Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chuyên gia Đức: 'Gói kích thích sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp ở Việt Nam'

Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức cho rằng Việt Nam cần nâng cao nội lực của nền kinh tế và doanh nghiệp để bật dậy từ đại dịch.

Kinh te Viet Nam anh 1

Nền kinh tế Việt Nam đã bước vào những tháng cuối của năm 2021 nhiều thăng trầm. Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Zing, ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam - cho biết đa số doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đều lạc quan rằng tình hình sẽ được cải thiện trong năm tới.

Theo ông, Chính phủ Việt Nam nên đưa ra các chương trình để thúc đẩy chính những doanh nghiệp trong nước và nâng cao năng lực của người lao động.

Điều này có thể giúp nền kinh tế vực dậy và đi lên từ đại dịch, nhất là khi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng trên toàn cầu đang thúc đẩy các doanh nghiệp quốc tế tìm kiếm giải pháp thay thế.

Kinh te Viet Nam anh 2

Ông Marko Walde - Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Triển vọng phục hồi

- Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có biện pháp gì để duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh trong quãng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, thưa ông?

- Trước hết, tôi tin rằng tất cả công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Đức tại Việt Nam, đã tuân thủ các quy tắc nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn virus lây lan. Doanh nghiệp cũng áp dụng những chiến dịch của Chính phủ hoặc các chính quyền địa phương, chẳng hạn "1 cung đường, 2 điểm đến" hoặc "3 tại chỗ".

Trong thời điểm này, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Họ không thể miễn nhiễm với những mối lo ngại trên toàn cầu, chẳng hạn tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu, hậu cần và gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều công ty buộc phải tăng giá.

Tại Việt Nam, người lao động gặp một số hạn chế trong việc di chuyển, nhất là di chuyển giữa các tỉnh. Doanh nghiệp cũng phải áp dụng những quy tắc để tách biệt khu vực sản xuất của mình, đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của người lao động, đồng thời đảm bảo hoạt động kinh doanh và sản xuất diễn ra bình thường.

Hầu hết doanh nghiệp đều khá lạc quan rằng tình hình sẽ cải thiện trong quý đầu tiên của năm 2022, hoặc chậm nhất là quý II

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

- Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam có kế hoạch gì để phục hồi trong thời kỳ hậu Covid-19, thưa ông?

- Tôi cho rằng tất cả đều đang lên các kế hoạch, chiến lược để phục hồi từ hố sâu của đại dịch.

Theo tôi, điều cần thiết đối với mỗi công ty là tạo ra một môi trường làm việc an toàn cho các nhân viên. Đó là ưu tiên hàng đầu trong quá trình phục hồi từ đại dịch.

Ngoài ra, thời kỳ Covid-19 đã thúc đẩy quá trình số hóa. Khi đại dịch qua đi, chúng ta vẫn có thể lựa chọn giữ những mặt tốt và phù hợp ở lại. Chẳng hạn, khái niệm "văn phòng tại nhà" có khả năng tiếp tục trong tương lai.

Nhìn chung, các doanh nghiệp cần đảm bảo môi trường làm việc an toàn, phù hợp và thoải mái cho người lao động trong quá trình phục hồi từ đại dịch.

- Ông đánh giá thế vào về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, thưa ông?

- Hy vọng rằng trong giai đoạn này, chúng ta sẽ chứng kiến sự kết thúc của đại dịch Covid-19. Như tôi đã nói, các công ty tại Việt Nam nên chuẩn bị xây dựng một chiến lược trở lại, thiết lập những quy tắc cho quy trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong tương lai.

Theo các cuộc khảo sát của chúng tôi, hầu hết doanh nghiệp đều khá lạc quan rằng tình hình sẽ cải thiện trong quý đầu tiên của năm 2022, hoặc chậm nhất là quý II. Khi đó, chúng ta có thể chứng kiến những con số mà chúng ta từng đạt được vào năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.

Nâng cao sức khỏe của doanh nghiệp trong nước

- Sau làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài có thay đổi niềm tin vào môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam hay không, thưa ông?

- Tôi sẽ không nói rằng niềm tin của các nhà đầu tư thay đổi. Nhưng dĩ nhiên, trong những năm trước, chúng ta đã có một môi trường đầu tư và kinh doanh rất thuận lợi.

Nhiều nhà đầu tư châu Âu nói chung và Đức nói riêng theo đuổi chiến lược "Trung Quốc cộng một", tức đa dạng hóa dây chuyền sản xuất để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Đây sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm giúp các nhà đầu tư Đức tối ưu chiến lược và Việt Nam luôn là một phần của giải pháp này. Đặc biệt, đối với một số công ty, Việt Nam thậm chí là lựa chọn đầu tư tốt nhất.

Nhưng trong nửa cuối năm 2021, chúng ta đã chứng kiến một số gián đoạn tại Việt Nam. Vì thế, Việt Nam không phải lúc nào cũng là một phần của các giải pháp. Nhưng tình hình đang ngày càng được cải thiện.

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang nỗ lực lấy lại niềm tin và sự lạc quan của những nhà đầu tư nước ngoài, chứng minh rằng đất nước các bạn là một địa điểm đầu tư thực sự đáng tin cậy và phù hợp cho những doanh nghiệp Đức và các công ty quốc tế khác.

- Ông đưa ra khuyến nghị gì để Chính phủ Việt Nam có thể gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu Covid-19, thưa ông?

- Các công ty Đức đầu tư vào Việt Nam luôn cam kết đầu tư lâu dài với những thiết bị tốt nhất và hiện đại nhất. Do đó, đối với các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam, những gì chúng tôi thực sự cần là các đối tác cung cấp địa phương, lực lượng lao động được giáo dục và có kỹ năng.

Chúng tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để giúp chính các doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển lớn mạnh, nhờ đó, họ có thể trở thành đối tác kinh doanh tốt của những nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Kinh te Viet Nam anh 3

Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam mong muốn có những nhà cung cấp địa phương, lực lượng lao động được giáo dục và có kỹ năng. Ảnh: Hoàng Hà.

Cùng với đó là duy trì và phát triển hơn nữa hệ thống giáo dục và đào tạo của đất nước. Quy trình sản xuất hiện đại sẽ cần đến những lao động có học vấn và kỹ năng.

- Các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chịu ảnh hưởng như thế nào trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?

- Các doanh nghiệp Đức và những công ty quốc tế khác đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Tôi cho rằng vấn đề này xảy ra ở mọi đất nước trên thế giới và tại châu Á.

Chúng ta đang chứng kiến tình trạng thiếu hụt hậu cần đối với các nhà cung cấp. Một số quy trình tiền sản xuất cũng bị gián đoạn.

Đó là tình huống mà các doanh nghiệp trên toàn thế giới đều phải đối mặt, chứ không riêng gì Việt Nam. Tình trạng này tạo thêm thách thức đối với quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới, buộc tất cả phải tìm cách xử lý.

Mỗi công ty đều tìm kiếm những biện pháp phù hợp của riêng mình. Chẳng hạn, trong bối cảnh nguồn cung bị gián đoạn, doanh nghiệp có thể tìm một số nhà cung cấp thay thế hoặc các lựa chọn thay thế khác.

Một số doanh nghiệp quốc tế có thể tìm tới những nhà cung cấp Việt Nam. Vì thế, một lần nữa, Chính phủ Việt Nam cần khởi động một số chương trình để giúp các công ty trong nước ngày càng lớn mạnh.

Tung thêm các gói hỗ trợ tài chính

- Theo ông, Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những biện pháp gì để thúc đẩy quá trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế?

- Theo tôi, Chính phủ cần tạo ra các nền tảng để kết nối doanh nghiệp lại với nhau. Ở đó, những doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp quốc tế tại Việt Nam có thể chia sẻ thông tin, chẳng hạn cách doanh nghiệp tận dụng tối đa những lợi tích mà các hiệp định thương mại tự do như với Liên minh châu Âu.

Việt Nam cũng có thể tổ chức các hội chợ hoặc triển lãm thương mại. Ở đó, doanh nghiệp có thể gặp gỡ những công ty quốc tế khác trong ngành, hợp tác và cùng phát triển.

Chúng tôi mong rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện để giúp doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh, từ đó tạo tính lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của những doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam

Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng giáo dục như tôi đã nói ở trên. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo, nâng cao kỹ năng cho nhân viên của mình để tận dụng cơ hội từ quá trình phục hồi sau dịch Covid-19.

- Việt Nam và các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể học hỏi gì từ làn sóng Covid-19 thứ 4, đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất và kinh doanh, thưa ông?

- Tất cả đều có thể có được bài học sau làn sóng dịch Covid-19. Những tình huống như đại dịch sẽ ảnh hưởng tới mọi thứ và chúng ta cần chuẩn bị cho các tình huống như vậy.

Cuối cùng, chúng ta cũng có thể nhìn vào mặt tốt của một cuộc khủng hoảng, chẳng hạn việc thúc đẩy quá trình số hóa thương mại, cũng như nhận thức về việc cần bảo vệ tốt hơn cho người lao động làm việc tại nhà.

- Ông có cho rằng Việt Nam cần đưa ra thêm các gói kích thích kinh tế không, thưa ông?

- Các gói kích thích kinh tế có thể hỗ trợ và gia tăng niềm tin của những doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Việt Nam cũng nên đưa ra các chính sách linh hoạt, giảm hoặc miễn trừ thuế để tạo ra không gian thở cho doanh nghiệp trong quá trình phục hồi.

Hãy thúc đẩy các doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động và chúng ta sẽ chứng kiến nền kinh tế đi lên. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần theo dõi tỷ lệ lạm phát chặt chẽ. Tỷ lệ lạm phát đã gia tăng ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Tôi biết rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đến vấn đề này. Tôi cũng đặt niềm tin vào năng lực lãnh đạo của các cơ quan quản lý trong những năm qua.

Khủng hoảng chuỗi cung ứng khiến nền kinh tế toàn cầu mắc kẹt

Nền kinh tế toàn cầu gượng dậy sau quãng thời gian lao đao vì dịch Covid-19, nhưng đang mắc kẹt trong vụ tắc nghẽn chuỗi cung ứng nghiêm trọng nhất lịch sử.

CEO Mascot: Công ty quốc tế cắt giảm sản xuất nhưng không rời Việt Nam

Nói với Zing, tổng giám đốc Mascot International cho rằng chỉ khi đạt độ phủ vaccine Covid-19 cao, Việt Nam mới có thể đưa các hoạt động kinh doanh về trạng thái "bình thường mới".

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm