Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam nhìn nhận, hiện nay, các doanh nghiệp trong ngành cơ khí đang rất thiếu đơn hàng. Trong khi đó, giá cước vận tải tăng, thị trường yếu, chi phí tăng cao, nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng.
Ông đánh giá các doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí trong nước cũng có năng lực khá tốt ở một số lĩnh vực như: khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật... Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.
Do đó, hiện tại, các doanh nghiệp cơ khí đang cần các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là với một ngành có vai trò quan trọng hàng đầu, là nền tảng của nền kinh tế.
Khuyến khích sản xuất một số nguyên vật liệu cho ngành cơ khí
“Muốn tạo được nội lực thực chất cho ngành cơ khí Việt Nam, phải chăng các doanh nghiệp cần dựa vào các đơn hàng đầu tư công và hệ thống chính sách của Nhà nước; trong đó, việc bảo vệ thị trường nội địa là rất cần thiết và quyết định”, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam nói.
Theo ông Đào Phan Long, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Muốn tạo được nội lực thực chất cho ngành cơ khí Việt Nam, phải chăng các doanh nghiệp cần dựa vào các đơn hàng đầu tư công và hệ thống chính sách của Nhà nước; trong đó, việc bảo vệ thị trường nội địa là rất cần thiết và quyết định.
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam
Để khắc phục những tồn tại cản trở cơ khí Việt Nam phát triển, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam kiến nghị trong những năm tới, Việt Nam cần đầu tư nhiều cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư công. Chính phủ cũng cần có các chính sách khuyến khích sản xuất một số nguyên vật liệu cho ngành cơ khí chế tạo mà chúng ta đang phụ thuộc nước ngoài.
Cụ thể, cần có chính sách ưu đãi cả với các chủ dự án hoặc chủ đầu tư sử dụng sản phẩm cơ khí nội địa. Các ưu đãi về lãi suất nên thực hiện theo phương thức cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp với mức ổn định 5%/năm. Thời hạn hoàn vốn cho các dự án đầu tư cơ khí có thời gian gấp 1,5 lần các dự án khác, khoảng 10-12 năm.
Ông Long cũng đề xuất xem xét lại quy định thuế suất VAT đối với sản xuất cơ khí thay cho việc miễn giảm thuế như hiện nay.
Cởi bỏ rào cản thuế cho doanh nghiệp
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM, ông Đỗ Phước Tống cho rằng, trong nhiều yếu tố gây khó và cản trở sự phát triển cho doanh nghiệp ngành cơ khí trong nhiều năm qua phải kể đến chính sách thuế. Doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng mức thuế 0%, nhưng doanh nghiệp sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất thì phải chịu mức thuế 10%.
Một số bất cập khác trong chính sách thuế không chỉ dẫn đến sự chênh lệch về giá thành sản phẩm, mà còn làm cho thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Đồng thời, thị trường tiêu dùng sản phẩm cơ khí doanh nghiệp nội bị hạn chế.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp cho biết đang chịu sự đối xử không công bằng so với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp FDI được các cơ quan chức năng tìm mọi giải pháp hỗ trợ đất đầu tư nhà xưởng, cơ chế tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, doanh nghiệp nội phải chật vật tự tìm địa điểm đầu tư sản xuất kinh doanh và gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cơ chế hỗ trợ.
Một số doanh nghiệp FDI cho biết, Nhà nước đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng nhưng thực tế doanh nghiệp nội khó tham gia. Ảnh: Việt Linh. |
Một số doanh nghiệp FDI cho biết, Nhà nước đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế doanh nghiệp nội khó tham gia. Các doanh nghiệp FDI chỉ ưu tiên sử dụng sản phẩm thân hữu nên một số doanh nghiệp nội có khả năng cung ứng tham gia chuỗi toàn cầu không thể tiếp cận được doanh nghiệp FDI đầu cuối, do các doanh nghiệp FDI từ chối tiếp nhận sản phẩm của doanh nghiệp nội.
“Cần có chính sách ràng buộc tỷ lệ sử dụng sản phẩm nội địa, thì mới thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội. Điều này mới giúp mang lại cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận chuyển giao công nghệ của nước ngoài, phát triển sản xuất, tiến đến phát triển sản phẩm hoàn chỉnh”, ông Tống nói.
Ông Tống cũng đề xuất cần đầu tư các khu công nghiệp do Nhà nước làm chủ để tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất với chi phí thấp cho ngành cơ khí. Song song đó, cần có kế hoạch đào tạo nguồn lực, bố trí ngân sách hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp đầu tư các hệ thống quản trị mới nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.
Đặt hàng để phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh
Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng kinh tế Việt Nam là nền kinh tế sản xuất, lại có sẵn thị trường nội địa gần 100 triệu dân là bệ đỡ quan trọng của doanh nghiệp. Do đó, cần tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất.
Khi kinh tế thế giới khó khăn, thị trường quốc tế đang bị thu hẹp. Do đó, phải tăng cường giữ vững thị trường trong nước đồng thời phải khai thác thế mạnh các hiệp định thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đại biểu đề xuất Chính phủ cần chuẩn bị nguồn lực đủ lớn, tăng vốn đầu tư công trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Vốn đầu tư công nên đầu tư vào các dự án dở dang, hạn chế khởi công mới, hoàn thành để đưa vào sử dụng. Đặc biệt, ông đề nghị dành một phần đầu tư công để đặt hàng hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển một số ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp cơ khí, chế tạo máy.
Giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn cho ra đời nhiều tập đoàn kinh tế mạnh.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân
“Điều này sẽ giúp góp phần hiện đại hóa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ", ông nói.
Có 3 lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng là công nghiệp cơ khí xây dựng đường sắt, hậu cần vận tải biển và công nghiệp thông tin phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Nếu Chính phủ ưu tiên đặt hàng và cam kết dành thị phần cho các nhà đầu tư trong nước sẽ xây dựng được một nền công nghiệp đường sắt độc lập, hiện đại.
Trong khó khăn của cuộc khủng hoảng kinh tế, nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã ra đời nhờ chính sách đặt hàng của Chính phủ. "Giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn mà còn cho ra đời nhiều tập đoàn kinh tế mạnh", ông kỳ vọng.