Khi Hải Dương trở thành điểm nóng Covid-19 hồi tháng 2, Mascot International Vietnam Ltd. không ghi nhận bất cứ ca dương tính nào tại nhà máy. Ông Thomas Bo Pedersen - Tổng giám đốc Mascot International Vietnam Ltd. - cho biết hoạt động của công ty không bị ảnh hưởng quá lớn.
Nhưng vị doanh nhân người Đan Mạch thừa nhận đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam nghiêm trọng hơn rất nhiều. Trong cuộc phỏng vấn với Zing, ông Pedersen cho rằng chỉ khi đạt độ phủ vaccine Covid-19 cao, Việt Nam mới có thể "sống chung với virus", các hoạt động kinh doanh trở về trạng thái "bình thường mới".
Theo ông Thomas Bo Pedersen, các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn rằng một khi tình hình đã cải thiện đến mức có thể nới lỏng hạn chế, Chính phủ Việt Nam sẽ làm điều đó ngay lập tức.
Các doanh nghiệp quốc tế kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sớm nới lỏng các biện pháp giãn cách để phục hồi sản xuất. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đẩy nhanh tiêm chủng để tiến tới "bình thường mới"
- Các hoạt động của công ty ông tại Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào do đợt bùng phát dịch Covid-19, thưa ông?
- Khi Hải Dương - nơi đặt nhà máy của công ty chúng tôi - trở thành điểm nóng Covid-19 hồi tháng 2, chúng tôi may mắn không ghi nhận bất cứ trường hợp dương tính nào trong nhà máy hay ở gia đình của các nhân viên.
Trên thực tế, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được chuẩn bị và triển khai từ năm ngoái. Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 tại Việt Nam, chúng tôi đã làm theo hướng dẫn của chính quyền Hải Dương, thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt và được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Do đó, hoạt động của nhà máy không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, chúng tôi tiếp tục thực hiện những biện pháp này. Dĩ nhiên, giống như các doanh nghiệp khác, chi phí của chúng tôi cũng tăng lên. Ở thời kỳ dịch bệnh, chúng ta không thể duy trì hoạt động sản xuất đầy đủ, an toàn một cách miễn phí.
Ngay từ những ngày đầu, chúng tôi đã nghiêm túc tuân thủ 5K, liên tục hướng dẫn và nhắc nhở nhân viên thực hiện 5K. Chúng tôi cũng thực hiện một số biện pháp ngăn cách vật lý để đảm bảo mọi người không tiếp xúc quá gần khi làm việc với nhau.
Chẳng hạn, chúng tôi sử dụng các tấm chắn bằng thủy tinh hoặc nhựa. Khi ăn trưa, không ai được ngồi đối diện trực tiếp với nhau. Tất cả nhân viên đều phải đeo khẩu trang trong thời gian làm việc.
- Ông có cho rằng Việt Nam cần sớm mở cửa trở lại để khôi phục các hoạt động kinh tế?
Ông Thomas Bo Pedersen trong cuộc phỏng vấn trực tuyến với Zing. |
Nới lỏng giãn cách và mở cửa kinh tế là điều mà mọi người đều trông chờ. Nhiều doanh nghiệp cũng kêu gọi Chính phủ xóa bỏ các hạn chế nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam vẫn là y tế. Sau các cuộc trao đổi riêng với Thủ tướng Phạm Minh Chính và những lãnh đạo khác của Việt Nam, tôi cũng đồng tình với việc Chính phủ áp dụng các hạn chế nếu điều đó là cần thiết.
Hàng trăm nghìn người nhiễm bệnh và hàng nghìn người tử vong trong làn sóng dịch bệnh thứ 4. Việt Nam đã làm mọi cách có thể để giảm thiểu khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tôi không thể đến nhà máy của mình trong gần nửa năm. Tôi phải ở nhà và dĩ nhiên, điều đó khiến tôi nản lòng. Những hạn chế nhằm ngăn ngừa dịch bệnh không chỉ gây tổn hại cho các hoạt động kinh doanh, mà còn đẩy nhiều người dân vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam sẽ không áp dụng những hạn chế nghiêm ngặt như vậy nếu chúng không thực sự cần thiết.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đang kêu gọi Chính phủ: "Hãy mở cửa ngay bây giờ", "Hãy nới lỏng các hạn chế ngay bây giờ". Nhưng điều tôi muốn nói với Chính phủ là: "Hãy làm vậy nếu các vị tin rằng mọi thứ đã an toàn. Nếu không, đừng làm vậy".
Điều gì sẽ xảy ra nếu các hạn chế được nới lỏng quá sớm, trong khi những mối nguy vẫn còn trong xã hội?
Một khi tình hình đã được cải thiện đến mức có thể nới lỏng các hạn chế một cách đáng kể, hãy thực hiện điều đó ngay lập tức
Ông Thomas Bo Pedersen, Tổng giám đốc Mascot International Vietnam Ltd.
Chỉ có một lời giải cho "bài toán Covid-19". Đó là đại đa số người dân được tiêm chủng đầy đủ. Các quốc gia khác trên thế giới bắt đầu nói về việc "sống chung với virus" khi đã đạt tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cao.
Chính phủ Việt Nam cũng đã khẳng định rằng chúng ta không thể để các hoạt động bị đình trệ mãi. Nhưng độ phủ vaccine Covid-19 của Việt Nam vẫn thấp. Vậy nên ở thời điểm hiện tại, còn quá rủi ro để tuyên bố rằng: "Giờ, chúng ta có thể sống chung với virus".
Tôi tin rằng Việt Nam có thể học hỏi từ các quốc gia khác trên thế giới. Đan Mạch - đất nước nhỏ bé của tôi - đã hoàn toàn mở cửa. Nhưng trước đó, Đan Mạch phải phong tỏa trong vòng một năm rưỡi. Mọi trường học, nhà hàng đều đóng cửa, doanh nghiệp phải hoạt động cùng với rất nhiều hạn chế. Tất cả nhân viên trong khu vực công của đất nước được yêu cầu làm việc từ xa. Bởi các nhà lãnh đạo vẫn cảm thấy chưa chắc chắn.
Họ chỉ có thể mở cửa khi thực sự cảm thấy an toàn. Lý do là Đan Mạch hoàn thành tiêm chủng đầy đủ cho gần như 80% dân số. Nếu không tính đến trẻ em, gần như 100% người trưởng thành Đan Mạch đã hoàn thành tiêm chủng.
Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, chưa đến 10% dân số Việt Nam hoàn thành tiêm chủng. Khi tỷ lệ tiêm chủng tại Hà Nội và TP.HCM tăng lên, chúng ta đã thấy một số hạn chế được nới lỏng.
Một năm về trước, Việt Nam gần như không ghi nhận ca nhiễm nào. Không nhiều người nghĩ rằng việc chi hàng triệu USD cho tiêm chủng là cần thiết. Bởi Covid-19 không ở đây. Nhưng không may, dịch bệnh đã đến và tấn công rất mạnh mẽ.
Chính phủ đã thực hiện những bước quyết liệt để đưa vaccine về Việt Nam. Thủ tướng đề nghị những quốc gia khác tăng cường hỗ trợ vaccine cho Việt Nam. Và các nước khác cũng tích cực hưởng ứng. Vaccine đổ vào đất nước từ mọi nơi trên thế giới.
Tôi tin rằng khi chúng ta đạt mục tiêu tiêm chủng đại trà, chúng ta có thể sống chung với virus. Khi đó, các trường học sẽ mở cửa trở lại, những hạn chế di chuyển được dỡ bỏ. Nhưng đó là một quá trình chậm rãi và cẩn trọng.
Còn đối với chúng tôi, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, những gì chúng tôi cần ở Chính phủ là bình thường hóa môi trường kinh doanh ngay khi có thể. Một khi tình hình đã được cải thiện đến mức có thể nới lỏng các hạn chế một cách đáng kể, hãy thực hiện điều đó ngay lập tức.
Điều duy nhất thực sự giúp ích cho chúng ta về lâu dài là trở về những gì được gọi là "bình thường mới".
Doanh nghiệp FDI sẽ không di dời quy mô lớn
- Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển đơn hàng sang các quốc gia khác. Ông có cho rằng làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 làm giảm sức hút FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Việt Nam?
- Tôi đã nghe về việc một số doanh nghiệp chuyển đơn hàng sang các nước khác. Nhưng tôi không cho rằng nó sẽ được thực hiện ở quy mô lớn.
Với tư cách một công ty lớn, nếu rời khỏi Việt Nam, bạn sẽ mất toàn bộ khoản đầu tư hàng triệu USD, từ máy móc, chi phí đào tạo người lao động đến nhiều thứ khác mà công ty của bạn xây dựng ở Việt Nam. Chẳng ai đền bù cho bạn số tiền đó.
Mặt khác, nếu chuyển sang các nước khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan hay Indonesia, bạn cũng không có được lời giải chắc chắn. Bởi dịch Covid-19 là một vấn đề toàn cầu chứ không riêng gì Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, rất ít quốc gia không áp dụng các hạn chế cơ bản để ngăn ngừa dịch bệnh.
Một số công ty nước ngoài ở Việt Nam đang gặp những khó khăn về mặt tài chính. Do đó, họ có thể tạm thời cắt giảm sản xuất tại Việt Nam. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc di dời hoàn toàn.
Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ mất nguồn thu, hàng triệu người lao động không còn việc làm trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 4. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đối với sức hút FDI của Việt Nam, tôi không cho rằng nó sẽ giảm đi. Đợt bùng phát Covid-19 là ngắn hạn. Trong khi đó, các nhà đầu tư cân nhắc đến những vấn đề dài hạn hơn. Thay vì tập trung vào vấn đề hiện tại, họ nhìn rộng ra 15-20 năm sau.
Dịch Covid-19 chỉ là một tham số rất nhỏ khi đưa ra quyết định. Dòng vốn FDI sẽ vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam sau dịch Covid-19.
- Đối với những doanh nghiệp có ý định chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, theo ông, đợt bùng phát Covid-19 mới có khiến họ cân nhắc lại hay không?
- Tôi không nghĩ như vậy. Đợt bùng phát dịch Covid-19 ở Việt Nam có thể khiến kế hoạch của họ bị trì hoãn. Tuy nhiên, quyết định chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam chỉ đến từ một lý do. Đó là Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt hơn Trung Quốc trong tương lai.
Các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc tất cả con số như chi phí lao động, chuỗi cung ứng, nguồn cung điện, hệ thống luật và quy định... Những khó khăn do dịch Covid-19 có thể làm trì hoãn, nhưng không thay đổi kế hoạch.
- Ông có khuyến nghị gì đối với Việt Nam để mở cửa lại nền kinh tế và đảm bảo sức khỏe cộng đồng, thưa ông?
- Tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là đẩy nhanh chương trình tiêm chủng đại trà. Ưu tiên thứ hai cũng đã được tôi đề xuất với Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đó là đảm bảo rằng các công ty vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể tiếp tục tồn tại.
Với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam gần 20 năm, làn sóng bùng phát thứ 4 không làm thay đổi niềm tin của mình vào triển vọng kinh tế của đất nước
Ông Thomas Bo Pedersen, Tổng giám đốc Mascot International Vietnam Ltd.
Chúng tôi, các doanh nghiệp FDI, sẽ là những đối tượng cuối cùng trải qua khủng hoảng tài chính vì đại dịch. Do đó, Chính phủ nên quan tâm đến bộ phận đông đảo hơn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đang gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng.
Họ là những đối tượng dễ tổn thương nhất của khu vực kinh doanh. Chúng tôi biết rằng các nguồn lực tài chính của Chính phủ là hạn chế. Do đó, mọi nguồn lực sẵn có để hỗ trợ doanh nghiệp nên được chuyển đến những bộ phận yếu kém nhất.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, thưa ông?
- Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt trong năm đầu tiên của đại dịch. Với các biện pháp chống dịch hiệu quả, Việt Nam là một trong số ít quốc gia duy trì tăng trưởng dương, trong khi những nền kinh tế khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Nhưng tình hình đã thay đổi trong năm thứ 2. Hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam gặp rắc rối lớn và trượt đến bờ vực phá sản. Họ không có doanh thu trong nhiều tháng và vẫn phải trả những khoản chi cố định.
Đó cũng là vấn đề rất, rất lớn với hàng triệu người lao động Việt Nam. Nhiều người mất việc làm và không còn thu nhập.
Nó khiến tôi nhớ lại gần 40 năm trước, khi tôi lần đầu đến Việt Nam, đất nước còn nghèo. Dĩ nhiên, kinh tế Việt Nam đã đi được một chặng đường dài trong 40 năm qua. Nhưng hiện giờ, hàng nghìn người cũng gặp rắc rối lớn.
Tôi mong rằng chuyện này sẽ sớm kết thúc. Và với tư cách là một nhà đầu tư nước ngoài đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam gần 20 năm, làn sóng bùng phát thứ 4 không làm thay đổi niềm tin của tôi vào triển vọng kinh tế của đất nước.
Với những nhà đầu tư mất niềm tin vào Việt Nam, tôi cho rằng họ chưa phân tích tình hình một cách đầy đủ. Dịch Covid-19 mang đến rất nhiều vấn đề, nhưng không làm thay đổi quan điểm hay niềm tin của tôi dành cho Việt Nam như một điểm đến đầu tư.