Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chuyên gia: Cái giá rất lớn nếu Thổ Nhĩ Kỳ cản trở NATO mở rộng

Chia sẻ với Zing, các nhà phân tích chỉ ra ít có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, mặc dù Ankara có những phát biểu và động thái phản đối điều này.

“Đương nhiên, theo luật, Thổ Nhĩ Kỳ có thể phủ quyết việc kết nạp Thụy Điển và Phần Lan”, ông Howard Eissenstat, phó giáo sư về lịch sử Trung Đông hiện đại tại Đại học St. Lawrence, Mỹ, trả lời Zing.

Trên lý thuyết, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có khả năng ngăn cản Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Theo quy định của khối quân sự này, quốc gia ứng viên chỉ được kết nạp nếu được sự chấp thuận của toàn bộ thành viên liên minh.

“Tuy nhiên, nếu làm vậy, họ sẽ tự gây thiệt hại cho mình, vì cả EU lẫn Mỹ sẽ coi đây là mối nguy thực sự với an ninh cốt lõi của họ. Cái giá của việc phủ quyết sẽ rất lớn”, ông nhận định

Chiến thuật của Ankara

Theo tiến sĩ Mehmet Yegin, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Đức (SWP), việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO hoàn toàn không phải tin xấu với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Về địa lý, hai quốc gia này không phải mối quan tâm trực tiếp trong chính sách đối ngoại Thổ Nhĩ Kỳ”, ông nói với Zing. “Vấn đề chủ yếu nằm ở quan hệ song phương. Tôi tin Thổ Nhĩ Kỳ muốn tận dụng vị thế thành viên NATO để đàm phán và mặc cả về các quan ngại an ninh của nước này với các đồng minh”.

tho nhi ky nato anh 1

Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng tư cách thành viên NATO để gây áp lực lên Thụy Điển và Phần Lan trong các vấn đề song phương. Ảnh: Daily Sabah.

Trong khi đó, phó giáo sư Eissenstat chỉ ra Thổ Nhĩ Kỳ cũng không có quá nhiều lợi ích nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.

“Họ không muốn tầm quan trọng của mình giảm sút và không muốn thấy xung đột giữa NATO và Nga thêm căng thẳng”, ông cho biết.

Theo tiến sĩ Yegin, Ankara đang theo đuổi sách lược “cảnh sát tốt - cảnh sát xấu” khi đưa ra các thông điệp trái ngược về khả năng gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan giữa tháng 5 đã trao đổi với các đồng minh về quan điểm dứt khoát của Ankara: Nói “không” với việc Phần Lan và Thụy Điển vào NATO. Trong khi đó, ông Ibrahim Kalin, cố vấn đối ngoại hàng đầu của ông Erdogan, lại tuyên bố nước này không có ý định “đóng cánh cửa” gia nhập NATO của hai quốc gia này.

“Ông Ibrahim Kalin là người phát ngôn của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, là nhà đàm phán chính với phương Tây và các đồng minh NATO khác về mong muốn trở thành thành viên NATO của Thụy Điển và Phần Lan. Do đó, ông ấy đang tỏ vẻ là một ‘cảnh sát tốt’”, tiến sĩ Yegin nói.

“(Tổng thống) Erdogan và bộ trưởng Ngoại giao đóng vai ngược lại trong cuộc đàm phán”, ông nhận xét. “Họ đang làm tăng căng thẳng và giúp ông Ibrahim Kalin có vị thế mạnh hơn khi đàm phán”.

Nhiều không gian đàm phán

Hôm 15/5, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tuyên bố Thụy Điển và Phần Lan cần chấm dứt hậu thuẫn các phần tử mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, cung cấp bảo đảm an ninh, đồng thời dỡ bỏ các lệnh cấm xuất khẩu nếu không muốn Ankara phủ quyết lá đơn gia nhập NATO.

Trong khi đó, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Stockholm Emre Yunt hôm 19/5 chỉ rõ Thụy Điển cần cắt đứt quan hệ với lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.

tho nhi ky nato anh 2

Mối quan hệ giữa các nước Bắc Âu và lực lượng người Kurd ở Syria là một vấn đề mà Ankara muốn mặc cả. Ảnh: Reuters.

Phó giáo sư Eissenstat nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ muốn Thụy Điển và Phần Lan có sự nhân nhượng nhất định trong các vấn đề trên. Dù vậy, theo ông, mục tiêu chính của Thổ Nhĩ Kỳ là nhắc nhở các đồng minh NATO rằng các quan ngại của họ cần được coi trọng.

“Cũng có khả năng Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có thêm sự giúp đỡ của Tổng thống Biden trong kế hoạch vượt qua cản trở của Quốc hội Mỹ để mua máy bay F-16”, vị chuyên gia nói.

Trong khi đó, ông Yegin cho rằng quan hệ giữa Thụy Điển và Đảng Liên minh Dân chủ (PYD) của người Kurd ở Syria - tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cho là “cánh tay nối dài” của Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - là chủ đề tranh luận chính.

“Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với quan hệ và sự ủng hộ của Thụy Điển với PYD. Tôi nghĩ họ sẽ đàm phán về chủ đề này”, ông dự đoán.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Thụy Điển dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, vốn được áp đặt sau khi Ankara can thiệp vào Syria ba năm về trước.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn bắt giữ các phần tử mà nước này coi là “khủng bố” ở Thụy Điển và Phần Lan, nhưng yêu cầu này ít có khả năng thành công vì khác biệt giữa hai bên.

“Tôi không nghĩ các điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ đã quá rõ ràng. Sẽ có không gian đàm phán cho cả hai bên”, ông nói.

Tiến sĩ Yegin nhận định bất chấp những phản ứng có thể nổ ra, vụ việc lần này ít có khả năng gây ra căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây. Theo ông, phương Tây đã quá hiểu ông Erdogan. Do đó, họ không quá bất ngờ và đã chuẩn bị cho các quyết định khác biệt của Ankara như không tham gia cấm vận Nga.

“Trong thời kỳ khủng hoảng này, các đồng minh phương Tây và NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với Nga. Do đó, phản ứng của phương Tây với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là hạn chế”, ông nêu quan điểm.

Pháo phản lực Nga tạo sóng xung kích khổng lồ khi trúng đích Ukraine công bố video các vị trí của quân đội nước này ở Donbas trúng đòn từ hệ thống pháo phản lực TOS-1A của Nga, tạo ra các "bong bóng" sóng xung kích khổng lồ ở mục tiêu.

'Cặp đôi' thách thức sự thống nhất của NATO và EU

Trong khi Thổ Nhĩ Kỳ cản trở nỗ lực gia nhập NATO của hai nước Bắc Âu, Hungary tiếp tục ngăn EU áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, khiến sự thống nhất của hai liên minh bị đe dọa.

Nguồn cơn tranh cãi của Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ

Thái độ chào đón dòng người tị nạn cùng với thúc đẩy nhân quyền và tôn trọng nhóm người thiểu số của Thụy Điển đã khiến nước này trở thành quê hương của khoảng 100.000 người Kurd.

Việt Hà

Bạn có thể quan tâm