Phó chủ tịch Thường trực UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa yêu cầu tổ soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) khẩn trương lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để hoàn thiện dự luật trước ngày 15/7. Động thái này cho thấy UBND Hà Nội đang tăng tốc việc sửa đổi một trong những luật có tính chất "xương sống" trong phát triển của thủ đô.
Sau gần 10 năm ra đời và thi hành, UBND Hà Nội đánh giá Luật Thủ đô tác động tích cực trong việc xây dựng và phát triển TP. Luật giúp Hà Nội huy động được nguồn lực lớn của xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Cơ chế tự chủ của chính quyền chưa đáp ứng
Theo đánh giá tình hình thi hành Luật Thủ đô của UBND Hà Nội sau 8 năm qua, nhiều nội dung mới, chưa có tiền lệ phát sinh trong quá trình thực thi. Vấn đề xây dựng, phát triển đô thị, quy hoạch, cơ chế tài chính đặc thù bộc lộ nhiều vướng mắc do luật không còn phù hợp với thực tiễn.
Theo đó, một số quy định trong Luật Thủ đô chưa đảm bảo tính khả thi do nặng về nguyên tắc, định hướng chung như "xây dựng thủ đô văn minh, hiện đại", "phát triển hệ thống hạ tầng, giao thông hiện đại" hay "thực hiện chính sách giãn dân ra ngoại thành và các tỉnh, thành khác"...
Chính quyền Hà Nội thừa nhận Luật Thủ đô đề ra nhiều nhiệm vụ cần tập trung nguồn lực cùng thời điểm gây khó khăn khi thi hành. Nhiều vấn đề lịch sử để lại trước khi ban hành luật không thể giải quyết dứt điểm do chưa có công cụ thích hợp.
Định hướng về xây dựng, quy hoạch thủ đô trong Luật Thủ đô không còn phù hợp với thực tiễn. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Đáng chú ý, nhiều căn cứ pháp lý của Luật Thủ đô như Luật Xây dựng 2014, Luật Nhà ở, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công... đều đã trải qua sửa đổi, bổ sung, thay thế.
Vì vậy, việc thực thi Luật Thủ đô, cơ chế tự chủ của chính quyền TP bị hạn chế bởi vừa vướng căn cứ pháp lý cũ, lại vừa ảnh hưởng bởi văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau này. Luật Thủ đô cũng thiếu những quy định giúp Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đô thị vệ tinh; cơ chế lựa chọn nhà thầu đối với một số dự án quan trọng.
Nhằm giải quyết những khúc mắc này, Hà Nội đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép triển khai thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các quận, thị xã và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.
Song, việc phối hợp trong việc xây dựng một số văn bản triển khai cụ thể hóa Luật Thủ đô còn chậm; công tác nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển còn chưa đầy đủ, đồng bộ so với yêu cầu.
Cần những chính sách đặc thù và vượt trội
Đóng góp ý kiến trong xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), chuyên gia cho rằng cần sửa đổi hướng tới những chính sách đặc thù và vượt trội cho Hà Nội, xây dựng trên tinh thần “Thủ đô vì cả nước” để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của các địa phương.
Luật giúp TP được trao thêm quyền để có thể phát huy tính sáng tạo, tăng tính tự chủ của chính quyền để xử lý được thêm những việc khó khăn mà trước đây TP chưa có công cụ thực hiện. Bên cạnh đó, Luật Thủ đô không chỉ hướng tới phát triển kinh tế mà còn phải hướng tới các chính sách riêng có về văn hóa, lịch sử và bảo tồn nhằm duy trì những bản sắc riêng biệt của Hà Nội.
Hà Nội mong có thêm những cơ chế, chính sách đặc thù đối với các dự án lớn, quan trọng của TP. Ảnh minh họa: Việt Linh. |
Trong phần kiến nghị, UBND Hà Nội cho rằng luật sửa đổi cần thêm nguyên tắc áp dụng Luật Thủ đô khi luật chuyên ngành thay đổi làm hạn chế thẩm quyền, cơ chế chính sách xây dựng, phát triển và quản lý của Hà Nội.
Luật cần bổ sung quy định về khai thác, phát huy lợi thế từ quỹ đất đô thị có giá trị kinh tế cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP nhanh và bền vững; bổ sung cơ chế quản lý của chính quyền đô thị về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, tại các đô thị vệ tinh tại Hà Nội.
Hà Nội mong muốn luật cho phép phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung. Chủ đầu tư khu nhà ở, khu đô thị được lựa chọn hình thức nộp tiền tương đương với giá trị quỹ đất 25% để đầu tư nhà ở xã hội tập trung hoặc hỗ trợ cho đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Luật Thủ đô được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2012, gồm 4 chương và 27 điều. Luật bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Luật quy định vị trí, vai trò của thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ thủ đô Hà Nội.
Bình luận