Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia cảnh báo việc tăng thuế, phí ở TP.HCM

“Chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu hay ôtô thì phải cân nhắc kỹ. Nếu thuế ở đây cao, người ta đi nhập ôtô về chỗ khác”, ông Trần Du Lịch nói.

C

hiều 11/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp với các giám đốc sở, ngành, quận, huyện để bàn cách triển khai Nghị quyết chính sách cơ chế đặc thù phát triển TP.

Điều đặc biệt là cuộc họp này có mặt nhiều chuyên gia về tài chính và chính sách công như Trần Du Lịch, Vũ Thành Tự Anh, Huỳnh Thế Du...

Phải giải quyết được thách thức ùn tắc và ngập nước

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết các đề án nhỏ nhằm thực hiện nghị quyết sẽ được giao về các sở. “Chịu trách nhiệm chủ trì là các giám đốc sở, đây là trách nhiệm không thể thoái thác”, ông Phong nói. Người đứng đầu TP cũng kêu gọi các chuyên gia đóng góp và tham gia vào quá trình phát triển đề án.

Giám đốc Sở Nội vụ Trương Văn Lắm cũng đề nghị mời các chuyên gia nghiên cứu sâu các đề án được phân công. Đồng thời, ông Lắm cho rằng TP.HCM không nên chẻ nhỏ từng đề án mà phải tiến hành phân tích trên tổng thể. 

Chuyên gia Trần Du Lịch chúc mừng TP.HCM có nghị quyết sau nhiều năm theo đuổi. Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhìn nhận thời gian tới sẽ rất nhiều thách thức với TP vì “chúng ta kêu nhiều quá, giờ được rồi mà không làm được thì sẽ rất nhiều chuyện”.

Co che chinh sach dac thu phat trien TP.HCM anh 3
Ông Trần Du Lịch. Ảnh: Trương Khởi.

Ông Trần Du Lịch đặt ra hai vấn đề cần tập trung vào trọng tâm là tính tự chủ ngân sách địa phương và cải cách hành chính. Đặc biệt, với việc tăng thuế, phí, chuyên gia Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM phải nghiên cứu kỹ tác động của nó.

“Chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu hay ôtô thì phải cân nhắc kỹ. Bởi vì nếu thuế ở đây cao, người ta đi nhập ôtô về chỗ khác thì sao”, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân (Học viện Cán bộ TP.HCM) cho rằng thách thức của TP.HCM là kẹt xe và ngập nước. Do đó, các đề án của cơ chế đặc thù phải hướng đến việc giải quyết những vấn đề này. “Việc triển khai đề án phải giải quyết bằng được vấn đề cơ sở hạ tầng”.

Không hối tiếc

Ông Huỳnh Thế Du (Giảng viên Đại học Fulbright) khẳng định để thực hiện nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù thì phải cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút doanh nghiệp.

Đối với chính sách tăng thuế và phí, ông Du cho rằng phải thực hiện hiệu quả, công bằng. “Nếu làm không khéo, doanh nghiệp sẽ chạy hết sang địa phương khác dẫn đến tăng thuế nhưng tổng nguồn thu giảm. TP phải trở thành chỗ trũng để nơi khác dồn về chứ không thể biến thành nơi cao hơn khiến doanh nghiệp rời đi”, ông Du nhấn mạnh.

Chuyên gia cũng khẳng định việc khai thác giá trị từ đất có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng của TP. Theo ông Huỳnh Thế Du, nếu không khai thác được, việc giải quyết kẹt xe, ngập lụt sẽ rất khó.

Cùng quan điểm, ông Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright) cho rằng cần cân nhắc khi thực hiện các đề án tăng thuế. Ông Tự Anh cho rằng rượu, bia, thuốc lá làm tăng nguồn thu từ khách du lịch. Nếu đánh thuế cao khu vực này có thể làm giảm nguồn thu từ du lịch.

Ông Tự Anh cảnh báo TP.HCM phải đánh giá bức tranh tổng thể chứ đừng chỉ nhìn vào từng dự án cụ thể. Chúng ta thực hiện những đề án không hối tiếc, khẩn trương nhưng không thực hiện khi chưa có nghiên cứu chắc chắn.

“Điều quan trọng là tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế địa phương, tăng ngân sách cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chúng ta không được quên giá trị gia tăng lớn nhất của TP đến từ doanh nghiệp, doanh nghiệp là động cơ tăng trưởng. Nếu làm không khéo TP lại đẩy mặt bằng chi phí cao lên. Nền kinh tế không duy trì được sức sống thì sẽ tạo ra hiệu ứng ngược”, ông Vũ Thành Tự Anh nói. 

TP.HCM được đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù gì? Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đề xuất thành phố có thêm quyền tự quyết với ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng.

TP.HCM thông qua kế hoạch đầu tư công gần 40.000 tỷ đồng

Kế hoạch đầu tư công năm 2018 gần 40.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 843 tỷ đồng, vốn ODA 2.864 tỷ đồng, vốn ngân sách TP 36.165 tỷ đồng.

Hà Hương

Bạn có thể quan tâm