các tiêu cực”.
Theo ông Hiển, chính tốc độ phát triển nhanh, chúng ta không có các kịch bản cho sự rủi ro. Chúng ta thường lấy lý do là do khủng hoảng tài chính toàn cầu nhưng bản thân khi quy mô nhỏ thì bài toán gặp sự cố rủi ro không quan trọng. Nhưng quy mô lớn thì bài toán gặp rủi ro lại rất quan trọng nhất là ở mức độ tập đoàn. Rõ ràng những chuyện như vậy làm cho chúng ta gặp thất bại.
Theo ông Hiển, một trong những nguyên nhân dẫn đến thua lỗ của Vinalines là vấn đề nhân lực cấp cao |
“Và khi doanh nghiệp gặp rủi ro thì chúng ta thường thay đổi nhân sự bằng việc đưa nhân sự từ những cơ quan trong ngành hoặc từ bên cơ quan chủ quản chuyển sang hoặc từ dưới cấp dưới đi lên. Chúng ta không có chuyện chuyển những người có thành tích xuất sắc từ nơi khác về".
Tiếp tục phân tích, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng: Ở nước ngoài, khi một công ty lớn bị thua lỗ thì họ thay bằng một người có phẩm chất tốt, có thành tích tốt ở một nơi khác về mà không bắt buộc phải cùng ngành. Ví dụ như IBM, khi họ thay người thì họ không nhất định thay bằng một người chuyên về máy tính mà họ đưa một người quản trị có phẩm chất lãnh đạo, năng lực tốt từ một tập đoàn bánh kẹo về. Cách thức đó làm cho doanh nghiệp có thể giải quyết rủi ro trong vấn đề nhân lực cấp cao.
Nhưng cách thức của chúng ta thì khác. Chúng ta giải quyết bằng tài chính của nhà nước: giảm nợ, tạo vốn… thậm chí là tạo thị phần mà chúng ta không giải quyết vấn đề đầu tiên là phải có một nhân lực thành tích cao ở nơi khác đã được thực chứng chuyển về tái cấu trúc. Đó là một sự khác biệt rất lớn về cách thức thay đổi khi gặp khó khăn. Điều này dẫn đến việc là khi gặp khó khăn thì vấn đề khắc phục sẽ chậm, mất nhiều thời gian và công sức hơn”. Ông Hiển phân tích.
Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Dương Chí Dũng phải chịu trách nhiệm chính trong những sai phạm tại Vinalines |
Mạnh dạn chấp nhận
Lý giải vấn đề còn tồn tại hiện nay ở Vinalines cũng như các doanh nghiệp của nhà nước làm ăn thua lỗ, ông Hiển cho biết: “Tuy nhiên, cũng phải nói rằng là mỗi mô hình tổ chức có một ưu nhược điểm khác nhau. Các tập đoàn như phóng viên có nêu dù sao vẫn mang tính doanh nghiệp nhà nước có sự kiểm soát toàn dân, của cơ quan chủ quản nên chúng ta không thể làm như kiểu của nước ngoài là thay một tổng giám đốc mới giao quyền rất lớn. Vì chúng ta chưa làm như nước ngoài nên chúng ta không dám mạnh dạn làm mà chỉ theo phương thức như trên”.
Nhằm xử lý những vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển đưa ra giải pháp: “Trong hoạt động của tập đoàn thì có một lĩnh vực thực sự là “lõi” (mang tính quan trọng, chủ chốt) gắn với vấn đề an ninh quốc gia, quốc phòng và an sinh xã hội thì chúng ta siết chặt và dùng giám sát. Nhưng bên cạnh cái “lõi” chính đó thì có những công việc không bắt buộc phải kiểm soát tuyệt đối thì phải cổ phần hóa.
Mà cổ phần hóa ở đây, chúng ta không làm những kiểu nhà nước nắm cổ phần chi phối vì chúng ta không thể có cách thức điều hành theo cơ chế thị trường. Thành ra chúng ta phải mạnh dạn chấp nhận những công ty không thực sự quyết định thì có sự hợp tác tham gia của bên ngoài để có được năng lực quản trị theo một cơ chế tốt hơn mà bên cạnh đó những doanh ngiệp lõi vẫn đảm bảo được, vẫn hoạt động theo cơ chế thị trường. Từng bước như vậy, chúng ta sẽ dung hòa được những vấn đề nhà nước quản lý nhà nước và những vấn đề chịu chi phối bởi nền kinh tế thị trường”.
Theo Giáo Dục Việt Nam