Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 10/12, giá Bitcoin một lần nữa rơi xuống dưới ngưỡng 50.000 USD/đồng. Tính đến 14h30, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 47.700 USD/đồng, giảm gần 4% so với 24 giờ trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin bị thu hẹp còn 902 tỷ USD. Theo CoinMarketCap, so với mức đỉnh 68.789 USD/đồng được thiết lập hôm 10/11, Bitcoin đã giảm giá hơn 30%. Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin lao dốc hơn 15%.
Giá Bitcoin biến động dữ dội trong vòng những tuần qua. Hôm 4/12, giá Bitcoin rơi thẳng từ hơn 52.000 USD/đồng xuống mức 43.000 USD/đồng. Nhưng chỉ 3 ngày sau đó, đồng tiền đã lấy lại mốc 52.000 USD/đồng.
Hôm 10/12, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 48.000 USD/đồng, giảm gần 4% so với 24 giờ trước đó. Ảnh: CoinMarketCap. |
Điều chỉnh mạnh
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của tiền mã hóa giảm 5,65% xuống còn 2.240 tỷ USD. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - giảm 7,9% so với 24 giờ trước đó xuống còn 4.033 USD/đồng.
"Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới lại một lần nữa trượt xuống dưới ngưỡng 50.000 USD/đồng", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) bình luận với Zing.
"Bitcoin sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong thời gian tới. Như chúng ta đã từng chứng kiến ở quá khứ, các đợt điều chỉnh giá có thể rất mạnh và khiến giới đầu tư chịu thiệt hại", vị chuyên gia tài chính nhận định.
"Nhưng như những gì chúng ta đã trải qua từ đầu năm đến nay, giá vẫn có thể hồi phục nhanh chóng và thiết lập mức cao mới", ông Erlam nói thêm.
Bitcoin sẽ đối mặt với nhiều rủi ro trong thời gian tới. Như chúng ta đã từng chứng kiến ở quá khứ, các đợt điều chỉnh giá có thể rất mạnh và khiến giới đầu tư chịu thiệt hại
Chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London)
Giá Bitcoin đã lao dốc mạnh kể từ khi thiết lập kỷ lục gần 64.000 USD/đồng ngày 14/4. Đến tháng 7, Bitcoin có thời điểm được giao dịch dưới ngưỡng 30.000 USD/đồng. Nguyên nhân là việc hãng xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk ngừng chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin vì những lo ngại về môi trường.
Cùng với đó là việc chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa.
Tuy nhiên, Bitcoin bắt đầu trở lại đà tăng giá từ giữa tháng 7. Đến tháng 11, đồng tiền này xô đổ kỷ lục giá cũ và thiết lập đỉnh mới gần 69.000 USD/đồng.
"Hãy nhớ rằng những biến động như vậy đã không còn quá xa lạ đối với tiền mã hóa", bà Kiana Danial - Giám đốc điều hành của Invest Diva - nhận định. "Sau các đợt điều chỉnh, giá Bitcoin có thể tăng trở lại và thiết lập mức cao mới trong năm tới", vị chuyên gia dự báo.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cảnh báo về những biến động mạnh, có thể đẩy giá Bitcoin xuống thấp hơn nữa trong một vài tháng tới.
Nguy cơ mất mốc 40.000 USD/đồng
Theo bà Katie Stockton - nhà sáng lập công ty phân tích kỹ thuật Fairfield Strategies, các mức hỗ trợ tiếp theo của giá Bitcoin có thể là 44.000 USD/đồng và 37.000 USD/đồng. Đà tăng trong ngắn hạn và trung hạn của Bitcoin có khả năng bị đe dọa.
"Chúng tôi cho rằng rủi ro sẽ tăng cao trong ngắn hạn, thậm chí 2 tháng hoặc lâu hơn", vị chuyên gia cảnh báo.
Theo Wall Street Journal, một trong những mối lo ngại hàng đầu của các nhà lập pháp Mỹ là sự phát triển quá nóng của tiền mã hóa. Chúng có thể đe dọa sự ổn định tài chính, tạo điều kiện cho những hành vi lừa đảo và thao túng thị trường. Thêm vào đó, việc khai thác tiền mã hóa tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Còn theo chuyên gia Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ), giá Bitcoin có thể sụt giảm mạnh mẽ bởi các giao dịch ký quỹ (hình thức sử dụng tiền vay của bên trung gian để mua tiền mã hóa) quá mức. "Cùng với đó là thị trường tăng giá kéo dài. Điều này khiến Bitcoin trở nên dễ tổn thương hơn", vị chuyên gia giải thích.
Sau cú rơi hồi tháng 5, giá Bitcoin đã phục hồi mạnh mẽ và thiết lập kỷ lục mới. Ảnh: CoinMarketCap. |
Tuy nhiên, theo ông, việc Bitcoin sụt giá mạnh không đồng nghĩa với bong bóng Bitcoin tan vỡ. "Không gian tiền mã hóa vẫn đang phát triển", vị chuyên gia khẳng định.
Thị trường tiền mã hóa cũng nhạy cảm với các thông tin chính sách. Giới đầu tư muốn chờ xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và những ngân hàng trung ương khác phản ứng thế nào với tình trạng lạm phát tăng cao.
Theo người đứng đầu FED, quá trình giảm mua trái phiếu hàng tháng có thể diễn ra nhanh hơn so với lịch trình được công bố hồi đầu tháng 11. Thị trường tiền mã hóa và các tài sản rủi ro khác có thể chịu tác động tiêu cực nếu FED sớm nâng lãi suất và rút lại những biện pháp kích thích kinh tế.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, những ảnh hưởng tiêu cực từ biến thể virus mới cũng có thể cản trở kế hoạch thắt chặt tiền tệ và tài khóa của FED.