15 năm qua, nhà khoa học Trung Quốc Shi Zhengli đã cảnh báo thế giới rằng dơi mang virus corona có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Loài động vật có vú biết bay này có thể là thủ phạm gây ra đại dịch đang càn quét toàn cầu. Tiến sĩ Shi và các phòng thí nghiệm của bà ở Vũ Hán, nơi lần đầu tiên virus xuất hiện, đang chịu những nghi ngờ lớn.
Bà Shi được truyền thông Trung Quốc gọi là “người phụ nữ dơi”. Nhà khoa học 55 tuổi tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) và các đồng nghiệp đã tích lũy một kho virus và các mầm bệnh khác thu thập trong nhiều năm từ dơi trên khắp Trung Quốc.
Nhà virus học Trung Quốc Shi Zhengli bên trong phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào năm 2017. Ảnh: AFP. |
Với kinh nghiệm và kho mẫu vật của mình, bà Shi xác định rằng virus corona mới xuất hiện ở Vũ Hán rất có thể đến từ một con dơi. Trên thực tế, một mẫu vật bà Shi thu thập ở tỉnh Vân Nam vào năm 2013 có trình tự gen giống khoảng 96% với virus corona gây ra Covid- 19, theo Wall Street Journal.
Những điều này đặt ra câu hỏi về việc liệu virus corona gây ra đại dịch hiện tại có thoát ra khỏi phòng thí nghiệm của bà Shi hay không.
"Không lý nào virus xuất phát ở phòng thí nghiệm Vũ Hán"
Trong một bài báo vào tháng 2, các nhà khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng chợ Vũ Hán, nơi virus corona bắt đầu lan rộng vào cuối năm ngoái, nằm gần với phòng thí nghiệm của bà Shi và một nhà khoa học khác từng làm việc với dơi tại Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Vũ Hán.
Các tác giả rút lại bài báo trên sau khi nó được quốc tế chú ý đến.
Các nhà khoa học làm việc với bà Shi cho biết công việc của bà chủ yếu liên quan đến xác định trình tự gen trên máy tính. Theo các nhà khoa học, bà Shi sử dụng các mẫu lấy từ dơi để nuôi cấy virus trong phòng thí nghiệm, nhưng bà Shi nói với các đồng nghiệp rằng những mẫu virus không có loại virus đã gây ra Covid-19.
Một phòng thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ quan ngại về an toàn sinh học ở Vũ Hán và Trung Quốc nói chung. Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh năm 2018 đã gửi các bức điện ngoại giao cho quan chức ở Washington cảnh báo rằng các thí nghiệm quan trọng nhưng đầy rủi ro về virus corona trên dơi đang được tiến hành ở Vũ Hán.
Tiến sĩ Shi và chính phủ Trung Quốc nói không có bằng chứng cho thấy virus đến từ các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Giới khoa học nói chung tin rằng mầm bệnh đã truyền trực tiếp qua người từ dơi hoặc qua động vật trung gian khác. Động vật hoang dã thường xuyên được bày bán ở chợ Vũ Hán.
Bà Shi đã phản ứng mạnh mẽ với các nghi ngờ về nguồn gốc của virus. Trong bài đăng trên mạng xã hội hồi tháng 2, bà Shi nói bà “có thể đảm bảo bằng mạng sống” rằng virus không xuất phát từ phòng thí nghiệm của bà. Bà cũng khuyên “những người tin tưởng và lan truyền những tin đồn độc hại trên truyền thông nên ngậm miệng lại”.
Người dân Trung Quốc đeo khẩu trang để tránh lây lan virus. Ảnh: AFP. |
Sếp của bà Shi, ông Yuan Zhiming, quan chức cấp cao tại phòng thí nghiệm Vũ Hán, cũng phản bác các tin đồn. Ông Yuan nói trên truyền hình nhà nước Trung Quốc trong tháng này việc mọi người nghi ngờ phòng thí nghiệm là điều dễ hiểu, nhưng “không lý nào virus này xuất phát từ chỗ chúng tôi”.
Với những người bảo vệ bà Shi, đại dịch này là sự trùng hợp bi thảm với một nhà khoa học dành cả cuộc đời của mình theo dõi các mối đe dọa đối với sức khỏe con người.
“Ngoài đó toàn là thuyết âm mưu nếu bạn muốn tin vào điều đó”, ông Peter Daszak, Chủ tịch của EcoHealth Alliance, tổ chức phi lợi nhuận về sức khỏe môi trường có trụ sở tại New York nói với Wall Street Journal.
Ông Daszak đã cộng tác với tiến sĩ Shi trong nhiều năm. “Những thuyết âm mưu này không đúng chút nào”.
Bà Jonna Mazet, chuyên gia về đại dịch tại Đại học California Davis, người đã làm việc với bà Shi trong một thập kỷ, cho biết nhà khoa học Trung Quốc đang phân loại tất cả virus corona mà bà đã nghiên cứu trong nhiều năm qua. Bà Shi nói với bà Mazet rằng “tôi chưa từng có virus này trong phòng thí nghiệm trước khi mọi người bị bệnh”.
Nghi vấn nuôi dơi trong phòng thí nghiệm
Tiến sĩ Shi bắt đầu sự nghiệp khoa học nghiên cứu virus với các sinh vật dưới nước như tôm. Tuy nhiên, đại dịch SARS năm 2003 ở Trung Quốc đã cho nước này thấy tầm quan trọng của khoa học, và bà Shi chuyển sang nghiên cứu nguồn gốc của virus gây ra SARS.
Năm 2004, bà Shi dẫn nhóm đến các vùng xa xôi của Trung Quốc để thu thập mẫu từ dơi liên quan đến SARS. Trước đó, SARS được cho là có nguồn gốc từ cầy hương. Nghiên cứu của bà Shi về căn nguyên của dịch SARS đã giúp bà phát hiện ra những điểm tương đồng rõ ràng giữa SARS và virus corona mới xuất hiện, hay SARS-CoV-2.
Bà Shi đã liên tục cảnh báo trên các tờ báo và phát biểu rằng các loại virus corona mà nhóm của bà tìm thấy ở dơi chắc chắn sẽ quay trở lại mạnh mẽ như SARS nếu các rủi ro như buôn bán động vật hoang dã Trung Quốc không được chú ý đến.
Màn hình quảng cáo ở một trung tâm mua sắm ở Quảng Châu, Trung Quốc, vào tháng trước khuyên mọi người: "Xin đừng bắt, ăn, mua và bán động vật hoang dã, đặc biệt là dơi và chuột hoang. Ảnh: Shutterstock. |
Đối với các nhà virus học, dơi là mắt xích quan trọng trong chuỗi truyền virus sang người. Loài dơi chiếm khoảng 20% trong số tất cả loài động vật có vú và có thể chứa nhiều virus hơn gấp 10 lần so với các loài chim.
Các virus này bao gồm những virus chết người như bệnh dại, Ebola và SARS. Mặc dù là một ổ virus, đối với người nghèo ở châu Á và châu Phi, dơi là một bữa ăn biết bay miễn phí.
Tiến sĩ Daszak nói rằng ông và bà Shi đã nghiên cứu các mẫu từ 15.000 con dơi nhưng hầu hết việc bắt dơi ở thực địa đều do người khác thực hiện. Ông nói công việc của mình và bà Shi chủ yếu liên quan đến giải trình tự ARN được tách ra khỏi virus, nghĩa là họ làm việc với vật chất không có khả năng lây nhiễm.
“Bà Shi là một nhà virus học trong phòng thí nghiệm, và bà ấy cực kỳ giỏi”, ông Daszak nói.
Một số tin tức ở Trung Quốc cho rằng bà Shi nuôi dơi trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán và đại dịch là kết quả một tai nạn phòng thí nghiệm.
Tiến sĩ Daszak cho biết ông chưa bao giờ thấy bất kỳ bằng chứng nào về điều đó. “Tôi chắc chắn rằng họ không có dơi ở Vũ Hán”. Ông cũng lưu ý rằng loài dơi móng ngựa mà họ đã nghiên cứu khó sống sót trong điều kiện nuôi nhốt.
Trong bài viết tóm tắt nghiên cứu kéo dài 5 năm về những con dơi sống trong một hang động đặc biệt ở tỉnh Vân Nam, bà Shi cũng lưu ý: “Những con dơi bị bắt trong nghiên cứu này đã được thả trở lại môi trường sống của chúng”.