Tại Tọa đàm Thực trạng và vướng mắc về hợp tác giữa bảo hiểm - ngân hàng do báo Tiền Phong tổ chức ngày 14/4, bà Phạm Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết bảo hiểm hoạt động trên nguyên tắc số đông bù số ít. Mối quan hệ trong hoạt động bảo hiểm không chỉ là doanh nghiệp với người được bảo hiểm.
"Suy rộng ra, đó là mối quan hệ giữa những người được bảo hiểm thông qua cơ chế hình thành và sử dụng quỹ bảo hiểm. Thực chất, bảo hiểm là việc phân chia tổn thất của một số ít người cho tất cả những người tham gia cùng chịu", bà nói.
Nguyên nhân làm biến tướng bảo hiểm nhân thọ
Nhìn nhận về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng biến tướng bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng bảo hiểm mang phí (tiền bảo hiểm của khách hàng - PV) đi đầu tư trong khi thời gian qua thị trường tài chính, chứng khoán gặp nhiều khó khăn.
"Cùng với đó, hợp đồng liên kết với khách hàng để đầu tư chiếm đến 85%. Như vậy, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã đi chệch hướng", ông nhận định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng còn do "lỗ hổng" pháp luật với cả bên bán và bên mua. Bên bán nhắc lại 1-2 lần nhưng khách hàng không đọc kĩ. Chưa kể chất lượng tư vấn của nhân viên bảo hiểm chưa cao và bị sức ép về doanh thu.
"Hiện nay, người mua bảo hiểm cũng có vấn đề bởi họ không biết rõ mục đích mua bảo hiểm. Phòng ngừa rủi ro, tích lũy cho con cái sau này hay đầu tư sinh lời. Tính tuân thủ trong tham gia hợp đồng của người tham gia bảo hiểm cũng chưa cao", ông Lực đánh giá.
Nhiều người cho biết hợp đồng bảo hiểm thường rất dài và nhiều từ ngữ chuyên ngành nên chủ yếu dựa vào tư vấn của đại lý bán hàng. Ảnh: Phuong Ha. |
Là người tham gia nghiên cứu, giảng dạy, pháp lý liên quan đến bảo hiểm, TS Trần Vũ Hải, Phó trưởng Phòng khoa học, Đại học Luật Hà Nội, cho rằng đại lý bảo hiểm, cá nhân tư vấn mong muốn bán bảo hiểm hoặc thiếu hiểu biết đã tư vấn không đúng bản chất của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
"Ngược lại, nhiều khách lại tiếp cận bảo hiểm là đầu tư nhưng bản chất bảo hiểm là tham gia đóng phí nhỏ nhưng được bồi thường, chi trả lớn hơn, chứ không phải đóng tiền vào để nhận lại bao nhiêu", ông nhấn mạnh.
Theo ông Hải, đại lý bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ cho bên mua, giải thích rõ các quyền lợi... Thực tế, có thực trạng nhiều nhân viên làm không đúng, che giấu thông tin, đặc biệt tự kê khai cho người mua bảo hiểm.
Cần đơn giản hóa hợp đồng bảo hiểm
TS Cấn Văn Lực kiến nghị mẫu hợp đồng bảo hiểm phải đơn giản, ngắn gọn. Bởi theo vị chuyên gia này, hiện nay hợp đồng bảo hiểm dài tới 100 trang, rất ít người dân đọc hết. Trong khi đó, ở nước ngoài, mẫu hợp đồng bảo hiểm rất đơn giản, có những điều khoản chỉ cần đánh dấu tích. Hợp đồng bảo hiểm chỉ cần 10-20 trang để người dân đọc hiểu.
"Cần tiếp tục chuẩn hóa mẫu hợp đồng những sản phẩm liên kết vốn. Đồng thời nên có bộ hợp đồng mẫu để các công ty bảo hiểm thực hiện và phải quy định rõ hơn nữa là trong hợp đồng phải có bản tóm tắt", ông đề xuất.
Nên có bộ hợp đồng mẫu để các công ty bảo hiểm thực hiện và phải quy định rõ hơn nữa là trong hợp đồng phải có bản tóm tắt
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
Theo vị chuyên gia, sau những vụ việc vừa qua, cần rà soát quy định chuẩn hóa nhân sự liên quan như đại lý bảo hiểm, nhân viên tư vấn. "Với đội ngũ tư vấn cũng phải phân loại tiếp: Tư vấn thông thường và tư vấn chuyên nghiệp", ông nói.
Bên cạnh đó, ông Lực cho rằng Chính phủ cần có chương trình giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức về bảo hiểm của người dân. Ngược lại, bản thân các đại lý bảo hiểm cần rà soát lại, đào tạo lại nhân viên.
Chẳng hạn ở Trung Quốc có quy định rõ tư vấn bảo hiểm cần người có kinh nghiệm sau 2-3 năm mới được tư vấn khách hàng hay bảo hiểm cần có quầy bán riêng… Về phía người dân, cần nắm rõ mục đích mua bảo hiểm và đọc kĩ hợp đồng.
"Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro chứ không phải lĩnh vực đầu tư. Với mục đích đầu tư, người dân nên lựa chọn lĩnh vực khác", ông nhấn mạnh.
Liên quan đến sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, vị chuyên gia này đánh giá còn nhiều rủi ro bởi công ty bảo hiểm đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu... đều là lĩnh vực rủi ro cao.
Để sản phẩm này phát triển lành mạnh, ông Lực cho rằng cần phân nhóm, phân loại sản phẩm thông dụng hơn cho người dân đầu tư. Bên cạnh đó, các đại lý, tư vấn viên phải giải thích rõ với khách hàng. Đặc biệt, cần nâng cao chuyên môn cho đối tượng tư vấn.
Sau gần 30 năm, thị trường bảo hiểm nhân thọ có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy.
Với gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.